Truyện ngụ ngôn: 16 con cáo và chùm nho nói lên 16 loại tâm lý
16 con cáo khi đối diện với chùm nho ở trên cao đã có những cách xử lý khác nhau, và từ đó có thể thấy 16 loại tâm lý thường gặp của chúng ta.
Câu chuyện kể về vườn cây ăn trái của một người nông dân nọ. Những quả nho màu đỏ tím treo đầy trên cây nhìn thật hấp dẫn. Đương nhiên hương vị nồng nàn này đã không thể thoát khỏi tầm ngắm của những con cáo ở quanh nông trại.
Nội dung chính
Con cáo thứ nhất
Giàn nho được tìm thấy cao hơn hẳn chiều cao của nó. Nó đứng bên dưới và suy nghĩ một hồi, không muốn bỏ cuộc. Sau một lúc, nó tìm thấy cái thang bên cạnh giàn nho, và nhớ lại rằng người nông dân đã sử dụng nó. Nó cũng trèo lên như một người nông dân và hái nho một cách thuận lợi.
Suy ngẫm: Nó đối mặt trực tiếp với vấn đề, không trốn tránh và cuối cùng đã giải quyết được vấn đề. Một phần thành công của nó đến từ may mắn, vì cái thang ở ngay đó; nhưng quan trọng hơn là nó giỏi quan sát các nguồn lực có thể sử dụng xung quanh nó và tùy cơ ứng biến. Nhìn có vẻ dễ như trở bàn tay, nhưng thực tế lại ẩn chứa rất nhiều trí tuệ.
Con cáo thứ hai
Nó phát hiện ra rằng cả đời này cũng không có cách nào có thể ăn được nho. Vì vậy nó nghĩ rằng, quả nho này chắc chắn là chua, vì vậy không ăn thì tốt hơn. Do đó nó bỏ đi một cách vui vẻ.
Suy ngẫm: Điều này thường được gọi trong tâm lý học là “hiệu ứng quả nho chua”. Tức là tìm một lý do hợp lý để làm thỏa mãn bản thân khi không thể đạt được mục tiêu. Nó tập trung quá nhiều vào điểm yếu của bản thân và độ khó của mục tiêu. Thay vì nghĩ biện pháp thì lại tìm lý do để tự làm hài lòng bản thân.
Con cáo thứ ba
Nhìn thấy giàn nho cao nhưng không nản chí, nó nghĩ: Mình có thể nhảy lên được, chỉ cần mình chăm chỉ thì nhất định sẽ được. Nhưng kết quả lại không như ý, nó nhảy ngày càng thấp, và cuối cùng chết vì kiệt sức dưới giàn nho.
Suy ngẫm: Điều này trong tâm lý học được gọi là “cố chấp”. Nó cho thấy rằng, không phải bạn muốn làm gì thì nhất định sẽ làm được; nó còn phải kết hợp với thiên phú, năng lực và hoàn cảnh lúc ấy. Ưu thế của con cáo không phải là nhảy, cho nên có luyện cả trăm năm cũng vô ích. Có lúc bạn cố gắng rất nhiều nhưng lại không có chút tiến triển gì; vậy thì lúc đó cần phải nghĩ lại một chút, xem bản thân thực sự giỏi điều gì?
Con cáo thứ tư
Vừa thấy giàn nho cao hơn mình, cảm thấy không đạt được mong muốn, nó liền kêu gào tức tối, cắn xé mấy cây nho. Đúng lúc đó thì bị người nông dân phát hiện ra; ông đã dùng một nhát cuốc và kết liễu cuộc đời nó.
