Trong cuộc đời, dù ít hay nhiều thì ai cũng có những điều phải hối hận, lúc đó chỉ mong có thể quay ngược thời gian để hành động khác đi.  

Danh tướng Khấu Chuẩn thời Bắc Tống đã để lại một bài viết phi thường, nói về những điều hối hận đời người. Toàn bài văn chỉ có 6 câu, nhưng rất nhiều người đã coi nó là một tác phẩm kinh điển. Dưới đây là 6 điều hối hận mà ông đã liệt kê ra:

1. “Quan hành tư khúc, thất thời hối”

Dịch ra nghĩa là: Lúc làm quan thì lợi dụng của công để trục lợi riêng; khi mất chức quan rồi thì mới hối hận.

Bất hạnh lớn nhất trên đời chính là không biết chính mình. Một số người ở vị trí quan trọng, nắm trong tay quyền lực rất lớn; mỗi quyết định đều ảnh hưởng đến lợi ích của rất nhiều người; vì vậy mà cảm thấy dương dương tự đắc, lợi dụng quyền lực trong tay mà mưu lợi cá nhân.     

Nhưng bạn biết đấy, thứ mọi người tôn sùng là quyền lực trong tay của bạn chứ không phải bạn. Khi bạn rời khỏi vị trí đó thì không ai còn coi bạn ra gì nữa.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, có một con lừa trong chùa, mỗi ngày đều chăm chỉ kéo cối xay. Một lần nọ, nhà sư dắt con lừa xuống núi để chở tượng Phật. Trên đường trở về chùa, lúc người đi đường nhìn thấy con lừa, họ đều thành kính mà quỳ xuống hai bên, đảnh lễ hướng về phía nó.     

Con lừa cảm thấy rất cao hứng, bởi vì không ngờ mọi người lại sùng bái nó như vậy. Trở về đến chùa, con lừa cho rằng bản thân rất cao quý, sống chết cũng không chịu kéo cối xay nữa. Nhà sư không biết làm sao, đành để cho nó đi xuống núi.

Đừng quá ảo tưởng về bản thân

Con lừa đi xuống núi, thấy đoàn người khua chiêng gõ trống để rước dâu. Con lừa nghĩ rằng mọi người đang đón tiếp mình, vì vậy mà nghênh ngang đứng ở giữa đường.

Hối hận là gì; Hối hận là địa ngục tồi tệ nhất; Sự hối hận muộn màng
Con lừa quá ảo tưởng về bản thân mình (ảnh minh họa Tân sinh)

Mọi người bị con lừa chặn lại thì vô cùng tức giận, dùng gậy xông đến đánh tới tấp vào nó. Con lừa hoảng hốt chạy về chùa và hỏi nhà sư: “Vì sao lần trước xuống núi thì mọi người đối với tôi đảnh lễ quỳ lạy; vậy mà sao hôm nay họ lại đối với tôi độc ác như vậy?”

Sư thở dài nói: “Đúng là một con lừa ngu ngốc. Ngày đó mọi người quỳ lạy là tượng Phật trên lưng ngươi, chứ không phải là ngươi”.

Chỉ khi biết được chỗ đứng của mình thì bạn mới có thể khắc chế được sự ích kỷ của bản thân, mới không mắc phải sai lầm.

2. “Phú bất kiệm dụng, bần thời hối”   

Dịch ra nghĩa là: Lúc giàu có thì không tiết kiệm, lúc nghèo khó thì lại hối hận.

Từ thanh đạm trở thành xa hoa thì dễ, từ xa hoa trở về thanh đạm thì khó. Bởi vì đã quen tiêu tiền như nước rồi, nên một khi khốn cùng, thì chẳng những vật chất thiếu thốn, tâm lý cũng không thể chịu được. Đây chính là kết cục của việc giàu mà không biết tiết kiệm.

Vật cực tất phản, khi đang ở trong phồn hoa thì cũng nên chuẩn bị cho lúc suy tàn. Gia Cát Lượng từng nói trong “Giới tử thư”: “Tĩnh dùng để tu thân, tiết kiệm dùng để dưỡng đức”.    

Người mà khi giàu có không phóng túng bản thân thì khi lâm cảnh khốn cùng cũng sẽ không dễ nao núng.  

3. “Nghệ bất thiểu học, quá thời hối”

Dịch ra nghĩa là: Thời thiếu niên không lo học hành, đến lúc về già mới hối hận

Có câu nói: “Thời gian rảnh rỗi của bạn sẽ quyết định cuộc đời của bạn”. Thời gian của mọi người là như nhau, nhưng việc bạn sử dụng thời gian của mình như thế nào sẽ quyết định phần đời còn lại của bạn. 

