Người phụ nữ tiết nghĩa thường thích điều lành, mộ khí tiết, dũng cảm thành tín, sẵn sàng vì nghĩa diệt thân.

Thu Hồ Tử nước Lỗ: bất hiếu, bất nghĩa

Khiết phụ là vợ của Thu Hồ Tử người nước Lỗ. Nàng gả về nhà chồng được năm ngày thì chồng là Thu Hồ Tử rời nhà đến đất Trần làm quan; suốt năm năm sau mới trở về quê cũ. Nhưng chưa về tới nhà, Thu Hồ Tử thấy một người phụ nữ ở bên đường đang hái dâu bèn động lòng xuống xe nói rằng:

“Nàng ở phơi nắng hái dâu, ta đi một quãng đường dài, muốn được ăn uống dưới bóng của cây dâu, nên xuống đây tặng đồ cho nàng và nghỉ ngơi”

Người phụ nữ vẫn tiếp tục hái dâu, không dừng lại. Thu Hồ Tử tiếp tục nói với người phụ nữ rằng: “Ra sức cấy cày không bằng gặp được bội thu, ra sức hái dâu không bằng gặp được người làm quan. Ta có tiền tài, vui lòng tặng cho phu nhân”

Người phụ nữ vẫn cúi đầu mà trả lời: “Hái dâu là dựa vào sức lực để lao động, dệt vải quay tơ là để mình có cái ăn cái mặc, hầu hạ song thân, nuôi sống chồng con. Tôi không bằng lòng nhận tiền của ngài, cũng mong ngài đừng có ý chiếm thứ không phải của mình. Tôi cũng không có ý lẳng lơ mà nhận tiền tài của ngài tặng cho”

Gương người xưa: người vợ vì nghĩa diệt thân
Người chồng thấy vợ thì hổ thẹn (ảnh minh hoạ: Nguyenuoc)

Thu Hồ Tử đành phải bỏ đi. Sau khi về đến nhà, chàng ta đem tiền đưa cho mẹ, rồi sai người đi gọi vợ. Người vợ ra gặp thì lại chính là người phụ nữ xinh đẹp hái dâu ban nãy. Thu Hồ Tử cảm thấy vô cùng hổ thẹn. 

Thà chết không kết giao với người bất nghĩa

Bốn mắt nhìn nhau, Khiết phụ thất vọng nói: “Chàng cáo biệt người thân, ra ngoài làm quan năm năm mới trở về. Vốn phải ra roi thúc ngựa để mau chóng về nhà, nhưng chàng lại động lòng khi gặp người phụ nữ xa lạ bên đường, dùng bổng lộc của chàng để dụ dỗ, muốn đem tiền bạc để cho người ta.

Đây là quên đi việc nhà có mẹ già, quên mẹ là bất hiếu. Thấy nữ sắc động lòng, dâm loạn quên bản thân là người đã có người nâng khăn sửa túi, đây là hành vi hạ lưu, bất nghĩa. 

Phụng sự người thân không hiếu thuận, ân nghĩa thì phụng sự Vua cũng không trung thành. Xử lý việc nhà không có nghĩa thì quản lý việc chính sự sẽ không có trật tự. Hiếu và nghĩa cùng mất thì nhất định sẽ không có kết quả tốt. Thiếp không muốn thấy chàng nữa. Chàng hãy lấy người khác đi. Thiếp cũng sẽ không tái giá nữa”. Nói xong liền bỏ nhà đi về phía Đông rồi nhảy xuống sông mà tự vẫn.

Bậc quân tử nói Khiết phụ trong sạch, một lòng hướng thiện. Bất hiếu không có việc gì là lớn hơn việc không thương yêu cha mẹ, người như vậy tự nhiên cũng sẽ không yêu thương người khác. Thu Hồ Tử là người như vậy.

Ngược lại, người thấy việc thiện thì chỉ sợ mình không sánh bằng, thấy hành vi bất thiện thì giống như tay nhúng vào nước sôi mà vội rút tay ra. Vợ của Thu Hồ Tử là người như vậy.

Kinh Sư Tiết Nữ cứu cha, thế mạng cho chồng

Kinh Sư Tiết Nữ được gả cho người ở đất Đại Xương, Trường An. Chồng nàng có kẻ thù, hắn muốn tìm chồng nàng báo thù nhưng chưa nghĩ ra cách. Nghe nói Tiết Nữ hiếu thuận, liền bắt lấy cha của nàng, ép nàng ta phải giúp hắn giết chồng nàng.

Gương người xưa: người vợ vì nghĩa diệt thân
Giữ hiếu song thân, không phụ nghĩa chồng (ảnh minh họa Songdep)

Người cha cho gọi Tiết Nữ đến và đem sự việc nói cho nàng biết. Tiết Nữ trong lòng nghĩ, nếu không nghe lời đối phương thì kẻ thù sẽ giết chết cha, đối với nàng mà nói thì là không hiếu thuận. Nếu nghe lời kẻ thù thì kẻ thù sẽ giết chết chồng, đây là hành vi bất nghĩa. Dẫu lựa chọn thế nào thì cho dù có sống cũng không thể đứng trong nhân gian. Sau một hồi suy nghĩ, Tiết Nữ nói: 

“Sáng sớm ngày mai, tôi tắm rửa trên lầu. Phòng ngủ phía Đông là phòng của chồng tôi. Tôi mở cửa chờ sẵn”

Trở về nhà, Tiết Nữ nói với chồng rằng, trong người cảm thấy khó chịu muốn đêm nay được ngủ một mình ở phòng phía Đông. Tới nửa đêm, quả nhiên kẻ thù đến cắt đầu của nàng rồi mang đi. Đến khi trời sáng nhìn lại mới nhận ra đó là đầu của nàng. Gã kẻ thù của chồng nàng trong lòng đau buồn, thấy nàng là người có ân nghĩa nên không giết chồng nàng nữa.

Bậc quân tử nói Tiết Nữ nhân nghĩa hiếu thuận, ân nghĩa nồng nàn. Xem trọng nhân nghĩa mà coi nhẹ cái chết, là hành vi của người cao thượng.

Sách Luận ngữ có câu: “Quân tử sát thân nhi thành nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân”; tức là bậc quân tử dám hy sinh thân mình để thi hành đạo nhân, không cầu được sống mà hại người khác, là nói về người có ân nghĩa như nàng Tiết Nữ kia vậy.

Theo Tiết Nghĩa Chuyện