Người xưa thường nói “Người khôn nói ít nghe nhiều”. Vậy nên chúng ta cần học được cách giao tiếp, chỉ nên nói “nửa câu” và nghe “hai câu”.

Hãy nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn

Ông của tôi nhận thấy rằng bà của tôi ngày càng ít trò chuyện với ông, và lo lắng rằng bà đã già và có thể bị lãng tai. Vì vậy, ông quyết định đột ngột về nhà để kiểm tra thính giác của bà. Ông dùng chìa khóa mở cửa, và đóng mạnh cửa khi thấy bóng dáng của bà đang nấu ăn trong bếp.

Ông giật mình, vì nghĩ rằng bà thật sự không nghe thấy tiếng ông đóng cửa, thậm chí còn không chào hỏi. Ông hét lớn: “Tôi về rồi!” Bà vẫn không đáp lại ông. Ông bước ra phòng khách và hét to hơn: “Tôi về rồi!” Bà vẫn không đáp lại. Ông vội vàng, bước nhanh vào bếp, ghé vào tai bà và hét lớn: “Bà bị điếc à?”

Bà quay mặt lại và mắng ông : “Là ông bị điếc ấy! Tôi đã trả lời ông ba lần kể từ khi ông mở cửa bước vào!”

Vì ông đã không nghe thấy bà trả lời, điều đó không có nghĩa là bà đã không trả lời.

Trong giao tiếp cần có sự đồng cảm

Câu chuyện này đã nói lên một điều, đó là cần có sự đồng cảm khi giao tiếp giữa hai người với nhau. Sự đồng cảm ở đây có nghĩa là chúng ta phải nghĩ đến suy nghĩ của người khác và đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ.

Vì chúng ta cảm thấy rằng người khác cư xử không tốt bằng mình, nên khi chúng ta nói chúng ta tỏ ra coi thường họ. Nhưng thực ra vấn đề không phải nằm ở họ mà chúng ta mới chính là người có vấn đề.

Trong giao tiếp cần có sự đồng cảm
Hãy nghĩ đến kinh nghiệm sống hoặc chỉ số IQ của người nghe (ảnh: Edu2review).

Khi chúng ta cố nói nhiều hơn hoặc bắt đầu lớn tiếng, nhưng người nghe vẫn không hiểu. Vậy vấn đề ở đây là gì? Hãy nghĩ đến kinh nghiệm sống hoặc chỉ số IQ của họ. Liệu họ có thực sự hiểu được điều chúng ta đang nói không? Hoặc có thể họ không hiểu được tình huống mà chúng ta đang đề cập đến? Khi đặt mình vào vị trí của người nghe để suy nghĩ, chúng ta có thể hiểu được họ và thay đổi cách nói của mình. Như vậy vấn đề giao tiếp sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Học cách giao tiếp nói “nửa câu”

Nói là việc làm dễ nhất trên đời, chỉ cần mở miệng ra là nói được. Nhưng nói cũng là việc khó nhất trên đời, nói cũng cần phải biết cách. Nếu nói sai cách thì sẽ tạo ra hậu quả không hay. Nếu nghiêm trọng, còn có thể gây ra hiểu lầm, hoặc gây ra thù hận. Người xưa nói “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói ra, không thể rút lại được. Cần suy nghĩ kĩ trước khi nói. Tốt nhất là nên học cách nói “nửa câu” – nghĩa là nên nói ít lại.

Học cách giao tiếp nói "nửa câu"
Nên học cách nói “nửa câu” – nghĩa là nên nói ít lại (Ảnh internet).

Nhiều người có thói quen thường vừa mới gặp nhau vài lần thì cũng đã xem nhau thân thiết như người nhà. Không lời nào không nói ra được, nghĩ gì nói nấy. Nhưng thường là họa từ miệng mà ra, chúng ta nên học cách nói ít lại. Không nên nói thẳng thắn quá hay tùy tiện quá để tránh việc xúc phạm, làm tổn thương người khác. Điều này cũng không có nghĩa là ngậm miệng ko nói gì cả.

