Trà đạo Nhật Bản không chỉ đơn giản là thưởng thức trà mà trong đó còn ẩn chứa nội hàm tinh thần dân tộc, chính là dùng trà để truyền “Đạo”.

Trà đạo Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc, dựa trên cơ sở nghệ thuật uống trà và đạo đức tinh thần trong các triều đại nhà Đường và nhà Tống, đây là hình mẫu tiêu biểu nhất của văn hóa truyền thống và tính cách dân tộc của Nhật Bản. Họ đã dùng nghệ thuật uống trà và lễ nghi xem như là đạo đức luân lý làm người, kết hợp với thẩm mỹ, tạo thành một môn để bồi dưỡng thân tâm, xây dựng đạo đức và thẩm mỹ thanh cao.       

Trà đạo Nhật Bản chân chính được hình thành vào cuối thế kỷ 16. Cư sĩ Sen no Rikyū đã đề xuất 4 chữ “Hòa, kính, thanh, tịch” (Hài hòa, kính trọng, thanh tịnh, tịch mịch) làm nội hàm tinh thần của trà đạo; khiến cho trà đạo Nhật Bản hoàn thành được địa vị tối cao của nó là lấy trà truyền Đạo.         

Dùng lễ nghi nghiêm cẩn để có thể hiểu được “Hòa, kính, thanh, tịch”

Trà đạo Nhật Bản rất coi trọng trình tự lễ nghi. Quy củ trình tự xem ra khá rườm rà đối với người hiện đại. Cả chủ nhà và khách đều phải tuân theo các quy tắc và trình tự cố định để hoàn thành hoạt động này. 

Trước khi khách đi vào phòng trà, thường sẽ phải đi qua một khu sân vườn nhỏ. Việc này giúp cho mọi người tĩnh tâm xuống và thoát khỏi những tạp niệm trần tục. Trước khi vào phòng trà, sẽ có một chậu nước đặt ngay cửa, mọi người sẽ dùng một cái gáo cán dài múc nước để rửa tay, súc miệng; mục đích vẫn là để cho thân tâm an tĩnh, tẩy sạch đi những suy nghĩ phàm trần. Nữ trà sư mặc áo ki-mô-nô cử chỉ nho nhã, dẫn khách vào phòng trà. Chủ nhà thường quỳ bên ngoài cửa trượt của phòng trà để đón khách vào.

Trà đạo Nhật Bản; Bộ trà đạo Nhật Bản; Ấm trà đạo Nhật Bản
Nội hàm tinh thần của trà đạo Nhật Bản nằm trong 4 chữ “Hòa, kính, thanh, tịch” (ảnh minh họa Adobestock)

Khi tổ chức tiệc trà lớn, chủ nhà sẽ cùng với những trà sư pha trà, người dâng trà, người bưng trà bánh, tất cả cùng nhau phục vụ khách. Thường thì vị khách đầu tiên đi vào phòng trà được gọi là chính khách. Đây là vị khách quan trọng nhất trong các vị khách; và cũng là vị khách đầu tiên được uống trà và ăn điểm tâm. 

Sau khi khách đã vào phòng trà, chủ và khách cúi chào theo phong cách Nhật Bản. Lúc này, trà sư pha trà sẽ chuẩn bị đầy đủ lá trà và dụng cụ pha trà, cúi người thi lễ với khách và bắt đầu pha trà.

Tinh tế trong từng cử động nhỏ 

Chủ và khách thường trò chuyện về các bức thư họa trong nhà trước khi pha trà. Trước khi chính thức thưởng thức trà, người dâng trà sẽ đem lên những món điểm tâm tinh tế; đây là để tránh uống trà lúc đói làm tổn thương dạ dày. Chủ và khách cũng sẽ cúi người chào nhau trước khi dùng điểm tâm. Khách dùng xong đồ điểm tâm thì sẽ đặt khay bên cạnh chiếu để muốn nói rằng họ đã ăn hết đồ điểm tâm. Lúc này họ cũng cúi người để bày tỏ lòng cảm kích của mình.

Sau đó mới chính thức thưởng thức trà. Chủ nhà sẽ bưng trà đến, dùng phần hoa văn ở chén trà hướng đến khách mà dâng lên. Khách cúi người nhận lấy chén trà, sau đó lại hướng phần hoa văn của chén trà về phía chủ nhà rồi mới uống. 

Trà đạo Nhật Bản là gì; Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản; Trà đạo là gì
Cả chủ và khách đều tuân theo các lễ nghi cố định (ảnh minh họa Adobestock)

Sau khi uống xong thì lau chỗ đã ghé miệng vào uống rồi đặt ở trước mặt mình. Sau đó lại hành lễ với chủ nhà thể hiện lòng biết ơn. Sau khi tiệc trà kết thúc, các vị khách cũng sẽ cúi chào chủ nhà ở lối cửa vào của phòng trà. Lúc này toàn bộ nghi thức mới đại khái là hoàn thành.

