Nhân duyên tiền định: Chuyện tình cảm động thời Thế chiến II
Hai người đẫm lệ chia tay ở trại lao động và nghĩ không bao giờ có thể gặp lại, nhưng nhân duyên tiền định đã giúp họ tìm thấy nhau.
Nội dung chính
Bị bắt đến trại lao động
Năm 1941, châu Âu chìm trong thế chiến thứ hai, Heumen và mẹ sống trong một khu dành cho người Do Thái ở Ba Lan. Hai năm trước, họ bị buộc phải chuyển đến đây, và bây giờ quân đội Đức đã đưa họ cùng với cư dân ở các khu Do Thái khác đến các trại tập trung tử thần.
Khi đó Heumen 12 tuổi, cậu đứng ở bên đường chờ lên xe, dùng hai tay ôm chặt lấy mẹ. Mẹ của Heumen hiểu rất rõ điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Bà đẩy Heumen ra và mắng cậu dữ dội: “Con không còn nhỏ nữa, không nên bám theo mẹ, đi mau đi!”
Heumen không chịu nghe lời, nhưng mẹ cậu không ngừng quát mắng khiến cậu cảm thấy bối rối và sợ hãi, đành phải xoay người mà bỏ chạy. Đó là lần cuối cùng cậu nhìn thấy mẹ mình.
Một năm rưỡi sau đó, Heumen chuyển từ khu Do Thái đến hai trại tập trung; và cuối cùng là một trại lao động cách Berlin 70 dặm. Cậu cùng với những người đàn ông Do Thái khác sống trong một doanh trại bẩn thỉu và chật chội. Mỗi ngày đều phải làm việc nặng nhọc; trừ khi mệt mỏi đổ gục, bị bệnh, nếu không sẽ không được nghỉ ngơi.
Khổ nhất vẫn là đói
Trong trại lao động, định mức hàng ngày của mỗi người là một lát bánh mì nhỏ và một ít súp không thể loãng hơn. Nhiều người đã bị chết vì đói. Mỗi buổi sáng, Heumen phải đẩy một chiếc xe chở những người chết đói mang đi chôn.
Vào một ngày giá lạnh khắc nghiệt của tháng 2 năm 1944, Heumen run rẩy đứng bên hàng rào thép gai bao quanh trại. Bộ quần áo tù rách rưới buông thõng trên người và đôi chân quấn đầy giẻ rách, cậu nhìn sang nông trại bên cạnh. Bỗng nhiên cậu phát hiện một cô bé đang nhìn chằm chằm vào mình bên ngoài hàng rào thép gai. Cô bé thấy Heumen cũng đang nhìn mình thì bước lại gần.
Heumen bụng đói cồn cào, thân thể yếu ớt, cậu nhìn xung quanh và chắc chắn rằng không có lính canh gần đó. Sau đó cậu hỏi bằng tiếng Đức: “Em có thể lấy cho anh một cái gì đó để ăn được không?” Cô bé đáp: “Em không biết tiếng Đức”.
Heumen sau đó lại nói bằng tiếng Ba Lan. Cô bé nhìn Heumen với đôi mắt nâu tròn. Một lúc lâu sau, cô bé gật đầu đồng ý. Cô bé nói rằng sẽ trở lại vào ngày mai, sau đó chạy đi.
Cô bé tiếp tế thức ăn cho Heumen
Vào đúng giờ đó ngày hôm sau, cô bé đến cạnh hàng rào kẽm gai. Sau khi Heumen chắc chắn rằng không có ai xung quanh, cậu đi tới thật nhanh. Cô bé nhanh chóng ném một mẩu bánh mì nhỏ và một quả táo cho cậu. Heumen lấy thức ăn nhét vào trong túi, sau đó vội vàng trở về doanh trại.
Cậu chia miếng bánh mì thành nhiều miếng nhỏ và ăn từng chút một trong ngày. Heumen hiểu rằng, nếu chuyện này bị phát hiện thì cậu chắc chắn sẽ mất mạng. Cậu không dám hy vọng cô bé sẽ xuất hiện một lần nữa. Nhưng ngày hôm sau, cô bé đã đợi cậu ở chỗ cũ; đôi bàn tay nhỏ bé giấu dưới lớp áo, cô bé lại mang thức ăn đến cho cậu.