Đối với một vấn đề hay sự việc nào đó mà chúng ta biết rõ cũng không cần phải nói hết điều mình biết. Để đường lui cho người khác cũng là giữ đức cho bản thân mình. Muốn trách người cũng không nên quá khắt khe, nên học cách đối xử khoan dung với mọi người.

Có những lời nói thẳng có thể làm tổn thương người khác

Đối với những người thân trong gia đình, chúng ta cũng cần học cách nói “nửa câu”. Khi chúng ta càng thân thiết và tin tưởng lẫn nhau, rất nhiều lời nói thẳng, nói thật sẽ dễ dàng thốt ra. Có những lời nói thật như dao sắc, có thể làm tổn thương người nghe. Sau này khi mọi việc qua đi, dù vết thương này có lành lại cũng sẽ để lại sẹo. Nên chúng ta cần học cách nói “nửa câu”, để giữ hạnh phúc gia đình bền lâu.

Có những lời nói thẳng có thể làm tổn thương người khác
Chúng ta cần học cách nói “nửa câu”, để giữ hạnh phúc gia đình bền lâu.(Ảnh internet)

Hãy nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn. Bởi vì những người thích nói nhiều, họ đang đánh mất vẻ đẹp của sự tĩnh lặng. Chỉ có những người biết cách lắng nghe, mới có được vẻ đẹp này. Và trong những cuộc tranh luận, nếu bạn nói quá nhiều, bạn cũng chưa chắc đã là người thắng cuộc, mà thường là người thua cuộc. Vậy nên hãy suy nghĩ kĩ trước khi hành động, hãy suy nghĩ kĩ trước khi nói.

Học cách giao tiếp nghe “hai câu”

Vận dụng kĩ năng “nói nửa câu” và nghe “hai câu” thì sẽ dễ dàng giao tiếp với mọi người. Ý nghĩa sâu xa của việc nghe “hai câu” là: đừng nghe những gì người khác nói mà hãy lắng nghe những gì mà người ta không nói.

Hãy lắng nghe đồng nghiệp của bạn nói gì, cấp trên nói gì, khách hàng nói gì. Hãy suy nghĩ kỹ càng. Lời nào cũng có ý nghĩa sâu xa của nó, tùy thuộc vào việc bạn có thể hiểu thấu đáo hay không. Và bạn phải nắm được ý nghĩa thực sự đằng sau những lời nói ấy. Nếu không làm được điều đó thì sớm muộn gì bạn cũng phải chịu một số tổn thất. Vì vậy hãy học cách sống cẩn thận, sống chậm lại, quan sát nhiều hơn. Có những điều người ta không bao giờ nói thẳng, họ muốn bạn phải tự hiểu ra.

Học cách lắng nghe những điều mà người khác không nói

Khi đối xử với người thân, bạn bè, bạn cũng nên học cách nghe hai câu. Một câu là nghĩa đen trong lời họ nói, còn một câu là ẩn ý, là cảm xúc thật của họ.

Học cách lắng nghe những điều mà người khác không nói
Học cách lắng nghe những điều mà người khác không nói (ảnh: internet).

Cha mẹ gọi cho bạn sau một thời gian dài và hỏi bạn có bận không, thực ra là họ muốn nói rằng họ đang nhớ bạn; Một người bạn gọi điện hỏi bạn dạo này thế nào, nhưng thực ra họ đang muốn hẹn gặp bạn, muốn có người tâm sự cùng họ; Vợ con bạn gọi điện hỏi bạn ăn cơm tối hay chưa, thực ra ý của họ muốn nhắc bạn nhớ giữ gìn sức khỏe và nên về nhà sớm.

Khi bạn thực hiện được kĩ năng nói “nửa câu” và nghe “hai câu”, bạn sẽ thấy rằng thế giới mà bạn đang sống sẽ rất khác. Và bạn sẽ thích thú với kết quả mà nó mang lại.

Học cách giao tiếp từ những điều nhỏ bé, quan sát tinh tế hơn một chút, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên đơn giản và tốt đẹp hơn.

Biên tập theo Secret China