Tam Tinh Đôi – nền văn minh từng xuất hiện và hoại diệt trước nền văn minh hiện nay
Di vật của nền văn minh Tam Tinh Đôi được khai quật có rất nhiều thứ trùng khớp với hình ảnh được miêu tả trong sách cổ “Sơn Hải Kinh”. Phải chăng lịch sử chân thực trải qua thời gian dài đã dần trở thành truyền thuyết thần thoại?
Nội dung chính
Sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa di vật Tam Tinh Đôi và bản ghi chép trong Sơn Hải Kinh
Vào cuối tháng 3 năm 2021, di chỉ văn hóa Tam Tinh Đôi nằm ở bờ nam sông Áp Tử, phía tây bắc thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc lại một lần nữa tuyên bố khai quật thêm nhiều di vật; bao gồm hơn 500 hiện vật như: cây Thần bằng đồng, tượng người bằng đồng, mặt nạ bằng vàng, ngà voi v.v. đây là những phát hiện gây chấn động khắp thế giới.
Các nhà khảo cổ học cùng các nhà sử học ngỡ ngàng bởi những di vật tìm được tương đồng một cách đáng kinh ngạc về mặt hình thức với các nhân vật được miêu tả trong sách“Sơn Hải Kinh”.
Cuốn sách được chia thành 18 chương với 4 phần: Sơn kinh (5 chương), Hải kinh (8 chương), Đại hoang kinh (4 chương) và Hải nội kinh (1 chương); ghi lại hơn 100 vương quốc, 550 ngọn núi, 300 con sông, cùng với thông tin khá chi tiết về vị trí địa lý, đặc điểm văn hóa của từng quốc gia.
Chỉ có điều, nội dung được ghi chép trong “Sơn Hải Kinh” rất ly kỳ quái lạ; chẳng hạn như sự có mặt của các loại yêu quái và quái thú, chúng tồn tại rất nhiều trong các truyền thuyết cổ đại nhưng không có trong nền văn minh hiện nay. Cho nên một bộ phận người hiện đại coi đây chỉ là một bộ sách thần thoại.
Ngay cả Tư Mã Thiên, tác giả cuốn “Sử ký”, sau khi đọc cuốn sách này cũng vô cùng khó hiểu, bèn than thở:“Toàn bộ quái vật miêu tả trong Sơn Hải Kinh, tôi không dám nhắc đến”.
Tuy nhiên, nhiều di vật văn hóa được khai quật ở di chỉ Tam Tinh Đôi hoàn toàn trùng khớp với những ghi chép liên quan trong “Sơn Hải Kinh”. Nó như mở ra một cánh cửa mới cho các chuyên gia tìm hiểu về sự thật của lịch sử nhân loại.
Cây Thần Phù Tang
Trước hết, cây Thần bằng đồng lớn nhất (Cây bằng đồng số 1) được khai quật ở Tam Tinh Đôi gần như tương hợp với ghi chép liên quan đến cây Thần Phù Tang trong “Sơn Hải Kinh”.
Chiều cao của Cây Thần bằng đồng số 1 là 3.96 mét, được chia thành ba tầng thượng, trung, hạ, mỗi tầng có 3 cành, tổng cộng là 9 cành. Trên mỗi cành có một bông hoa chúc xuống và một con chim đứng trên đó.
Theo ghi chép của “Sơn Hải Kinh”, có chín con quạ vàng tượng trưng cho mặt trời trú ngụ trên cây Thần Phù Tang: “dưới có suối Thang Cốc, trên Thang Cốc có cây Phù Tang, 10 Mặt trời tắm ở đây, phía bắc nước Hắc Xỉ có một cây to sống dưới nước, 9 Mặt trời núp dưới cành cây, 1 Mặt trời ở trên cành cây”. Trên cây Thần bằng đồng số 1 cũng có 9 con chim ngụ trên cành, chính là tương ứng với “9 Mặt trời” núp dưới cành cây và những con quạ vàng trên cây Thần Phù Tang.
Có thể “một Mặt trời ở trên cành cây” tương ứng với một con chim tượng trưng cho Mặt trời sống trên ngọn cây Thần đó. Rất có khả năng là như vậy, bởi từ lâu các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng đỉnh của “cây Thần bằng đồng” có hình dạng đứt gãy và không còn hoàn chỉnh, có thể một con chim ở đây qua thời gian lâu dài đã bị thất lạc.
Đồng thời, các hoa văn hình rồng trên “cây Thần bằng đồng” và những hình tượng rồng, quỳ (một loài vật kỳ lạ chỉ có một chân) trên các di vật được phát hiện cũng tương ứng với nguyên mẫu miêu tả trong “Sơn Hải Kinh”.
Thần Câu Mang mình chim và Thần Nữ Oa, Chúc Long mình rắn
Trên cây Thần bằng đồng số 3 ở di chỉ Tam Tinh Đôi có 3 bức tượng đồng đầu người mình chim đứng trên ngọn cây. Hình tượng này tương ứng với Thần Câu Mang được mô tả trong ‘Sơn Hải Kinh – chương Hải Ngoại Đông Kinh’: “Câu Mang ở phương Đông, thân chim mặt người”. Cũng theo ghi chép của “Sơn Hải Kinh”, thần Câu Mang cũng chính là vị Thần chăm sóc, bảo vệ cây Thần Phù Tang.