Cô bé 8 tuổi không nói với cha mẹ về người bạn mới của mình. Đây hoàn toàn là trực giác, cô bé biết rằng cha mẹ nhất định sẽ cấm họ tiếp tục gặp nhau.
Suốt 7 tháng, ngày nào cô bé cũng đợi ở chỗ cũ, ném một ít thức ăn cho Heumen, sau đó nhìn cậu vội vàng rời đi.
Trong thời kỳ chiến loạn, cuộc sống của người dân rất khó khăn; việc kiếm được thức ăn dư thừa không phải là điều dễ dàng. Nhưng cô gái nhỏ nhắn vẫn luôn tự tay gói ghém thức ăn của mình và mang đến cho Heumen. Hai đứa trẻ chưa bao giờ nói chuyện hay nói tên cho nhau.
Chia tay trong nước mắt
Một ngày nọ, khi Heumen đến gần hàng rào thép gai muộn hơn thường lệ, cậu nói với cô bé đang đợi ở đó: “Anh sắp bị điều đến một nơi khác, em không cần đến đây nữa”. Cô bé nhìn Heumen chăm chú, vẻ mặt bối rối.
“Là ở Tiệp Khắc, ngày mai anh sẽ phải đi đến nơi đó”, Heumen nói.
Cô bé mắt ngấn lệ, biết rằng sẽ không bao giờ có thể gặp lại Heumen được nữa. Heumen cố nén nước mắt, cúi đầu lầm lũi bước đi, lòng đầy bi thương và sợ hãi. Cậu quay đầu lại nhìn cô bé một lần cuối, nước mắt chảy dài trên má.
Năm 1945, khi thế chiến thứ hai sắp kết thúc, phòng hơi ngạt khét tiếng đã được chuyển đến Theresienstadt, Tiệp Khắc. Dưới áp lực của quân đồng minh, phòng hơi ngạt để hành quyết tù nhân cũng được hoạt động hết công suất.
Vào sáng sớm ngày 8 tháng 5 năm 1945, trong tiếng gào thét của quân đội đức, Heumen được lệnh đi theo một nhóm tù nhân ốm yếu xếp hàng đi tắm. Cái gọi là tắm ở đây chính là vào phòng hơi ngạt và chịu chết. Tuy nhiên vào lúc 8 giờ sáng, quân đội đồng minh đã tới, nhờ vậy mà toàn bộ tù nhân của doanh trại được tự do.
Một cuộc đời mới
Sau chiến tranh, Heumen chuyển đến Israel, thể lực hồi phục, cuộc sống cũng có khởi đầu mới. Anh trở thành một người lính và chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Israel năm 1948. Nhưng trong vòng vài năm, anh cảm thấy chán ghét chiến tranh. Năm 1952, Heumen rời khỏi Israel và chuyển đến New York.
Heumen thân hình cao lớn, bả vai rộng, ăn nói khéo léo, trưởng thành hơn so với tuổi. Anh từng trải, và thường rơi vào trạng thái trầm tư không rõ lý do. Anh phát hiện ra ngoại hình và tính cách như vậy sẽ rất hấp dẫn phái nữ, vậy nên anh bắt đầu nghiêm túc trong việc giao tiếp với các cô gái.
Trong những năm tiếp theo, anh đã 3 lần cùng người yêu bàn về vấn đề hôn nhân. Nhưng theo trực giác của mình, cuối cùng anh lại dứt khoát từ chối hôn ước; bất chấp sự thất vọng và đau thương của đối phương. Sau khi trải qua vài cuộc tình không có kết quả, Heumen quyết định tạm thời không có qua lại thân tình với phụ nữ nữa.
Gặp được cô gái rất tâm đầu ý hợp
Những người bạn của Heumen rất nhiệt tình giới thiệu các cô gái cho anh, nhưng Heumen vẫn không quan tâm. Mãi cho đến nhiều năm sau, khi có một người bạn khăng khăng muốn anh gặp một cô gái tên là Rorma, cô gái này có mái tóc đen và đôi mắt nâu, Heumen mới đồng ý gặp. Và người bạn của anh đã sắp xếp một ngày cho hai người gặp nhau.
