Tại sao người lương thiện lại phải chịu nhiều điều bất hạnh?
Do đâu mà những người lương thiện lại phải chịu nhiều thống khổ, trong khi những kẻ ác lại có thể dễ dàng thăng quan tiến chức?
Nội dung chính
Người lương thiện tại sao lại phải chịu nhiều thống khổ?
Ngày nọ, tôi thỉnh giáo một vị sư phụ đức cao vọng trọng về một vấn đề: “Trong cuộc sống hiện thực, tại sao những người sống lương thiện đều chịu nhiều thống khổ, trong khi những kẻ ác lại có thể dễ dàng thăng quan tiến chức?”
Sư phụ nhìn tôi đầy từ bi và trả lời:
“Nếu nội tâm một người còn nhiều đau khổ, tức là trong lòng anh ta đang tồn tại tà ác gây ra loại đau khổ này. Trái lại, người với nội tâm không chút ác niệm, thì sẽ không tồn tại bất kỳ thống khổ nào.
Nếu hiện tại trong tâm con vẫn chịu vô số giày vò, nghĩa là niệm ác vẫn chưa đoạn dứt; vẫn chưa phải là một người thiện lương, trong sáng thuần túy.
Những người con gọi là ‘kẻ xấu’, không nhất định là kẻ xấu. Bởi lẽ khi một người sống vui vẻ và sung sướng, ít nhất có thể chứng minh người ấy không phải là một kẻ hoàn toàn xấu xa.”
Sau khi nghe những lời này của sư phụ, tôi rất không phục mà nói: “Con là người thiện lương từ nhỏ, làm sao có thể là kẻ ác?”
Sư phụ tiếp lời: “Trong lòng con có thống khổ, có khổ là có điều hung ác, chỉ là bản thân con chưa nhận ra. Nói cho ta biết nỗi uất ức trong lòng, ta sẽ chỉ rõ cho con.”
Nỗi thống khổ trong tâm
Tôi nói: “Con có rất nhiều loại thống khổ! Con làm việc quần quật nhưng tiền công lại chẳng được bao nhiêu, còn phải ở trong một căn phòng nhỏ xíu, chật chội. Hằng hà áp lực cuộc sống cứ đổ dồn lên con. Con rất lo sợ về tương lai, trong lòng luôn thấy hoang mang và đau khổ. Con muốn thay đổi hiện thực, nhưng lại cảm thấy lực bất tòng tâm.
Vậy mà ngoài kia có biết bao nhà giàu mới nổi, không có trình độ văn hóa nhưng lại có thể kiếm được rất nhiều tiền. Con có trình độ, có tố chất và năng lực hơn họ, nhưng lại sống không bằng họ. Điều đó thực sự không công bằng.
Trong gia đình, con cũng dốc lòng giảng giải cho người thân, con cái về đạo lý làm người, làm công tác, nhưng họ lại chẳng nghe. Con cũng không hiểu tại sao lại như vậy… “
Tôi nói với vị sư phụ tất cả những khổ não, buồn chán mà tôi đã tích tụ trong lòng.
Sư phụ khai thị
Sư phụ mỉm cười, điềm đạm nói:
“Thu nhập tuy không cao, nhưng ít ra con cũng nuôi được gia đình. Nhà của con tuy nhỏ, nhưng vẫn đủ cho tất cả mọi người chung sống cùng nhau mà không phát sinh vấn đề gì nghiêm trọng. Kỳ thực, con hoàn toàn không cần thiết phải cảm thấy phiền não vì những sự tình này.
Con tham lam, ham muốn tiền tài và nhà cửa. Những dục vọng đó vì không được thỏa mãn, nên mới sinh ra cảm giác thống khổ này. Đây là loại nhân tâm không tốt. Nếu có thể đoạn tuyệt với nó, những đau khổ của con sẽ tự nhiên biến mất;
Nhìn những người có văn hóa và năng lực không bằng mình lại có thể giàu có phát tài, con lại cảm thấy tức giận bất bình. Đó chính là tâm đố kỵ, tật đố, cũng là một loại tâm không tốt;
Con coi thường những người kia không có văn hóa, cũng chính là tâm kiêu căng, ngạo mạn, đây cũng là loại tâm xấu;
Trong lòng con nghĩ nếu trình độ văn hóa cao, thì thu nhập cũng nhất định phải cao. Đây là một loại mê muội. Con không hiểu được rằng tài phú là từ bố thí mà ra. Thứ tâm mê muội kia cũng là một loại tâm xấu.”