Điều gì khiến bạn hối hận nhất; Điều hối hận nhất; Điều hối hận của tuổi trẻ
Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường (ảnh minh họa Pinterest)

Vào cuối thời Đông Hán có một người tên là Đổng Ngộ, là một tri thức rất nổi tiếng vào thời đó. Có người hỏi Đổng Ngộ: “Anh học như thế nào?”

Đổng Ngộ đáp: “Khi tôi đọc phải cuốn sách mà tôi không hiểu, tôi sẽ đọc đi đọc lại, hết lượt này đến lượt khác”.

Người này lại hỏi: “Đọc đi đọc lại một quyển sách ư, nào có nhiều thời gian như vậy?”

Đổng Ngộ nói: “Vậy thì lợi dùng thời gian ‘tam dư'”.

Người này thắc mắc hỏi: “Thời gian ‘tam dư’ là cái gì?”

Đổng Ngộ nói: “Thời gian dư ra vào mùa Đông; thời gian dư ra vào ban đêm; thời gian dư ra vào những ngày mưa dầm”.

Những người ưu tú đều biết được bí mật của thành công; hiểu được thời gian mới là biến số lớn nhất của đời người, ẩn chứa năng lượng to lớn và có thể cải biến được tương lai.

4. “Kiến sự bất học, dụng thời hối”

Dịch ra nghĩa là: Gặp chuyện không tích lũy kinh nghiệm tri thức, đến lúc cần dùng thì lại hối hận.

Học tập là việc cả đời, dù ở độ tuổi nào thì cũng đều có điều đáng để cho bạn học hỏi; chỉ là bạn có muốn học hay không mà thôi. Mỗi biến cố trong cuộc đời đều là những bài học cho bạn; nếu bạn không thể rút ra kinh nghiệm từ đó thì sẽ phải học lại một lần nữa. 

Khổng Tử nói: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh”. Ý tứ là: Nhìn thấy người hiền năng thì nên suy nghĩ học tập họ, để có thể trở nên hiền năng như họ. Nhìn thấy người không hiền năng thì nên tự xem xét lại bản thân mình có khuyết điểm lầm lỗi giống họ không, từ đó mà sửa đổi, trừ bỏ.

Điều hối hận trong quá khứ; Điều gì làm bạn hối hận; Điều hối hận nhất trong đời; Điều hối hận là gì
Mỗi biến cố trong đời đều là một bài học (ảnh minh họa Pinterest)

Thời gian là hữu hạn, mỗi bài học không thể lặp lại nhiều lần. Vì vậy bạn nên nhanh chóng rút ra kinh nghiệm từ mọi việc trong cuộc sống; như vậy thì bạn mới có thể nâng cao được trí tuệ của bản thân.

5. “Túy phát cuồng ngôn, tỉnh thời hối”

Dịch ra nghĩa là: Lúc say rượu ăn nói xằng bậy, tỉnh rồi mới hối hận.

Trong “Trường a hàm kinh” có nói: “Uống rượu dẫn đến 6 điều lầm lỗi. Một là mất tiền. Hai là sinh bệnh. Ba là gây rối. Bốn là tiếng xấu truyền xa. Năm là oán giận bạo phát. Sáu là trí tuệ bị tổn hại”.

Có câu nói: “Muốn biết nhân phẩm của một người, hãy nhìn vào cách mà họ uống rượu”. Câu này cũng rất có đạo lý. 

Có người cứ hễ uống rượu là uống rất nhiều, đến lúc say thì miệng nói không ngừng, cái gì cũng dám nói. Đến khi tỉnh lại thì hối hận, nói rằng lúc đó uống nhiều quá.   

Người có phẩm hạnh thì dù là uống rượu cũng rất có chừng mực; không để bản thân bị mất kiểm soát mà làm ra những việc thất thố. 

6. “An bất tương tức, bệnh thời hối”

Dịch ra nghĩa là: Lúc bình an không lo nghỉ ngơi, khi bệnh rồi lại hối hận.

Chúng ta thường là như vậy, đối với những thứ có trong tay thì không trân quý, đến khi mất rồi lại tiếc nuối khôn nguôi.

6 điều hối hận đời người, biết sớm để sửa đổi kịp thời
Tuổi trẻ đừng quá phóng túng để rồi phải hối hận về sau (ảnh minh họa Pinterest)

Tuổi trẻ ăn chơi phóng túng, phá hoại sức khỏe, mà không có nghĩ đến lúc về già đau ốm bệnh tật. Có người khi còn rất trẻ đã mắc đủ loại bệnh của người già; nguyên nhân cũng đều do bản thân không biết giữ gìn sức khỏe. 

Người ta chỉ bắt đầu hối hận khi phải nằm trên giường bệnh, nhưng lúc đó cũng muộn rồi; sức khỏe mất đi không sao có thể lấy lại được nữa.

Theo Aboluowang