Côn trùng mùa hạ đâu thể biết được chuyện mùa đông, bàn luận với người không cùng tầng thứ thì cũng thật là uổng công vô ích.

Trong “Nam Hoa Kinh”, Trang Tử có bàn rằng: “Không thể cùng con ếch trong đáy giếng bàn về biển cả; không thể cùng côn trùng mùa hạ bàn về băng tuyết; không thể cùng anh học trò nghèo nơi thôn quê bàn luận về đạo lý”.

Điều kỵ nhất trong giao tiếp đó là tranh luận với người không cùng tầng thứ; vừa không giúp vấn đề được minh tỏ mà lại chuốc lấy bực mình. Mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau, có mặt bằng nhận thức khác nhau, từ đó mà có nhận định về thế giới cũng rất khác nhau. Người sáng suốt phải sớm nhận ra được điều này để tránh tranh cãi với người khác một cách vô ích.

Châu chấu chỉ biết ba mùa

Chuyện kể rằng, Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận với người khác. Một ngày nọ, người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở trước cổng nhà.

Vị khách hỏi người học trò: “Tôi nghe nói thầy của anh là Khổng Thánh nhân, vậy thì chắc hẳn học vấn của anh phải cao lắm. Anh cho tôi hỏi một năm có mấy mùa? Nếu anh trả lời đúng, tôi sẽ dập đầu quỳ lạy anh, còn nếu anh trả lời sai thì phải bái lạy tôi”.

Người học trò suy nghĩ một lát rồi nói: “Xuân, hạ, thu, đông, có 4 mùa”. Vị khách không đồng ý nói: “Sai rồi, có 3 mùa”. Hai người cứ thế tranh cãi không ai chịu ai, vừa lúc đó thì Khổng Tử đi đến.

Công trùng mùa hạ; Côn trùng mùa hè; Các loại côn trùng mùa hè
Hai người tranh luận xem một năm có mấy mùa (ảnh minh họa Adobestock)

Vị khách mới hỏi Khổng Tử: “Thánh nhân! Xin ngài hãy phân xử, một năm rốt cuộc là có bao nhiêu mùa?” Khổng Tử nhìn vị khách rồi nói: “3 mùa”. Vị khách đắc ý, hớn hở nói với người học trò: “Anh nghe rõ chưa, còn không bái tôi một lạy tạ lỗi hay sao?” Nói xong vui vẻ rời đi.

Không tranh cãi với người không cùng tầng thứ

Người học trò cảm thấy kỳ lạ mới hỏi thầy: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có 4 mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có 3 mùa?”.

Khổng Tử đáp: “Con không nhận ra người kia sao? Đó chính là một con châu chấu hóa thành. Một năm, châu chấu chỉ sống có 3 mùa, xuân, hạ và thu; nó đâu có biết mùa đông là như thế nào? Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ có hồi kết sao?”

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân; Không tranh cãi nghĩa là gì; Không nên tranh cãi
Châu chấu không sống được đến mùa đông (ảnh minh họa Adobestock)

Người học trò lúc này mới hiểu ý thầy, tranh cãi với người không cùng tầng thứ quả thực là tốn thời gian vô ích mà thôi.

Có người cứ hay muốn áp đặt quan điểm của mình lên người khác mà không hiểu được rằng mọi người đều rất khác nhau. Tôn trọng sự khác biệt, khoan dung với người yếu thế hơn mình, như vậy cuộc sống mới tránh khỏi muộn phiền.

Chim sẻ đâu hiểu nổi chí đại bàng

Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên phần “Trần Thiệp Thế Gia” có để lại một câu thành ngữ “Yến tước an tri hồng hộc chi chí tai”, nghĩa là “Chim sẻ, chim én làm sao biết được chí hướng của chim hồng, chim hộc”. 

Chuyện kể rằng, Trần Thắng là người Dương Thành, tên chữ là Thiệp. Lúc còn trẻ, Trần Thắng thường đi cày thuê với người khác. Trong lúc đang cày, Thắng dừng cày trên gò, bùi ngùi một hồi rồi nói với bạn cày: “Nếu được giàu sang, xin đừng quên nhau!”

Bạn cày thuê nghe vậy thì cười mà nói rằng: “Đã đi cày thuê, còn giàu sang nỗi gì?”

Trần Thắng chỉ biết thở dài mà nói: “Chim sẻ, chim én làm sao biết được chí hướng của chim hồng, chim hộc”.

Về sau quả thực Trần Thắng đã xưng vương, đóng ở đất Trần.

Gió tầng nào gặp mây tầng đó; Không tranh luận; Trí tuệ không tranh luận
Đừng nên tranh cãi với người không cùng tầng thứ (ảnh minh họa Adobestock)

Người xưa nói: “Vật họp theo loài, người phân theo nhóm”; “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” (người không cùng chí hướng, quan niệm thì khó mà bàn luận với nhau). Đại ý là trong giao tiếp phải biết lựa người phù hợp với mình; nếu thấy quá khác biệt thì đừng cố gắng đi sâu vào vấn đề, chỉ nên dừng ở mức xã giao là được rồi.

Ngoài ra, dù bạn có là “côn trùng mùa hạ” hay “đại bàng dũng mãnh” thì cũng nên khiêm tốn; vì núi cao vẫn luôn có núi cao hơn.

Tổng hợp