Tại sao có người cứ thích “làm thầy thiên hạ”?
Có người dù bất kể việc lớn nhỏ gì cũng muốn đứng ra dạy dỗ người khác, làm thầy thiên hạ, cũng không cần biết người khác nghĩ sao.
Nội dung chính
Tai họa của con người là tại vì cứ thích làm thầy thiên hạ
Trong cuộc sống, chúng ta hay gặp những người như vậy, bất kể là họ có học thức uyên bác hay không, cũng không để ý là quan điểm của họ có chính xác hay không, họ đều thích đi khắp nơi và dạy dỗ người khác.
Mạnh Tử nói: “Nhân chi hoạn tại hảo vi nhân sư”. Nghĩa là: Tai họa của con người là tại vì cứ thích làm thầy thiên hạ.
Những người thích lên mặt dạy đời thường khiến mọi người khó chịu, bởi vì họ quen áp đặt quan điểm của mình lên người khác.
Trong “Chu dịch” có nói: “Ngôn hành, quân tử chi xu ky dã. Xu ky chi phát, vinh nhục chi chủ dã”. Nghĩa là: Lời nói và việc làm là điểm mấu chốt để quân tử lập thân hành sự. Vinh nhục, thành bại cả đời của một người phụ thuộc vào chính những lời nói và việc làm hàng ngày.
Trên thực tế, mỗi chúng ta đều là ếch ngồi đáy giếng, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm được chỉ là chút bầu trời trên đầu. Bớt khoa tay múa chân đối với người khác, và cũng ít làm phiền người khác hơn.
Người tâm lượng hạn hẹp rất thích dạy dỗ người khác
Người tâm lượng nhỏ hay thích phơi bày khuyết điểm của người khác; so sánh khuyết điểm của người khác với điểm mạnh của bản thân sẽ luôn mang lại ít nhiều ‘niềm vui’ cho tinh thần yếu đuối của họ.
Trong cuộc sống luôn có kiểu người thích bắt bẻ người khác, luôn đặt mình ở vị trí cao hơn, nói không ngừng; dùng tâm thái hư vinh mà đối diện với xã hội hiện thực.
Người có tâm lượng rộng lớn thì luôn khiêm tốn, không tranh công với người khác, càng không bao giờ kiêu căng tự đại. Tâm lượng cũng là tầng thứ của một người; người tầng thứ càng cao thì tâm lượng càng lớn và ngược lại.
Rất nhiều việc trên đời chúng ta đều phải nắm chắc một chữ “độ”; quá mạnh mẽ sẽ bị gãy, quá phô trương sẽ bị thiếu hụt.
Giao tiếp với người cao tuổi, đừng quên lòng tự tôn của họ; giao tiếp với đàn ông, đừng quên thể diện của họ; giao tiếp với phụ nữ, đừng quên cảm xúc của họ; giao tiếp với cấp trên, đừng quên sự tôn nghiêm của họ; giao tiếp với người trẻ, đừng quên sự bộc trực của họ; giao tiếp với trẻ em, đừng quên sự ngây thơ của họ.
Người có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao hiểu rõ sự khôn ngoan trong giao tiếp. Họ biết cách giao tiếp với người khác có chừng mực, chứ không phải là chỉ tay năm ngón và dạy bảo người khác.
Lên mặt dạy đời vì để thỏa tâm hư vinh
Về mặt tâm lý học, con người đều có dục vọng muốn lãnh đạo người khác. Đây là một vấn đề chung mà ai cũng có thể gặp phải. Nhiều người cứ thích chỉ trích người khác, luôn cho trí tuệ và học thức của mình cao minh hơn người khác.
Có người nói: “Trong hầu hết các trường hợp, bạn và người yêu, bạn học, bạn bè, đồng nghiệp của bạn, đều có nền tảng tri thức và kinh nghiệm sống khá giống nhau. Mọi người đều hiểu lý lẽ và logic, vì vậy bạn không cần cứ phải đi giải thích nó”.
Người thích làm thầy thiên hạ không nhằm mục đích thuyết giảng xua tan nghi ngờ, mà chỉ muốn răn dạy và quở mắng người khác; muốn được người khác tôn kính để thỏa cái tâm hư vinh của bản thân.
Thế giới quan của mỗi người là khác nhau nên họ nhìn nhận vấn đề cũng theo những cách khác nhau. Hoàn cảnh của mỗi người đều khác nhau, vì vậy họ có những lập trường khác nhau khi đối diện với vấn đề. Vậy nên trong rất nhiều trường hợp, khi bạn tự cho là mình đúng và giúp đỡ người khác, có khi đó lại là làm phiền người ta mà không biết.
Muốn giúp người cần phải dụng tâm quan sát
Sách “Luận ngữ” viết: “Ba người cùng đi tất có người là thầy của ta”. Vậy nên chúng ta nên chủ động tìm ra ưu điểm của người khác để học hỏi.
Nếu bạn thực sự có tâm muốn giúp đỡ người khác, vậy thì cũng cần phải quan sát một chút. Nếu bạn nhận định rằng đối phương có thể tiếp thu thì có thể chỉ ra vài điểm dựa trên trải nghiệm của cá nhân. Nếu thấy rằng đối phương không thể nói được, vậy thì tốt nhất hãy im lặng, để cho họ tự rút ra bài học cho chính mình.
Nếu bạn không chú ý đến điều này và cứ thao thao bất tuyệt thì sẽ rất dễ bị đối phương cho là lên mặt dạy đời, và đương nhiên sẽ phản tác dụng.
Điều tốt với bạn chưa chắc đã phù hợp với người khác, vậy nên đừng vội “làm thầy thiên hạ”.
Theo Kknews