Nhiều bức tượng đồng đầu người thân rắn được khai quật ở Tam Tinh Đôi cũng tương ứng với những ghi chép trong “Sơn Hải Kinh”. Trên thực tế, nội dung nhiều truyền thuyết cũng miêu tả hình tượng các vị Thần cổ đại quen thuộc như Phục Hy, Nữ Oa, Chúc Long… đều có đầu người thân rắn.
“Ở phía tây bắc hải ngoại, phía bắc sông Xích Hà, có ngọn núi tên Chương Vĩ. Có vị thần, mặt người, thân rắn, toàn thân đều là màu đỏ, cơ thể dài một ngàn dặm, con mắt dựng đứng, mí mắt hợp thành một cái khe, nhắm mắt lại chính là đêm đen, mở mắt ra chính là ban ngày, không ăn đồ vật không ngủ cũng không hô hấp, chỉ nuốt gió và mưa. Ông có khả năng soi sáng địa phương cực kỳ u ám tối tăm, chính là vị thần Chúc Long trong truyền thuyết” – trích chương 18 Sơn Hải Kinh.
Các nhà khảo cổ cũng cho rằng người Thục cổ sùng bái Thần Chúc Long nên đã làm nên chiếc mặt nạ mang diện mạo của ngài để thờ phụng.
Ngũ Tạng của Trái đất
Phần Sơn Kinh của “Sơn Hải Kinh” còn được gọi là “Ngũ Tạng Sơn Kinh”, vì phần này chủ về ngũ tạng của Trái đất. Người xưa quan niệm rằng, Trái đất cũng giống như con người, có đầy đủ lục phủ, ngũ tạng.
Chúng ta hãy thử phát huy sức tưởng tượng và so sánh “Ngũ Tạng Sơn Kinh” với bản đồ thế giới, năm đại hệ sơn mạch được mô tả trong “Sơn Hải Kinh” rất có khả năng không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà ám chỉ năm châu lục.
Nếu so sánh hình dạng của năm cơ quan nội tạng với hình dạng của các bản khối lục địa, có thể thấy: châu Úc là tim, châu Phi và Nam Mỹ là phổi, Bắc Mỹ là lá lách, đảo Greenland là thận, châu Á là gan. Châu Nam Cực tương ứng với bộ não của con người, trong đó Tây Nam Cực là đại não, Đông Nam Cực là tiểu não, bán đảo kéo dài từ Đông Nam Cực đến Nam Mỹ là thân não.
Nhà khảo cổ học người Mỹ, Tiến sĩ Henriette Mertz đã nhận thấy điều này ngay từ những năm 1950. Trong cuốn sách ký lục Pale Ink của bà xuất bản năm 1958, có đề cập rằng những gì có thể được mô tả trong “Sơn Hải Kinh – Đông Sơn Kinh” rất có thể là những dãy núi ở Châu Mỹ.
Bà đã mô tả chi tiết tình huống ở miền đông Bắc Mỹ như Great Lakes và lưu vực sông Mississippi. Trong chương 9 và 10, nhiều vùng khác của châu Mỹ cũng được mô tả một cách chính xác.
Ngoài ra, chương 14 “Đại Hoang Đông Kinh” trong ‘Sơn Hải Kinh’ mô tả về “sau ánh hào quang”, “nước sông chảy vào vực thẳm”, “mặt trời được sinh ra như vậy”, đã là miêu tả chính xác cảnh mặt trời mọc ở hẻm núi Grand Canyon thuộc tiểu bang Colorado, Bắc Mỹ.
Di vật và ghi chép làm bằng chứng cho sự hiện hữu chân thực của nhau
Khi các phát hiện khảo cổ kết hợp với những nghiên cứu khoa học chuyên sâu, nhất là những hiện vật khai quật được ở di tích Tam Tinh Đôi, càng ngày càng có nhiều người hơn nữa nhận ra ‘Sơn Hải Kinh’ không phải là truyền thuyết thần thoại, mà là những ghi chép chân thực về địa lý và lịch sử.
Nhiều cư dân mạng đã kinh ngạc thốt lên rằng: “Chuyện thần thoại những tưởng là chuyện của Thần, nhưng đều là sự thật”; “Lịch sử chân thực trôi qua theo thời gian dần dần trở thành truyền thuyết thần thoại!”; “Truyền thuyết thần thoại đều là lịch sử chân thực”…
Theo giới thiệu của viện trưởng Viện nghiên cứu khảo cổ Tam Tinh Đôi, tổng diện tích phân bố của di chỉ lên tới 12 triệu mét vuông, tuy nhiên hiện tại diện tích đã khai quật chỉ dưới 2 vạn mét vuông; phần chưa được khám phá có lẽ sẽ còn ẩn chứa nhiều điều thú vị. Mặc dù vậy, phần nổi lên của tảng băng di tích này đã đủ làm thay đổi sự hiểu biết của con người ngày nay về lịch sử.
Hiện tại, công việc khai quật khảo cổ ở Tam Tinh Đôi vẫn đang được tiến hành, chúng ta có thể mong đợi trong tương lai gần các nhà khảo cổ sẽ phát hiện thêm nhiều chiếc chìa khóa bí mật mới, mở ra nhiều ổ khóa lịch sử bị phong kín, giúp nhân loại nhìn lại lịch sử và tín ngưỡng của chính mình.
Theo Bianvn