Suy ngẫm: Hành vi này gọi là “công kích”; vì nhu cầu của bản thân không được đáp ứng mà nảy sinh oán hận. Khi trút nỗi uất hận trong lòng thì lại làm tổn thương những thứ xung quanh. Hơn nữa còn có tâm lý ích kỷ rằng “không ăn được thì đạp đổ”; đây là muốn hại người mà thành ra lại hại chính mình
Con cáo thứ năm
Thấy bản thân thật nhỏ bé trước giàn nho, liền đau lòng mà khóc: Vì sao mình lại nhỏ bé như vậy? Nếu mình to lớn như voi, không phải là muốn ăn cái gì thì ăn hay sao? Vì sao giàn nho lại cao như vậy?
Suy ngẫm: Loại tâm lý này gọi là “rút lui”. Tức là khi một người gặp phải thất bại, họ chú ý quá nhiều đến điểm bất lợi, mà không đi tìm điểm mạnh của bản thân. Họ luôn suy nghĩ là “tại sao?” chứ không phải là “làm thế nào?”
Con cáo thứ sáu
Nhìn lên giàn nho, nó thầm nghĩ: Mình không ăn được nho thì những con cáo khác cũng không ăn được. Nếu vậy thì mình cũng không có gì phải hối tiếc; dù sao thì ai cũng vậy thôi.
Suy ngẫm: Loại hành vi này trong tâm lý học được gọi là “phóng chiếu” (Projection). Tức là đem nguyện vọng và động cơ của bản thân quy về người khác; khẳng định người khác cũng có nguyện vọng và động cơ này, nghĩ vậy để an ủi bản thân.
Con cáo thứ bảy
Đứng dưới giàn nho thật cao, tâm trạng rất chán nản. Nó nghĩ: Tại sao mình lại không ăn được? Vận mệnh của mình vì sao lại bi thảm như thế? Muốn ăn mấy quả nho cũng không được. Nó càng nghĩ càng muộn phiền, cuối cùng buồn bực mà chết.
Suy ngẫm: Đây là biểu hiện của chứng trầm cảm, là phiên bản nâng cấp của con cáo thứ 5. Quá chú ý vào điều tiêu cực dẫn đến tâm trạng ngày càng tồi tệ hơn.
Con cáo thứ tám
Nó cố gắng nhảy lên để lấy nho nhưng không được; nó cố gắng ngừng nghĩ về những quả nho, nhưng nó không thể cưỡng lại được; nó đã thử một vài cách khác, nhưng đều không có hiệu quả. Nó nghe nói rằng một vài con cáo khác đã ăn được nho, tâm trạng của nó lại càng tồi tệ hơn; và cuối cùng nó bị bác nông dân đánh chết dưới giàn nho.
Suy ngẫm: Đây là biểu hiện của tâm tật đố. Lòng đố kỵ làm cho nó càng trở nên tồi tệ hơn, cuối cùng là tự hại chính mình.
Con cáo thứ chín
Nó cũng không với tới được chùm nho. Nó Nghĩ, nghe mấy con cáo khác nói, vị quả chanh cũng giống như là vị quả nho. Vậy mình không cần phải ăn nho nữa, sao không đi nếm thử một chút chanh xem sao? Thế là nó mãn nguyện đi tìm chanh.
Suy ngẫm: Loại hành vi này trong tâm lý học được gọi là “thay thế”. Tức là dùng một cách khác mà bạn có thể làm được để thay thế cho nguyện vọng không đạt được. Đôi khi đây là một lựa chọn tốt, nhưng cũng có lúc tâm lý này sẽ làm bạn đánh mất cơ hội vì không đủ nỗ lực.
Con cáo thứ mười
Nó nhìn thấy giàn nho cao thì biết được với khả năng của bản thân sẽ không thể ăn được. Vì vậy nó quyết định đi tìm những con cáo đã hái được nho ăn để học tập; sau khi đã nắm vững kỹ năng thì nó quay lại và có thể hái được nho để ăn.
Suy ngẫm: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, thấy khó khăn trước mặt cũng không vội nản; chịu khó học tập phát triển bản thân, thành công vẫn đang chờ đợi ở phía trước.
