Học trí tuệ ‘nửa xô nước’ để đường đời luôn bình an
Một xô nước quá đầy, đi vài bước sẽ bị tràn ra ngoài; xô nước chỉ cần một nửa là vừa đủ, một đường bước đi bình an vô sự.
Người xưa có câu: “Thái cực sinh bĩ”, thứ gì làm quá đi thì rồi cũng sẽ trở thành không tốt. Học trí tuệ của nửa xô nước: Nửa ẩn nửa lộ, nửa nhu nửa cương, nửa tiến nửa lùi, như vậy đường đời của bạn mới có thể thông thuận.
Nội dung chính
1. Nửa ẩn nửa lộ
Tục ngữ có câu: “Mộc tú vu lâm phong tất tồi chi; Điểu thái xuất đầu thương tất đả chi”. Nghĩa là “Cây cao trong rừng gió sẽ bẻ gãy; Chim lớn xuất hiện sẽ bị súng săn”. Trong cuộc sống, người có tài năng nổi bật mà không biết che giấu đi thì rất dễ gặp phải tai họa.
Vào thời nhà Minh có một vị thương gia giàu có tên là Thẩm Vạn Tam. Ông thường mở tiệc để chiêu đãi các quan lại và những người cao quý, cùng nhau uống rượu hát ca.
Lâu ngày, tiếng tăm giàu có của Thẩm Vạn Tam ngày càng lan xa, cuối cùng thì đến tai của Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ). Ban đầu Chu Nguyên Chương chỉ muốn mượn Thẩm Vạn Tam chút tiền để tu sửa tường thành.
Tuy nhiên, về sau Chu Nguyên Chương kinh ngạc phát hiện ra, tiền tài của Thẩm Vạn Tam nhiều gần như một quốc gia. Vì vậy Chu Nguyên Chương đã thông qua nhiều phương thức khác nhau, không ngừng ngầm chèn ép ông. Không lâu sau thì Thẩm Vạn Tam khuynh gia bại sản.
Thẩm Vạn Tam khoe khoang tài phú, thỏa mãn hư vinh nhất thời; cuối cùng tự mình chiêu mời tai họa.
Dù là người giàu sang hay có tài năng kiệt xuất cũng nên biết ẩn mình, hiểu được nửa ẩn nửa lộ. Khi cần thiết thì đứng ra thể hiện tài năng; khi không cần thiết thì nhất định phải ẩn mình che giấu. Như vậy đường đời mới có thể bình an.
2. Nửa nhu nửa cương
Triết gia Emerson từng nói: “Lòng thiện lương của bạn phải có chút sắc sảo, nếu không thì chẳng khác nào con số 0”. Từ bi phải có uy nghiêm, nhân nhượng quá mức có thể trở thành tai họa.
Vào năm Gia Tĩnh thứ 41, viên quan triều Minh là Hải Thụy được bổ nhiệm làm tri huyện Thuần An. Hải Thụy trong nhiệm kỳ của mình, chính trực liêm khiết, rất được lòng dân.
Đột nhiên có một ngày, con trai của Hồ Tôn Hiến – tổng đốc Chiết Giang, đi qua huyện Thuần An. Để thể hiện lòng hiếu khách, Hải Thụy đã cung cấp nơi ăn chốn ở, chiêu đãi chu toàn. Nhưng không ngờ, con trai của Hồ tổng đốc không chỉ đòi những đồ thú vị ở trong chợ, còn sai người chạy đi trăm dặm để tìm bảo vật.
Hơn nữa, anh ta trong lúc không vui còn trút giận lên những dịch lại (quan lại nhỏ ở những dịch trạm), tùy ý trêu đùa họ. Mọi người vì thân phận của anh ta, giận mà không dám nói; chỉ mong anh ta sớm rời khỏi huyện Thuần An.
Không đánh mất quy tắc của bản thân
Hải Thụy biết được việc này, liền hạ lệnh cho người trói anh ta lại, giao về cho Hồ tổng đốc. Hải Thụy nói rằng: “Hồ tổng đốc tuần tra các bộ môn, đều hạ lệnh bảo các địa phương cung ứng không được quá xa xỉ. Hôm nay người này quần áo lộng lẫy, nên nhất định anh ta không phải là con trai của Hồ tổng đốc”.
Hồ Tôn Hiến biết được tin này, cho rằng con trai mình đã sai; đành phải im lặng không dám hành động gì.
Làm người thì nên đối xử thiện lương với người khác, nhưng không được đánh mất đi quy tắc của mình; nếu không lòng tốt sẽ bị lợi dụng và trở thành mối họa về sau. Vậy nên phải học được nửa nhu nửa cương, tỉnh táo và lý trí trong mọi tình huống.
3. Nửa tiến nửa lùi
Trong “Thái căn đàm” có nói: “Trong xử thế mà nhường một bước là cao, lui bước chính là sắp tiến bộ”. Đôi khi lùi bước lại chính là đang tiến lên; cứ mãi xông về phía trước chưa hẳn là điều tốt.
Lưu Mục, cháu họ của Minh Đế thời Đông Hán. Ông từ nhỏ hiếu học, thích nói chuyện với những người có chí hướng cao. Sau khi lớn lên, ông được phong làm Bắc Hải Vương; tài hoa hơn người, đầy bụng kinh luân, được dân chúng yêu mến.
Vào cuối một năm nọ, Lưu Mục ở phong ấp, muốn phái một viên quan đi Lạc Dương để làm lễ chúc mừng. Trước khi đi ông hỏi viên quan này: “Nếu như hoàng thượng hỏi tình trạng của ta, ngươi sẽ trả lời ra sao?”
Viên quan trả lời ngay: “Ngài làm quan chính trực thanh liêm, một lòng vì dân. Trong lòng dân chúng thì ngài chính là Thần Thành Hoàng có thể bảo hộ cho họ an cư lạc nghiệp. Ngài yên tâm, những việc nhỏ này, tại hạ nhất định sẽ bẩm báo đúng sự thật với hoàng thượng”.
Lùi một bước lại chính là đang tiến bộ
Lưu Mục nghe vậy vội xua tay nói: “Nếu nói như vậy thì e rằng ta sẽ chết mất”.
Ông nói tiếp: “Ngươi gặp hoàng thượng thì phải nói là ta cả ngày vô dụng, mơ mơ màng màng; đối với việc chính trị thì không quan tâm chút nào”.
Lưu Mục vì có mưu xa nên lấy lui làm tiến, tránh họa sát thân; nhờ vậy mà tìm được con đường sống. Trí tuệ đời người là ở chỗ biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên lùi.
Trí tuệ ‘nửa xô nước’ không phải là sống nửa vời, mà là biết cân bằng mọi thứ, như vậy phần đời còn lại mới có thể bình an.
Theo 360doc