Rorma xinh đẹp, thẳng thắn lại hiền lành, cả người toát lên vẻ dịu dàng, nhưng đối với lý niệm và ý nghĩ của mình thì rất tự tin. Hai người rất hợp nhau và nói chuyện suốt đêm.
Trong lúc nói chuyện, họ kinh ngạc phát hiện ra, trong lúc Heumen phục vụ trong quân đội Israel thì Rorma cũng làm y tá ở đó. Thậm chí cả hai còn từng tham gia cùng một hoạt động, nhưng chưa từng gặp mặt nhau. Heumen thấy rất có thiện cảm với cô gái này.
Sau đó, bạn của Heumen lái xe chở Rorma về nhà. Heumen và Rorma ngồi ở ghế sau trò chuyện. Chủ đề câu chuyện chuyển sang thời kỳ chiến tranh
Heumen nói với Rorma rằng, hầu hết thời gian chiến tranh, anh đã ở trong một trại lao động gần Berlin. Rorma giật mình vì sự trùng hợp này, cô nói rằng chính mình cũng từng ở đó. Gia đình của cô giả làm nông dân và làm việc trên một cánh đồng gần trại lao động. Có một người ở địa phương đã giúp gia đình cô làm giả giấy tờ tùy thân, và chính người đó đã cứu mạng gia đình cô.
Câu chuyện dần sáng tỏ
Heumen bắt đầu cảm thấy có chút gì đó không bình thường. Rorma nói rằng: “Em đương nhiên không sống trong trại lao động, nhưng em biết một anh trong trại lao động. Lúc đó anh ấy đói khủng khiếp và muốn xin em thức ăn. Em hàng ngày đều mang thức ăn cho anh ấy, và ném qua rào thép gai”.
Heumen hỏi: “Anh ấy hình dáng như thế nào?”
Rorma suy nghĩ một chút: “Khoảng 13, 14 tuổi, rất gầy yếu. Em lúc đó còn nhỏ, nhưng em thấy là anh ấy rất đói”.
“Khi đó em đã đưa cho anh ấy những gì?” Heumen lại hỏi.
“Chủ yếu là bánh mì. Đôi khi em cũng lấy được táo”. Rorma trả lời.
Heumen ngồi thẳng dậy: “Em và anh ấy cứ kéo dài như vậy bao lâu?”
“7 tháng”, Rorma đáp.
Trái tim Heumen bắt đầu loạn nhịp. Anh hỏi càng nhiều vấn đề hơn, và những câu trả lời của Rorma đều khớp với trí nhớ của anh.
Heumen trầm giọng hỏi: “Sau này anh ấy có nói với em là anh ấy phải đến Tiệp Khắc, và nói em đừng đến nữa không?”
“Dạ đúng, anh ấy chính là có nói như vậy”. Rorma cảm thấy khó hiểu, không biết tại sao Heumen lại biết được việc này. Heumen ngạc nhiên đến mức không thể kìm lòng được; cô gái đang ngồi cạnh anh chính là cô bé Ba Lan đã cứu sống anh khi đó.
Kết mối lương duyên
“Người con trai đó chính là anh”. Heumen nhẹ nhàng nói, nói nhỏ đến mức dường như chỉ có anh mới có thể nghe thấy.
“Làm sao có thể vậy được?” Rorma không tin vào tai mình, cuộc sống không thể trùng hợp như vậy được.
“Hãy nói với em”, Rorma chần chừ một chút rồi hỏi: “Anh có phải là đã dùng vải rách quấn lấy chân để làm giày không?” Heumen gật đầu một cái.
Rorma cuối cùng cũng hiểu ra sự thật đáng kinh ngạc này, nước mắt đầm đìa, hai người liền ôm lấy nhau. Trước khi xe đến nơi ở của Rorma, Heumen đã cầu hôn Rorma ngay trong xe,. Năm 1959, hai người bước vào một nhà thờ ở New York. Sau đó họ có hai người con và vài người cháu.
Sau 15 xa cách, cuối cùng họ đã tương phùng và kết mối lương duyên. Có thể nói nhân duyên tiền định đã đưa hai người lại gần với nhau.
Theo Aboluowang