Con cáo thứ mười một
Một con cáo cái xinh đẹp, nó thầm nghĩ: Mình có làm thế nào cũng không với tới được giàn nho. Tại sao lại không lợi dụng sức của người khác? Vì vậy, nó đã tìm một người bạn là một con cáo đực. Con cáo đực này đã dựa vào thang để lấy được nho cho con cáo cái.
Suy ngẫm: Đây được gọi là “nguyên tắc đền bù” trong tâm lý học. Tức là dùng ưu điểm của bản thân hoặc ưu điểm của người khác để bù đắp cho khuyết điểm của mình. Nếu không vi phạm nguyên tắc và đạo đức, thì đây đúng thực là một chiến lược tốt.
Con cáo thứ mười hai
Nó rất bất mãn về chiều cao của giàn nho, nó liền đổ lỗi cho cây nho. Nó nói cây nho bò quá cáo vậy trông chẳng ra sao; hơn nữa quả nho cũng không có gì là ngon. Sau khi trút giận, nó liền bình tĩnh rời đi.
Suy ngẫm: Trong tâm lý học nó được gọi là “hiệu ứng triệt tiêu”. Tức là tham gia vào một hành vi hoặc hoạt động tượng trưng nào đó để bù đắp cảm xúc thực. Nó cố gắng làm giảm giá trị của nho, vậy nên không có gì hấp dẫn để ăn. Việc này đôi khi còn được gọi là “kiếm cớ”.
Con cáo thứ mười ba
Phát hiện ra mình không thể ăn được nho. Nó nhìn những quả nho thối rữa trên mặt đất và vỏ nho do những con cáo khác để lại với vẻ khinh thường. Nó nói: “Thật khiến người ta chán ghét. Ai mà lại đi ăn những thứ này”.
Suy ngẫm: Đây gọi là “hiệu ứng ngược” trong tâm lý học. Tức là một cơ chế phòng vệ tâm lý, trong đó hành vi và động cơ hoàn toàn trái ngược nhau.
Con cáo thứ mười bốn
Con cáo cảm thán: Những thứ mỹ hảo luôn cách xa chúng ta; cũng nhờ khoảng cách này mà để lại trong chúng ta một chút ảo tượng, vậy có gì là không tốt? Vậy là nó trở nên thơ mộng, và một tập thơ đã ra đời.
Suy ngẫm: Trong tâm lý học gọi đây là “hiệu ứng thay thế”. Tức là dùng một chủng tinh thần này để thay thế cho một loại tinh thần khác. Rất nhiều thi nhân vĩ đại thời xưa cũng vì công danh sự nghiệp không thành mà trở nên có thành tựu trong thơ ca.
Con cáo thứ mười lăm
Sau khi phát hiện ra nguyện vọng ăn nho không thể thực hiện được, không lâu sau nó liền bị đau dạ dày và khó tiêu. Con cáo này vốn rất chú ý đến việc ăn uống, không hiểu tại sao lại có vấn đề với hệ tiêu hóa.
Suy ngẫm: Chúng ta có thể gọi đây là “chuyển hóa” trong tâm lý học, nơi mà cá nhân biến nỗi đau tâm lý thành một căn bệnh thể chất. Con cáo này là phiên bản nâng cấp của chứng trầm cảm.
Con cáo thứ mười sáu
Khi phát hiện ra không thể ăn được nho, nó bĩu môi nói: “Việc này có gì đâu mà tài ba. Nhà cáo chúng ta cũng có con ăn được rồi. Ai nói chỉ có khỉ mới có thể ăn được trái cây, cáo cũng làm được vậy”.
Suy ngẫm: Đây là cảm xúc kiểu đối phó, khi bản thân bị đánh giá thấp hơn người khác thì tìm những người có quan hệ với mình để khẳng định giá trị của bản thân.
Qua hình tượng 16 con cáo và chùm nho ở trên, bạn có tìm thấy hình ảnh của mình trong đó không?
Theo Aboluowang