Có một căn bệnh đang gia tăng với tốc độ chóng mặt trong xã hội hiện đại ngày nay, đó là bệnh trầm cảm. Vậy bệnh trầm cảm là gì?

Bệnh trầm cảm là gì?

Rối loạn trầm cảm hay trầm cảm là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến cách bạn suy nghĩ, hành động và cảm nhận.

Trầm cảm có thể gây ra cảm giác buồn bã tột độ, tạo nên những thay đổi trong tính cách của một người và cách họ đối xử với bản thân và những người khác. Những người bị trầm cảm có thể cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Bệnh trầm cảm có thể dẫn đến các vấn đề về tình cảm và thể chất khác nhau, làm giảm khả năng hoạt động ở nhà hoặc nơi làm việc của một người.

Người mắc phải bệnh trầm cảm thường sẽ có một vài dấu hiệu như sau: Khó tập trung; khó nhớ; mệt mỏi; bi quan và tuyệt vọng; cảm thấy tội lỗi, vô giá trị hoặc bất lực; ngủ quá nhiều hoặc quá ít; hay cáu gắt; mất hứng thú với những thứ từng yêu thích; ăn quá nhiều hoặc ăn không thấy ngon miệng; những cơn đau kéo dài; thường xuyên bị các vấn đề về tiêu hóa; thường xuyên có cảm giác buồn bã, lo lắng hoặc trống rỗng; hay có ý định tự tử…

Ngày càng có nhiều người mắc phải

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện nay có hơn 280 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh trầm cảm; và đặc biệt con số này đang có xu hướng tăng nhanh. 

Vào năm 2014, tiến sĩ Jean Twenge, đã xuất bản cuốn sách “Generation Me”, để nói về sự gia tăng của chứng trầm cảm và những lo lắng về thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials). Theo Twenge, chỉ 1-2% những người sinh trước năm 1915 từng trải qua một lần trầm cảm lớn trong cuộc đời của họ. Nhưng những năm gần đây, con số này đã lên mức 15-20%. Một cuộc khảo sát so sánh các sinh viên từ năm 1937 đến năm 2007 cho thấy rằng sinh viên hiện đại có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gấp 7 lần.

Trầm cảm là gì; Tâm lý trầm cảm là gì; Trầm cảm nặng là gì
Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ngày càng tăng cao (ảnh minh họa Adobestock)

Và có một điều đáng chú ý là rất nhiều người không biết rằng họ đang bị trầm cảm. Twenge đã thực hiện một cuộc khảo sát để so sánh thanh thiếu niên từ năm 1980 đến năm 2010 thì phát hiện ra rằng: Thanh thiếu niên những năm 2010 có khả năng gặp khó khăn khi ghi nhớ mọi thứ cao hơn 38%, khó ngủ hơn 78%, và có khả năng đến gặp chuyên gia về tâm thần cao hơn gấp đôi. 

Nghe có vẻ bình thường, nhưng khó nhớ, khó ngủ và tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia về tâm thần là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên khi được hỏi rằng “Bạn có bị trầm cảm không?” thì thanh thiếu niên từ năm 1980 đến 2010 đa phần đều nói không.

Tại sao trầm cảm lại phổ biến như vậy?

Điều kỳ lạ là xã hội càng phát triển thì con người lại càng cảm thấy cô đơn hơn. Chẳng phải mọi người có thể kết nối và liên lạc với người khác bằng rất nhiều hình thức hay sao? Bên cạnh đó còn đủ loại hình giải trí, xét ra thì ‘nhộn nhịp’ hơn ngày xưa rất nhiều. Vậy tại sao người ta vẫn bị trầm cảm và thấy cô đơn. Dưới đây chúng ta thử tìm đến một vài nguyên nhân:

Công nghệ làm chúng ta xa cách nhau hơn

Một nghiên cứu được công bố trên PLOS One (một tạp chí khoa học) cho thấy, việc sử dụng Facebook thường xuyên khiến họ cảm thấy ít hài lòng hơn với cuộc sống; và theo thời gian thì sẽ càng ngày càng thấy ít hạnh phúc hơn. Đôi khi, chỉ cần lướt Facebook một lúc cũng có thể làm họ cảm thấy buồn ngay lập tức. 

