Thần giao cách cảm có thật không? Người mẹ nhận ra trái tim của con
Người con bị chết não nên đã hiến tim cho người khác, người mẹ nhờ vào “thần giao cách cảm” mà nhận ra được trái tim của con.
Trên đời này thực sự có “thần giao cách cảm” hay không? Chắc hẳn nhiều người cũng từng có thắc mắc này. Ngày 13 tháng 3 năm 2018, Vương Bằng Phú (25 tuổi), đầu bếp người Nhật Bản ở Đài Loan, đã đưa gia đình đến tham dự một buổi họp báo tại bệnh viện Trường Canh, thành phố Cao Hùng, để kể lại câu chuyện phẫu thuật thay tim của mình nhiều năm về trước; mẹ của người hiến tim cho anh đã tìm thấy anh nhờ vào “Thần giao cách cảm”.
Nội dung chính
May mắn tìm được người hiến tim
Năm 2011, Vương Bằng Phú phải phẫu thuật vì khiếm khuyết van tim bẩm sinh. Nhưng 4 tháng sau khi thay van kim loại, tình trạng của anh trở nên xấu đi và phát triển thành suy đa tạng. Lúc này chỉ có thay tim thì anh mới có thể giữ được tính mạng.
May mắn thay, anh đã tìm được một trái tim phù hợp trong thời gian ngắn. Năm đó, Tăng Nhất Thần, một thiếu niên 15 tuổi, bởi vì bị chết não nên đã hiến tim, gan, thận. Vương Bằng Phú và những người khác nhờ vậy mà đã được cứu sống.
Theo lời kể của cha Nhất Thần – Tăng Khánh Vân và mẹ – Đổng Y Huyên, tháng 5 năm 2011, con trai bởi vì bị cảm nên trong người mệt mỏi. Lúc đi xuống lầu ăn điểm tâm thì không cẩn thận bị té từ trên lầu xuống, khiến não bị tổn thương nghiêm trọng. Sau đó bệnh viện kết luận là chết não. Cha mẹ cậu mặc dù rất đau lòng, nhưng đã đồng ý hiến tim, gan, thận, mạch máu và các bộ phận khác của con trai mình với hy vọng có thể cứu sống được những bệnh nhân khác.
Sau ca phẫu thuật, tính cách có một vài thay đổi
Sau ca phẫu thuật thay tim, Vương Bằng Phú hình dung quả tim của mình như “từ 70 tuổi trở thành 15 tuổi”. Anh tự nhiên trở thành một người vui tươi và thích vận động, nhất là thích đi xe đạp. Điều kỳ diệu là Tăng Nhất Thần khi còn sống cũng rất thích đi xe đạp.
Không chỉ vậy, Vương Bằng Phú còn gặp được ý trung nhân của mình trong thời gian nằm viện, cô là Ngô Bội Kỳ, y tá của bệnh viện. Hai người kết hôn và sinh được một bé trai đáng yêu vào năm 2016.
“Thần giao cách cảm” giúp “mẹ con” tương phùng
Năm 2012, Vương Bằng Phú đã hồi phục lại được sức khỏe. Anh đã tham dự một hội nghị nhằm tri ân những người đã quyên tặng. Hoạt động diễn ra tại bệnh viện Trường Canh, thành phố Cao Hùng (Đài Loan); anh là người được chọn để đọc bài diễn văn. Không ngờ tại hội nghị này, anh lại gặp được mẹ của Tăng Nhất Thần.
Lần đầu tiên bà Đổng Y Huyền (mẹ Tăng Nhất Thần) nhìn thấy Vương Bằng Phú, bà đã khóc không thành tiếng. Bà nhanh chóng bước tới ôm lấy Vương Bằng Phú và nói: “Tôi biết trái tim con trai tôi đang ở trong người cậu”. Bà nói, trong mấy trăm người, dựa vào “thần giao cách cảm”, bà chỉ nhìn thoáng qua Vương Bằng Phú một cái là nhận ra. Hơn nữa, lúc bà đi hướng về phía anh, trái tim của anh đột nhiên đập rất nhanh.
Vương Bằng Phú nhớ lại khoảnh khắc lúc đó. Khi vừa nhìn thấy bà Đổng, anh cảm thấy có một bầu không khí khác thường, trái tim bắt đầu đập nhanh, và bà Đổng “chạm vào cánh tay tôi và nói rằng trái tim con trai bà đang ở đây”.
Nhận cha mẹ nuôi
Sau khi hai bên nhận ra nhau, Vương Bằng Phú vô cùng cảm kích. Anh đã nhận cha mẹ của Tăng Nhất Thần làm cha mẹ nuôi của mình; cũng ngỏ ý muốn thay Tăng Nhất Thần báo hiếu cho cha mẹ.
Trong hội nghị lần đó, người nhận thận của Tăng Nhất Thần là Vương Luật Uyên (20 tuổi, làm nghề bảo dưỡng điều hòa), mặc dù không có mặt, nhưng mẹ của Vương sau khi nghe bà Đổng phát biểu và so sánh với thời gian phẫu thuật của con thì xác nhận đây chính là mẹ của người đã hiến thận cho con mình. Từ đó về sau, cả 3 gia đình của Vương Bằng Phú, Vương Luật Uyên và nhà họ Tăng thường xuyên qua lại với nhau.
Báo hiếu mẹ nuôi
Bà Đổng Ý Huyên đã qua đời vào năm 2015 do ung thư biểu mô tuyến ở phổi giai đoạn cuối. Kể từ tháng 3 năm 2014, bà Đổng Ý Huyên đã phải vào bệnh viện Trường Canh để hóa trị. Do chồng bà có lớp học bổ túc vào buổi tối, con gái thì đang đi học ở nơi khác, Vương Bằng Phú và Vương Luật Uyên liền chủ động đến để chăm sóc mẹ nuôi. Họ thay phiên nhau đi đến bệnh viện, xoa bóp, đút đồ ăn và nói chuyện với mẹ nuôi; an ủi bà yên tâm điều trị.
Trước khi mất, bà Đổng xúc động nói: “Ông Trời lấy đi của tôi một viên đá quý (chỉ con trai), nhưng lại cho tôi hai viên ngọc quý!” “Cảm tạ hai con nuôi đã luôn ở cạnh bên!”
Kể từ đó, mỗi năm đến ngày giỗ mẹ nuôi, cả hai con nuôi đều dẫn theo người nhà đến tưởng niệm, để tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ nuôi, cũng như người hiến tặng.
Bà Đổng tin rằng, nhờ thần giao cách cảm mà bà có thể nhận ra trái tim của con trai. Phải chăng tình mẫu tử thiêng liêng đã tạo ra một sợi dây liên kết vô hình?
Theo Epoch Times