Người nói vô tình, người nghe hữu ý, nói lời cần phải cẩn trọng
Có những lời chúng ta vô tình nói ra nhưng lại gây tổn thương sâu sắc cho người khác, vậy nên phải quản thật chặt cái miệng của mình.
Tuân Tử nói: “Lời thiện ấm tựa tấm áo bông, lời ác đau tựa vết dao đâm”. Lời nói gió bay, nhưng nhưng vết cắt nó để lại trong tim người khác là không dễ chữa lành. Vậy nên chúng ta cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nói bất cứ điều gì, đặc biệt là không nên nói những lời có tính sát thương như dưới đây:
Nội dung chính
Nói lời châm biếm, chế giễu người khác
Đôi khi chúng ta cho rằng chế giễu người khác chỉ là muốn vui một chút, nhưng không biết rằng nó đã làm người khác bị tổn thương và họ đã ghim những lời nói đó sâu trong lòng, chờ cơ hội để trả thù.
Trong “Tư trị thông giám” có chép lại một câu chuyện. Kể rằng, trong lúc dùng bữa, Khấu Chuẩn không cẩn thận để thức ăn dính trên mặt. Đinh Vị thấy vậy liền đứng dậy lau cho ông. Nhưng ai ngờ Khấu Chuẩn lại buông lời chế giễu, nói rằng Đinh Vị đường đường là đại thần triều đình mà phải lau mặt cho ông ta sao?
Đinh Vị nghe xong đỏ mặt xấu hổ. Vậy là từ đó trở đi Đinh Vị bắt đầu đối đầu với Khấu Chuẩn. Ông kết thân với những đại thần từng có hiềm khích với Khấu Chuẩn. Họ lập kế hoạch để kéo Khấu Chuẩn xuống, luôn tìm cơ hội để nói xấu ông trước mặt Hoàng đế.
Sau này Hoàng đế cũng nhận thấy Khấu Chuẩn hay nói lời làm tổn thương người khác, vậy nên giáng chức ông và đày đến vùng Lôi Châu.
Người nói vô tình, người nghe hữu ý, đừng đùa giỡn quá lố kẻo mang họa vào thân.
Không nên quá thẳng thắn
Có người cho rằng nói thẳng không có gì là sai, còn tự cho rằng mình là người sống thoải mái, khoáng đạt; nhưng những lời nói thẳng đó vô tình đã chạm vào nỗi đau của người khác và khiến họ không thể chịu được.
Ai cũng có lòng tự trọng và hư vinh của bản thân, nếu cứ gặp gì nói đó, tùy tiện chỉ ra lỗi sai của người khác mà không suy xét đến hoàn cảnh của họ, vậy thì sẽ dễ làm cho đối phương khó xử, và làm cho mọi người đều không vui.
Lời nói dù có thật lòng nhưng sai thời điểm thì cũng sẽ phản tác dụng. Muốn góp ý cho người khác không phải là chuyện dễ dàng; bạn phải nhẹ nhàng uyển chuyển, không gượng ép, tạo không gian cho đối phương, từ từ dẫn dắt để đối phương đi theo đúng hướng mà bạn muốn.
Đừng suốt ngày khoe khoang về bản thân
Bạn phải ghi nhớ một điều, ngoại trừ người nhà, không phải ai cũng mong muốn bạn thành công, mỗi người đều có sự ích kỷ nhỏ nhen của mình; việc bạn suốt ngày nói về những thành tích của bản thân có thể khiến người khác đố kỵ và dần sinh ác cảm. Đặc biệt là người phương Đông thường sống hướng nội, nên bạn càng phải cẩn trọng điều này hơn.
Hơn nữa, đừng vội kiêu ngạo khi bạn có một chút tiền, đừng đánh giá quá cao bản thân khi chỉ mới có một chút thành tích, cũng đừng mù quáng khi có một chút địa vị. Có thể những điều khiến bạn tự hào thì trong mắt người khác lại không là gì.
Khi giao tiếp với người khác, chỉ nên chân thành, khiêm nhường, còn những lời ngông cuồng tự cao tự đại thì tránh nói ra. Vì những người thua bạn sẽ thầm ganh ghét, những người hơn bạn sẽ che miệng cười chê, còn như tiểu nhân lại tìm cách để lợi dụng bạn.
Không bàn tán chuyện người khác
Lúc trà dư tửu hậu thì câu chuyện thường dễ trôi xa mà dẫn đến việc bàn tán về cái hay cái dở của người khác. Bàn về cái hay thì còn tạm được, bàn về cái dở thì thật là không nên. Vì có một ngày nào đó, những lời bạn nói sẽ đến tai người mà bạn đã chê bai, như vậy bạn đã vô tình trở thành cái gai trong mắt người khác mà không hay biết.
Ngoài ra, người hay nói xấu sau lưng người khác cũng không được mọi người đánh giá cao, vì rất có thể khi vắng mặt họ, bạn lại cũng nói xấu họ nữa chăng?
Nhân gian phức tạp, lòng người đa đoan, để tránh những tai họa không cần thiết thì bạn phải quản thật chặt cái miệng của mình, vì “người nói vô tình, người nghe hữu ý”.
Tổng hợp