Khổng Tử nói: “Nước trong quá thì không có cá, người thấy nhiều thứ quá rõ ràng thì không có người theo”, ở đây muốn nói chúng ta phải có lòng khoan dung với người khác. 

Người thấy nhiều thứ quá rõ ràng thì không có người theo

Học trò Tử Trương hỏi Khổng Tử về đạo lý trong chính trị và chấp chính. Khổng Tử giảng: “người quân tử trị vì dân chúng, không nên thiết lập những tiêu chuẩn quá cao. Không nên thuyết dụ nhân dân bằng những mục đích quá xa rời thực tế. Đừng cưỡng chế họ làm những việc mà họ không có khả năng.”

Tử Trương đáp: “Học trò thành thẩn tiếp thụ giáo huấn”. 

Khổng Tử giảng thêm: “Trò nhất định phải nhớ, nước trong thì không có cá, người thấy nhiều thứ quá rõ ràng thì không có người theo. Ngày xưa, vương miện của các hoàng đế thường có các chuỗi ngọc rũ xuống che phủ khuôn mặt. Đấy là để họ không nhìn quá rõ mọi thứ. Họ trang trí cho che kín lỗ tai để không nghe được quá nhiều điều. Một khi trong dân chúng xuất hiện yêu tặc nổi dậy, vị hoàng đế sẽ chấn chính lại tình huống.” 

Tử Trương nghe xong thành khẩn nói: “Thầy giảng thật uyên thâm”. 

Khổng Tử ân cần dạy học trò (ảnh: Nguyenuoc)

Khổng Tử lại giảng: “Chúng ta nên khoan dung nhiều chính sách để người ta có thể tự thấy những chỗ không toàn vẹn của mình. Trò nên truyền giảng những nguyên lý phù hợp với mức độ tiếp thu của quần chúng. Giáo dục cho họ có khả năng độc lập tư duy dựa trên những nguyên lý và tự tìm ra phương hướng cho bản thân.

Khi người phạm lỗi lầm, đừng làm mọi thứ để chỉ ra lỗi lầm của họ, hãy khoan dung và tha thứ cho họ dựa vào những điều tốt đẹp mà họ đã làm trong quá khứ. Điều đó sẽ giúp họ ngày càng trở nên tốt hơn, như một người chết đi mà được sống lại. Đấy là một phương cách của Đấng trị vì”. 

Tử Trương đáp tạ: “Thầy giảng thật thấu đáo”. 

Khổng Tử giảng thêm: “Muốn người khác tin theo, tốt nhất là khiêm tốn lắng nghe quan điểm của người khác trước. Muốn một chính sách được thực thi nhanh chóng, tốt nhất là hãy tự mình làm gương. Muốn người sớm quy phục mình, cách tốt nhất là dạy cho họ những luật chân chính. Nếu trò có thể đạt được những điều trên thay vì chỉ biết mắng mỏ và trừng phạt dân chúng, trò sẽ là một người chấp chính được yêu chuộng”. 

“Không có người theo nếu nhìn thấy quá rõ”, ý nói rằng chúng ta nên đối xử với người khác bằng sự nhẫn nại; không nên mắng chửi người ta hay đặt ra yêu cầu quá khắt khe. Là con người, ai cũng có điểm yếu kém. “Không có người theo nếu nhìn thấy quá rõ”, dạy chúng ta trở nên khoan dung và ân cần với người khác. Chúng ta nên cảm nhận được điểm mạnh của người khác và tạo cơ hội để họ có thể học hỏi và dần thăng tiến về phẩm chất, đạo đức.

Khoan dung: nguyên tắc phải ghi nhớ cả đời

Một lần khác, học trò Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”

Khổng Tử trả lời:“Chính là chữ ‘thứ’, chữ ‘thứ’ này mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng”

Con người có khuynh hướng để tâm vào phương diện không toàn vẹn, không được tốt đẹp của người khác và thế gian mà tự cảm thấy bất mãn. Cho nên dù là người ngu dốt cũng có thể nhìn thấy rõ và nói chính xác lầm lỗi của người khác. Tuy nhiên “nhân vô thập toàn”, chúng ta mang tâm thái đòi hỏi sự hoàn hảo thì rất khó để nhiều người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Sự dung thứ không chỉ thể hiện thiện niệm của một người, mà còn cho thấy họ là người hiểu biết về nhân tình thế thái.

Sức mạnh của lòng khoan dung
Khổng Tử và học trò kính cẩn vây quanh ngài (ảnh minh hoạ: Songdep)

Phạm Thuần Nhân cũng từng nhắc nhở học trò của ông, mấu chốt để trở thành người đức lớn là phải “dùng tâm khoan thứ mình để khoan thứ người khác”. Bậc quân tử chân chính, mỗi khi mắt của họ nhìn thấy vấn đề của người khác, họ sẽ ngay lập tức quay về chỉnh đốn bản thân không thể phạm sai lầm tương tự.

Người xưa lại cũng có quan niệm rằng, con người sống trên đời là một quá trình không ngừng học hỏi đạo lý để tu thân. Qua học tập kinh thư hay thực thi công việc họ luôn có cơ hội bồi bổ những thiếu sót, và quá trình đó cần có những người hướng dẫn đủ nhẫn nại để có thể chấp nhận và cấp cơ hội cho họ đề cao.

Đức Phật đè con khỉ đá dưới chân núi Ngũ Hành 500 năm để nó tự ăn năn, với tội trong vô tri ngạo mạn, xúc phạm thánh thần. Hỏi thế gian còn tội nào to lớn hơn như thế? Nhưng Đức Phật từ bi vẫn cấp cho nó cơ hội sử dụng phép thần thông của mình để phò tá Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh; trong gian khổ lấy công chuộc tội, thậm chí tu thành đạo trường sinh bất tử như nó hằng mong ước.

Có câu nói“không ai cùng tắm trên một dòng sông”, đại ý là cùng một dòng sông nhưng nguồn nước thì luôn luân chuyển; là con người sau khi trải qua những sai lầm, họ nhất định sẽ có sự thay đổi. Bậc trí thức khi dùng người hoặc muốn thay đổi người khác, thì không thể không khoan dung, độ lượng. Bởi sự khoan dung đã sẵn có trong nó sức mạnh cảm hoá lòng người.

Theo Chánh kiến