Chú tiểu ngộ ra: Tu luyện không phải là đi tìm kiếm sự thoải mái
Chàng trai chán ghét cảnh đời và muốn tu Đạo thoát khổ, nhưng cậu lại muốn tìm kiếm sự thoải mái, an nhàn ngồi thiền mà ngộ Đạo.
Vào chùa tu luyện
Có một chàng trai trẻ nọ thấy cuộc sống của mình quá vô nghĩa, nhìn vào ông bà cha mẹ, hết từ đời này qua đời khác, chỉ có làm ruộng, chăn bò, lấy vợ, đẻ con và rồi chết. Cuộc sống dính mắc vào vật chất, những trò giải trí vô bổ, không có tác dụng gì cho sự tiến bộ tâm linh. Cậu bèn bỏ nhà vào chùa xin xuống tóc, làm chú tiểu, quyết tâm học Đạo cho thành chánh quả.
Nhưng nhiều tháng trôi qua, chú thấy mình vẫn làm những việc vô bổ như cũ. Ở nhà chú phải rửa bát cho vài người thì ở chùa chú phải rửa bát cho vài chục người. Những việc chú cho là vô bổ ở nhà như quét sân, dọn nhà, bổ củi, gánh nước, nấu cơm… thì vào chùa chú vẫn phải làm, thậm chí còn nhiều hơn.
Thật là khác xa so với những gì chú tưởng tượng, chú cứ nghĩ rằng sẽ được ngồi yên tĩnh trong tịnh thất, ung dung thoải mái thiền định ngày qua ngày cho tới khi thành Đạo quả; vậy mà tất cả đã tan vỡ như bong bóng xà phòng.
Chú quyết định sẽ rời khỏi chùa, chú tới gặp sư trụ trì và nói: “Thưa thầy! Con ở đây cũng được một năm rồi mà thời gian con ngồi thiền còn ít hơn thời gian con ngồi thiền khi còn ở nhà. Đã thế những việc vô bổ khi con phải làm ở nhà thì giờ phải làm gấp nhiều lần. Con thấy những hoạt động của thế giới vật chất này không phục vụ cho sự tỉnh ngộ của con nên hôm nay con xin phép thầy cho con rời khỏi chùa. Con sẽ vào trong núi chỗ bản làng hoang vắng để độc tu. Con chỉ mang theo 2 bộ y phục, một bát, còn lại những gì con mang theo từ nhà thì xin để lại cho chùa”.
Thầy trụ trì chỉ mỉm cười và gật đầu đồng ý.
Trốn tránh khổ nạn nhưng lại lạc bước thế gian
Thế là chú vào trong núi, chọn một nơi ở bìa rừng dưới bóng cây, gần với một ngôi làng nhỏ. Ban ngày chú sẽ ôm bát vào làng xin hóa duyên. Còn lại toàn thời gian chú sẽ ngồi thiền dưới một bóng cây mát.
Đêm thứ nhất trôi qua bình an trong thiền định. Nhưng đến khi trời sáng thì chú phát hiện bộ y phục phơi trên cành cây có một lỗ thủng do chuột cắn; hơn nữa chiếc bát duy nhất của chú đã không cánh mà bay. Nghe nói trong rừng này có nhiều khỉ, chắc một chú khỉ nào đó nghịch ngợm và đã lấy mất cái bát.
Tình cảnh thật là oái ăm, mặt chú nhăn nhó lo lắng, không biết phải làm sao bây giờ, vì cái bát duy nhất để đi hóa duyên kiếm cơm và để xuống suối múc nước lại bị mất rồi. Đang lúc chú suy nghĩ thì có một người làng đi ngang qua, thấy chú có vẻ buồn phiền liền hỏi: “Bạch thầy, thầy làm sao mà sáng ra đã nhăn nhó vậy”.
Chú liền giãi bày với người làng. Người này liền nói: “Thế thì dễ mà, tôi tặng thầy một cái bát mới và một con mèo để bắt chuột thì sẽ không có chuột tới cắn nữa. Còn lúc ngồi thiền vào ban đêm thì thầy ôm cái bát vào người để con khỉ khỏi lấy mất. Hàng ngày thầy vào làng xin cơm thì xin sữa cho con mèo luôn thể”.
