Làm việc đừng quá cứng nhắc, làm người đừng quá khôn lanh
Làm việc đừng quá cứng nhắc, làm người đừng quá khôn lanh. Trong đối nhân xử thế, biết hồ đồ đúng lúc mới là người trí huệ.
Nội dung chính
Làm việc đừng quá cứng nhắc
Trong “Lã thị xuân thu” có chép lại một câu chuyện như sau:
Trong một lần tế tự, Hàn Chiêu Hầu phát hiện con heo dùng làm tế lễ quá nhỏ; vì vậy ông lệnh cho quan lễ phải đổi một con heo lớn hơn.
Quan lễ bưng con heo xuống, nhưng nhất thời cũng không thể kịp chuẩn bị một con heo khác. Ông liền lấy con heo nhỏ đó kéo căng ra, khiến nó nhìn có vẻ lớn hơn trước một chút. Sau đó lại bưng lên.
Vốn tưởng làm vậy thì Hàn Chiêu Hầu sẽ hài lòng. Không ngờ Hàn Chiêu Hầu phất tay áo một cái, nổi giận nói: “Đây không phải là con heo vừa bưng xuống hay sao?”
Viên quan lễ sợ run lẩy bẩy, vội hỏi: “Làm sao ngài biết được?”
Hàn Chiêu Hầu đắc ý nói: “Ta nhớ trên tai con heo có một dấu vết”.
Kết quả là vị quan lễ này bị trách phạt rất nặng nề.
Chừa cho người khác một đường lui là mở ra cho mình một con đường
Đại thần Thân Bất Hại sau khi biết được việc này, mới khuyên Hàn Chiêu Hầu: “Quá minh xét, hà khắc, sẽ khiến cho người ta tránh không kịp. Có một số việc, cũng nên mắt nhắm mắt mở một chút”.
Hàn Chiêu Hầu nghe vậy cũng không cho là đúng; bất kể chuyện lớn chuyện nhỏ đều không bỏ qua. Trong mắt ông, dù sai một chút cũng không được; phàm việc gì cũng phải tra cứu đến cùng. Không lâu sau, xung quanh ông toàn là tiếng mọi người oán than.
Cuối cùng ông không chỉ làm mất lòng người khác, bản thân cũng hay vui buồn lẫn lộn, chưa đến 40 tuổi đã qua đời.
Có người nói: “Mắt phải giả bộ mù mới không rơi lệ; miệng phải giả bộ câm mới không gây họa; người phải giả bộ ngốc mới được ung dung”. Câu này ngẫm lại cũng rất đúng, có rất nhiều việc không cần phải quá rõ ràng, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, như vậy đường đời mới thuận lợi.
Làm người đừng quá khôn lanh
Vào thời Bắc Tống, viên quan Lý Sĩ Hành mang theo phụ tá của mình cùng đi đến nước Triều Tiên. Trước khi rời đi, quốc vương Triều Tiên đã tặng cho họ rất nhiều vàng bạc và tơ lụa, Lý Sĩ Hành giao hết chúng cho quan phụ tá xử lý.
Lúc ngồi trên thuyền trở về nước, thuyền của họ có chỗ bị rỉ nước. Viên quan phụ tá thấy vậy liền lấy hết đồ của Lý Sĩ Hành để ở dưới đáy thuyền, còn đồ của mình thì để lên trên, để tránh bị thấm nước mà hỏng mất.
Điều không ngờ là ngày hôm đó đột nhiên gặp phải gió bão. Những người lái thuyền sợ thuyền sẽ bị chìm, trong tình thế cấp bách, cũng không kịp lựa chọn, liền đem những đồ ở trên khoang thuyền ném xuống nước phải hơn một nửa.
Sau khi bão ngừng, kiểm tra thì phát hiện ra những đồ bị ném xuống nước đều là của viên quan phụ tá. Trong khi những vật phẩm quý hiếm của Lý Sĩ Hành do được để ở phía dưới nên không bị tổn thất chút nào.
Sau khi trở về nước, viên quan phụ tá trở thành trò cười của mọi người, cuối cùng xấu hổ mà từ chức.
Hồ đồ một chút lại là điều hay
Trong “Thế thuyết tân ngữ” có câu: “Thắng nhỏ dựa vào trí, thắng lớn dựa vào đức”. Người thông minh có thể đi nhanh, nhưng người có đức lại có thể đi xa.
Làm người lương thiện, tuy ban đầu nhìn có vẻ thua thiệt, nhưng về lâu về dài thì chính là đang tích lũy vận may cho mình.
Nhân gian đa sự, lòng người đa đoan, làm việc đừng quá cứng nhắc, làm người đừng quá khôn lanh; có thể hồ đồ một chút lại là điều hay.
Theo Kknews