Bệnh trầm cảm nặng là gì; Trầm cảm tuổi dậy thì; Bệnh trầm cảm có chữa khỏi được không
Mạng xã hội đang làm cho con người ngày càng xa cách nhau hơn (ảnh minh họa Adobestock)

Một nghiên cứu khác của Đại học Y Pittsburgh cho thấy, những người trẻ tuổi sử dụng mạng xã hội càng nhiều thì họ càng trở nên trầm cảm hơn. 

Đây là hai trong số rất nhiều nghiên cứu nói về tác hại của việc sử dụng Facebook, và nó chẳng để lại gì ngoài nỗi buồn khi thức dậy.

Facebook vốn dĩ là để giúp mọi người gắn kết với nhau hơn, nhưng dường như nó đang phản tác dụng; mọi người ngày càng có xu hướng xa cách nhau hơn. Họ tránh né gặp mặt trực tiếp, thay vào đó là nhắn tin và trao đổi qua mạng. Đối với những người nhạy cảm, thì việc thường xuyên không tiếp xúc với người khác có thể làm cho họ phát sinh những vấn đề về tinh thần, ví dụ như là trầm cảm.

Chủ nghĩa duy vật

Nhà trị liệu Alison Crosthwait có một giả thuyết khác. Cô nói rằng nỗi ám ảnh về những thứ vật chất là một phần chính của vấn đề. Cô giải thích: “Chủ nghĩa duy vật là một con đường thẳng dẫn đến cảm giác trống rỗng”. Nhiều người ám ảnh bởi việc phải sở hữu được thứ gì đó, hoặc là thấy đố kỵ với người khác; điều này làm họ luôn cảm thấy không hài lòng với cuộc sống. 

Theo một bài viết đăng trên tạp chí Forbes, 39% công nhân ở độ tuổi 18-24 phải làm thêm công việc phụ; trong khi 44% nhân viên ở độ tuổi từ 35-44 có công việc phụ ngoài công việc toàn thời gian. Các thế hệ trẻ hơn không kiếm đủ tiền từ một công việc duy nhất, họ quá ám ảnh với tài sản, và phải làm việc suốt ngày đêm để có “cuộc sống tốt đẹp”. Nhưng không phải ai cũng có tinh thần đủ mạnh mẽ để chịu được những áp lực như thế, và việc trầm cảm dường như là một hậu quả tất yếu.

Môi trường gia đình

Ly hôn cũng là một phần khiến bệnh trầm cảm trở nên phổ biến. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Minnesota, các nhà nhân khẩu học nhận thấy tỷ lệ ly hôn gia tăng đáng kể từ năm 1990 đến năm 2008. Tỷ lệ này tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. 

Bệnh trầm cảm có trị hết không; Bệnh trầm cảm có chữa được không; Bệnh trầm cảm có mấy loại
Những người có gia đình không hạnh phúc thường dễ gặp phải những vấn đề về tâm lý (ảnh minh họa Adobestock)

Một nghiên cứu khác cũng báo cáo rằng, năm 1970, 84% trẻ em sống với bố mẹ đẻ đã kết hôn. Trong khi vào năm 2009, chỉ 60% trẻ em sống với bố mẹ đẻ của mình. Những đứa trẻ này lớn lên thường sẽ gặp phải những khó khăn về nhận thức và xã hội, và chúng rất dễ mắc phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Làm sao để vượt qua bệnh trầm cảm?

Đối với những người bị trầm cảm nặng và không thể sinh hoạt một cách bình thường thì cần phải có sự can thiệp y tế để tình trạng không trầm trọng hơn. 

Đối với những ai cảm thấy bản thân có triệu chứng của trầm cảm thì có thể làm ngược lại với những nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm. Ví dụ như hạn chế dùng mạng xã hội, giao tiếp nhiều hơn; đặc biệt là cần có một người để lắng nghe và chia sẻ. Ngoài ra có thể tham gia vào những hoạt động ngoài trời mang năng lượng tích cực; tham gia các khóa học phát triển bản thân; tìm đến các phương pháp tập luyện để chữa lành tâm hồn. Điều cấm kỵ nhất là tự nhốt mình trong phòng và không giao tiếp với ai.

Có rất nhiều câu chuyện đau lòng về người trầm cảm đã tự tìm đến cái chết, vì vậy chúng ta không thể xem thường căn bệnh này; biểu hiện ban đầu của nó có thể không quá nghiêm trọng, nhưng hậu quả thì khôn lường.

Hy vọng bài viết đã giải đáp cho những thắc mắc của bạn về “bệnh trầm cảm là gì?” cũng như những nguyên nhân gây ra căn bệnh này.