Cách những binh lính cổ đại vượt qua nỗi sợ hãi sau chiến tranh
Chiến tranh là một trong những sự kiện kinh hoàng nhất mà con người trải qua trong đời. Không phải binh lính nào cũng may mắn lành lặn hay toàn mạng quay trở về. Tuy nhiên, những người có thể trở về cũng không dễ dàng tái hoà nhập cuộc sống như thể họ vừa tham gia một kỳ nghỉ mát ngắn hạn.
Các số liệu thống kê cho thấy 7% quân nhân sẽ mắc chứng PTSD (những hồi tưởng mang tính thâm nhập, tái hiện của một sự kiện sang chấn quá mạnh khiến con người rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Mặc dù thuật ngữ này không có trong từ điển y học cho đến năm 1980, nhưng chiến tranh thì thời nào cũng có.
Trong nhiều nền văn hóa cổ đại, con người đã có thể nhận thức rõ điều này; thậm chí họ còn thực hiện các nghi lễ để loại bỏ ảnh hưởng của nó khỏi các binh lính.
Hội chứng PTSD ở những binh lính thời cổ đại
Trở về nhà sau chiến tranh, hầu hết các binh sĩ gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập với đời sống xã hội. Điều này cũng được ghi lại trong các truyền thuyết cổ xưa. Ví như nhân vật Odysseus trong truyện “The Odyssey”, các bác sĩ đã phân tích tâm lý người binh lính này và đưa ra kết luận.
Sau khi giành chiến thắng trong ‘Cuộc chiến thành Troy’, Odysseus phải mất mười năm mới về đến quê nhà. Trở về, anh như một con người hoàn toàn khác, anh vô cảm trước nỗi buồn của vợ. Odysseus không tin tưởng những người xung quanh và cảm thấy không thoải mái khi ở trong đám đông. Anh ta thích nghi với chiến tranh, và không thích nghi với hòa bình. Các bác sĩ nhận định, đây là một triệu chứng PTSD cổ điển.
Các triệu chứng PTSD
Ba dấu hiệu điển hình của triệu chứng của PTSD bao gồm: đầu tiên là bệnh nhân mất ý thức về danh tính và thậm chí nghĩ rằng mình đã chết. Họ cần có thời gian khám phá lại bản thân và mối quan hệ của họ với những người khác.
Triệu chứng thứ hai là mất cảm giác về thời gian. Nhiều bệnh nhân PTSD không khỏi nghĩ hoặc mơ về những cảnh tượng đau thương, họ vẫn sống trong bóng tối của sang chấn và việc điều trị cần được tiến hành trong một môi trường an toàn với một khoảng thời gian nhất định.
Cuối cùng và cũng là điển hình nhất, triệu chứng suy giảm nhận thức. Họ thường không thể mô tả trải nghiệm trong cuộc sống của mình và tìm thấy ý nghĩa trong đó. Họ không thể nói về những trải nghiệm của mình cũng như không thể bày tỏ cảm xúc của mình. Điều này làm cho quá trình phục hồi rất khó khăn.
Nghi thức thanh tẩy cho các binh lính
Con người trong các nền văn minh cổ đại có sự hiểu biết rất sâu sắc về hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh, bởi vậy họ cũng nỗ lực với các biện pháp phục hồi giúp những “bệnh nhân” quay về cuộc sống hiện tại.
Các nữ tu La Mã tổ chức nghi lễ tắm cho những người lính cũ để họ thoát khỏi sự ô nhiễm của chiến tranh. Người Maasai ở Đông Phi tổ chức lễ thanh tẩy tương tự như người La Mã cho những chiến binh mới trở về. Người Mỹ bản địa đưa các binh lính vào một căn phòng toát mồ hôi và mát xa bằng đá nóng cho họ. Người ta khơi gợi để các chiến binh kể về những câu chuyện của họ khi tham chiến, để “sự ô uế bên trong” các binh lính sẽ theo hơi nước trong đá bay đi.
Trong Kinh thánh có ghi, người Hê-bơ-rơ phải tắm rửa sạch sẽ trước khi vào trại và sau một trận chiến. Lễ xưng tội của những người Kitô giáo, Do Thái giáo cũng có tác dụng tương tự.
Các chiến binh thời trung cổ cần phải ăn năn sau chiến tranh ngay cả khi họ không giết ai. Với những người đã từng giết người, họ cần thực hiện một buổi lễ thú nhận bổ sung để giải phóng khỏi những cảm giác tội lỗi.
Trước khi gia nhập quân đội, những người lính thường trải qua một số nghi lễ nhất định. Ví dụ, các nghi thức huấn luyện hàng ngày, đồng phục và diễu hành quân sự để đánh dấu sự khởi đầu của sự nghiệp quân sự. Khi mãn nghĩa vụ quân sự, binh lính cũng cần một số nghi thức tái hoà nhập cộng đồng, điều này có thể làm giảm bớt các triệu chứng PTSD của binh lính ở một mức độ nhất định.
Những thứ chúng ta tiếp xúc sẽ tiến nhập vào trong tâm và chi phối hành vi của chúng ta, chứng PTSD ở các binh lính chính là như vậy. Vậy nên chúng ta cũng phải cẩn thận với những thứ chúng ta nghe và nhìn.
Theo Zhuanlan