Hạnh phúc đến từ bên trong
“Người nhà không nghe lời khuyên răn của con, con liền cảm thấy không phục. Con chẳng thể dễ dàng tha thứ cho người khác, cũng chính là bất đồng quan điểm với bản thân mình. Con nên hiểu rằng, dù họ có là người nhà của con đi chăng nữa,, nhưng mỗi người đều có tư tưởng và quan điểm riêng. Không tiếp thu tư tưởng và quan điểm của người khác là biểu hiện của lòng dạ hẹp hòi. Tâm nhỏ mọn cũng là một loại tâm xấu.
Tham lam, đố kỵ, ngạo mạn, mê muội, hẹp hòi đều là những loại tâm xấu. Điều đó cũng chứng minh nội tâm con còn nhiều niệm bất hảo, nên con sẽ luôn cảm thấy đau khổ. Nếu có thể loại bỏ nó, thì thống khổ sẽ tự khắc tiêu tan.
Con người nên học cách tự cảm thấy bằng lòng với những gì mình đang có. Cho dù ăn bào ngư, nhân sâm mỗi ngày cũng không nhất định có thể sống trường thọ. Cho dù ngủ trên giường dát vàng, cũng không nhất định có được giấc mơ ngọt ngào hơn người khác.
Con nên hiểu rằng, vui vẻ không phụ thuộc vào sự giàu có bên ngoài, mà xuất phát từ chính nội tâm con.
Khi còn có thể sống trên cõi đời này, hãy giữ thái độ lạc quan, hiền hòa, thật thà, siêng năng để đối diện với cuộc sống. Nếu có thể làm được những điều này, tâm con sẽ dần trở nên an lạc hơn.”
Thế nào mới là người lương thiện?
“Khi thấy những người thất học trong xã hội lại có thể giàu có, con nên cảm thấy vui mừng, hy vọng họ sẽ càng ngày càng trở nên sung túc và hạnh phúc hơn. Hãy học cách ngợi ca và chúc mừng cho thành công của người khác. Những người như vậy mới thật sự là người lương thiện.
Khi hơn người khác về một vài phương diện nào đó rồi cảm thấy tự cao tự đại, chính là ngạo mạn, coi thường người khác.
Cổ nhân giảng: ‘Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy’, ngọn núi cao mà ngạo nghễ, sẽ không tạo nên mạch nước tốt. Con người khi đã sinh lòng kiêu căng, sẽ không thấy được khuyết điểm của bản thân, càng không thể thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, vậy thì làm sao có thể thay đổi để trở nên tốt hơn?
Do đó, người cao ngạo sẽ tự mình chặn đứng sự tiến bộ của bản thân, cũng dễ cảm thấy mất mát, lâu dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người nếu có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, thì nội tâm họ mới cảm thấy tròn đầy và an vui thực sự.
Kiếp trước thường xuyên hành thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này. Cổ nhân giảng: Trồng dưa lấy dưa, gieo đậu được đậu. Người thường không hiểu được luật nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn lấy dưa, đây là thể hiện của sự mê muội.
Tâm bao dung mới có thể sống an vui
“Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Từ đó biết làm thế nào để lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui.
Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại. Mặt đất có thể chống đỡ hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi. Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên.
Nếu một người có thể mang tâm rộng lớn tựa biển, người đó sao có thể chịu thống khổ được?”
Vị sư phụ khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt nhân từ và độ lượng.
Tôi ngồi im lặng hồi lâu. Xưa nay tôi vẫn cho mình là một người lương thiện. Mãi đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể thống khổ chứ?
Bạn không thể là người lương thiện khi mà trong tâm toàn chứa những suy nghĩ không tốt. Chính lại nhân tâm và phúc lành sẽ tự tìm đến.
Theo Aboluowang