Mọi chuyện có vẻ như được giải quyết êm xuôi. Hàng ngày chú lại ngồi thiền, y phục không còn bị chuột cắn nữa. Chỉ có cái bát là phải ôm chặt vào ban đêm, với cả khi vào làng hóa duyên thì phải xin thêm sữa cho mèo.
Một tháng yên bình trôi qua, một hôm chú vào làng hóa duyên thì người làng không cho chú sữa nữa mà nói: “Nhà chúng tôi giờ không còn đủ sữa nữa. Không thể ngày nào cũng cho thầy sữa được đâu. Hay là dân làng quyên góp và mua cho thầy một con bò, thầy nuôi bò để lấy sữa cho mèo nhé!”
Vậy là ‘gia sản’ của chú tiểu tăng thêm chút, chú có hai bộ y phục, một bát, một mèo và một bò. Mọi chuyện tưởng vậy là đã ổn thỏa, nhưng rắc rối lại tìm đến. Lúc chú ngồi thiền, con bò không có ai trông, nó vào phá và ăn lúa của người dân. Dân làng kéo tới nói: “Bò của thầy vào phá ruộng của chúng tôi. Giờ làng chúng tôi sẽ để cho thầy một mảnh đất, thầy khoanh lại để cho bò ăn cỏ ở trong đó thôi”.
Nhưng cũng không phải thế là xong, để đảm bảo bò không phá và có đủ cỏ ăn, chú phải nhờ lũ trẻ, con cái của các nhà trong làng giúp chú hàng ngày; nào là làm hàng rào, nào là trồng cỏ, tưới nước; như vậy mới đảm bảo đủ cỏ cho bò ăn trong khi chú còn phải bận ngồi thiền.
Lại một tháng an bình trôi qua, một hôm dân làng lại tới chỗ chú và nói: “Vì thầy mà lũ trẻ con nhà chúng tôi bỏ bê việc nhà. Chúng tôi thấy tốt nhất là kiếm cho thầy một cô vợ, thầy tự sinh con ra. Vợ và con thầy sẽ giúp thầy trồng cỏ, chăm bò, vắt sữa, nuôi mèo”.
Chú tiểu sững người và chợt nhận ra, nếu chú không xuống tóc vào chùa thì giờ này chú cũng đã có vợ, con, bò, mèo và nhiều thứ khác nữa. Chú cười phá lên rồi quay lưng đi thẳng về chùa.
Từ đó người ta lại thấy chú gánh nước, rửa bát, quét sân… với một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, y như nụ cười phảng phất thường thấy khi chú ngồi thiền hàng đêm dưới ánh trăng ở hiên chùa vậy.
Lời bàn
Tu luyện không phải là trốn tránh phiền não mà là đối diện với nó, làm nó suy yếu và cuối cùng loại bỏ nó. Sở dĩ chúng ta bị thế giới bên ngoài tác động là bởi trong tâm có vướng mắc; cái cần tháo gỡ chính là những nút thắt ở trong tâm.
Mạnh Tử giảng: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm chí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy.”
Cũng như vậy, người tu luyện phải chịu khổ mới có thể ngộ đạo, khổ nạn có thể đến từ bên ngoài, hoặc phát sinh từ bên trong. Nếu chỉ an nhàn hưởng lạc mà thành Đạo được thì chắc là ai cũng sẽ đi tu.
Qua câu chuyện của chú tiểu ở trên, chúng ta có thể thấy là không phải ngẫu nhiên mà người ta nói “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”, chính là vì độ phức tạp của môi trường càng cao thì càng giúp người tu luyện ma sát tâm tính được nhiều hơn, nhờ đó mà chóng ngộ Đạo hơn; nhưng nếu không vượt qua được thì sẽ bị chìm đắm trong thế tục không lối thoát.
Chú tiểu ở nhà không có thầy hướng đạo; vào chùa có thầy chỉ dẫn nhưng chú lại chấp vào hình thức ngồi thiền; đến lúc ra ngoài không có ai hướng dẫn thì chú lại nhanh chóng lạc vào đời thường; chắc phải đến lúc này chú mới ngộ ra, tu luyện không phải là đi tìm kiếm sự thoải mái, mà phải là chịu khổ để ngộ đạo.
Tổng hợp