Người càng có giáo dưỡng thì càng biết tôn trọng người khác
Triết gia Democritus nói: “Người tật đố tự tìm phiền não, đây chính là kẻ thù của anh ta”, tôn trọng người khác là tự giải thoát chính mình.
Triết gia người Anh Bacon từng nói: “Người biết trân trọng thì trong lòng có ánh ban mai; người lãnh đạm thì trong lòng hoang vu vắng lặng”.
Người lòng dạ hẹp hòi thì thích soi mói lỗi sai của người khác, sợ mình bị người khác vượt mặt. Người bao dung khoáng đạt thì luôn tìm ra được điểm sáng của người khác để học hỏi. Một người có giáo dưỡng là khi biết tôn trọng người khác.
Người càng ưu tú thì càng biết cách tôn trọng người khác
Người xưa có câu: “Thắng nhỏ là nhờ trí, thắng lớn là nhờ đức”. Một người dù có năng lực đến đâu, nếu như không có đạo đức, không biết tôn trọng người khác, thì rồi cũng sẽ bị mắc kẹt trong kiến thức hạn hẹp của mình.
Có một câu chuyện kể rằng, một người họa sĩ kia đi xin việc làm, bởi vì kỹ thuật vẽ của anh rất tinh xảo, nên dù có nhiều người ứng tuyển, anh vẫn lọt được vào vòng cuối cùng. Trong vòng cuối, họ được yêu cầu lựa chọn tác phẩm của 2 ứng viên khác để nhận xét và chấm điểm.
Người họa sĩ này biết rằng, điểm số này sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng; nếu như cho điểm người khác quá cao, vậy thì anh rất có thể sẽ bị loại. Tuy nhiên khi quan sát hai tác phẩm kia thì thấy đều rất xuất sắc, vậy nên anh quyết định chấm điểm rất cao; bất chấp việc bản thân có thể bị loại.
Công ty nói họ về và chờ kết quả. Người họa sĩ này cảm thấy không có nhiều hy vọng vì tranh của anh không quá nổi bật. Nhưng thật bất ngờ, một tuần sau anh nhận được thông báo là đã trúng tuyển.
Nhân phẩm quan trọng hơn
Phía công ty nói rằng:
“Ở vòng tuyển chọn cuối cùng, các ứng viên khác đều mang theo tư tâm mà cố ý cho điểm thấp, bới lông tìm vết; chỉ có anh là người duy nhất đánh giá cao các bức tranh trên quan điểm khách quan.
Không biết tôn trọng người khác là điều tối kỵ trong làm việc nhóm. Chúng tôi coi trọng tác phẩm, nhưng coi trọng nhân phẩm hơn”.
Một người có giáo dưỡng thì dù ngay trong lúc cạnh tranh cũng không quên ủng hộ đối phương. Họ không bao giờ lo lắng về sự xuất sắc của người khác, chỉ coi người khác là động lực để bản thân cố gắng hơn.
Triết gia Emerson từng nói: “Mỗi người tôi gặp đều ít nhiều là thầy của tôi, vì tôi đã học được một thứ gì đó từ họ”.
Đánh giá cao người khác không phải là coi thường bản thân hay để làm hài lòng người khác, mà là học hỏi những điểm mạnh của người khác để cải thiện bản thân.
Người có giáo dưỡng luôn biết nhìn vào điểm tốt của người khác
Có một câu chuyện ít người biết đến ở giải bóng rổ Nhà nghề mỹ NBA giữa hai huyền thoại bóng rổ Michael Jordan và Scottie Pippen. Khi Jordan ở đội Bulls, Pippen là ngôi sao mới đầy triển vọng của Bulls. Vì vậy Pippen thường tỏ ra coi thường Jordan, cho rằng bản thân nhất định sẽ vượt qua Jordan.
Tuy nhiên, Jordan không những không coi Pippen là một mối uy hiếp tiềm tàng, ngược lại còn liên tục khích lệ Pippen.
Có lần Jordan hỏi Pippen: “Ai trong hai chúng ta ném 3 điểm tốt hơn?”
Pippen đáp: “Anh biết rồi còn hỏi, đương nhiên là anh rồi”.
Bởi vì khi đó Jordan có tỷ lệ ném 3 điểm trúng mục tiêu là 28,6%, còn Pippen là 26,4%.
Jordan cười và nói: “Không, là anh! Cú ném 3 điểm của anh rất chuẩn mực và tự nhiên; trong khi tôi ném 3 điểm còn có rất nhiều nhược điểm. Hơn nữa tôi úp rổ là quen dùng tay phải, còn anh thì dùng hai tay đều được”.
Đây là chi tiết mà ngay cả Pippen cũng không để ý đến; anh được sự khích lệ và rộng lượng của Jordan làm cảm động.
Một người thành công đôi khi không ở năng lực cao hay thấp, mà nằm ở khí độ lớn hay nhỏ. Bậc trí giả thường khen ngợi người khác, kẻ ngốc nghếch lại thường tật đố so bì.
Tôn trọng người khác sẽ giúp bạn ngày càng ưu tú hơn, còn nếu mãi tật đố ganh đua thì chỉ kéo bạn đi xuống mà thôi.
Tổng hợp