Dùng trà để truyền “Đạo”: Tu thân tịnh tâm

Tất nhiên, buổi trà đạo khi cá nhân gặp gỡ bạn bè thì nghi thức có thể đơn giản hơn một chút. Hơn nữa, chủ nhà, trà sư, người dâng trà, đều là do một mình chủ nhà đảm đương. Chủ nhà tỏ ra càng bận rộn thì bầu không khí càng thân thiết, tự nhiên. 

Phòng trà nói chung sẽ được trải các tấm chiếu “Tatami” (một loại chiếu được sử dụng làm vật liệu lót sàn trong các căn phòng kiểu Nhật Bản truyền thống), nhỏ nhắn trang nhã. Trong phòng trang trí những bức thư pháp truyền thống và cắm các loại hoa theo mùa.

Mặc dù mọi người cho rằng Nhật Bản quá chú trọng đến lễ nghi và quy củ; kỳ thực những lễ nghi và quy củ cố định này thể hiện nội hàm tinh thần “Hòa, kính, thanh, tịch” và “nhất kỳ nhất hội” (một thời điểm, một cuộc gặp gỡ) của trà đạo Nhật Bản. 

Trong những lần chào hỏi lặp đi lặp lại, nó biểu hiện ra sự hòa thuận giữa người với người, quan niệm đạo đức luân lý tôn kính lẫn nhau trong đối nhân xử thế. Hơn nữa, bởi vì nhân sinh quan “Nhất kỳ nhất hội”, người Nhật Bản nhạy cảm với nhân sinh quan ngắn ngủi và vô thường. Họ đặc biệt coi trọng những lần gặp gỡ tương phùng. Vì vậy đãi khách càng chú trọng quy phạm lễ nghi. Họ xem mỗi lần gặp gỡ dùng tiệc trà là lần duy nhất hoặc là lần cuối cùng trong đời; vì vậy chủ nhà sẽ tận tâm tận lực, dùng tâm chí thành mà dâng hiến nghệ thuật uống trà chiêu đãi khách. 

Tìm lại sự tĩnh tại, suy ngẫm về bản thân

Ngay cả việc lau bộ đồ trà cũng được thực hiện rất cẩn thận để tạo thành một thao tác nghệ thuật và quy phạm. Toàn bộ quá trình trà sư pha trà cũng giống như là biểu diễn nghệ thuật; động tác pha trà chuẩn xác thích hợp, tao nhã như vũ điệu. Trong quá trình mọi người pha trà và thưởng thức trà, bất kể là chủ hay khách đều sẽ quên hết tạp niệm thế tục phàm trần; trong phòng trà thanh nhã an tĩnh, hoàn thành tịnh hóa tinh thần.

Trà đạo Trung Quốc; Trà đạo nghĩa là gì; Uống trà đạo là gì
Uống trà để giúp tinh thần thư thái, rũ bỏ bụi trần (ảnh minh họa Adobestock)

Trong trà đạo Nhật Bản chân chính, mọi người có thời gian nhàn nhã trong phòng trà, đàm luận sơn thủy, tự nhiên, nghệ thuật; tuyệt đối cấm chỉ nói về các chủ đề liên quan chính trị, tiền bạc, phụ nữ, danh lợi… địa vị trà đạo trong tâm khảm người Nhật Bản có thể nói là Thần thánh và thuần khiết. Vì vậy mọi người trong trần thế hỗn độn, vẫn có thể đạt được sự tĩnh mịch, nhàn nhã trong phòng trà; bồi dưỡng ý thức thẩm mỹ tĩnh lặng; suy ngẫm về bản thân để đạt được sự thăng hoa về tinh thần.     

Trà đạo Nhật Bản được hưởng lợi từ văn hóa trà của các triều đại nhà Đường và nhà Tống

Trên thực tế, từ “trà đạo” xuất hiện lần đầu tiên trong văn hiến vào thời nhà Đường. Văn hóa Phật gia và Nho gia thời nhà Đường đã được truyền một lượng lớn vào Nhật Bản. Tăng nhân Nhật Bản đã đem văn hóa trà đạo rất thịnh hành vào thời nhà Đường và truyền vào Nhật Bản. Nhật Bản lúc này mới có lịch sử uống trà. 

Vào thời Đường, những bữa tiệc trà tao nhã dùng trà thay rượu trong cung đình, chùa, quan phủ, dân gian đã hình thành nên nghi thức phong tục. Nghệ thuật uống trà thời Đường dùng hình thức sao trà, rồi đun nước sôi và pha. Chú ý đến độ sôi của nước, lần đầu sôi là tiếng nước chảy, lần sôi thứ hai giống như suối tuôn, lần sôi thứ ba như sóng lật; lúc bỏ trà vào, hết sức chú trọng vào trình tự. 

Trà đạo nhật bản: Dùng trà để truyền "Đạo"
Văn hóa trà đạo từ Trung Quốc dần dần được truyền vào Nhật Bản (ảnh minh họa Adobestock)

Thời Đường là dùng bánh trà nướng trên lửa cho tỏa ra hương thơm. Sau đó nghiền nát thành mạt rồi mới đun bằng nước. Dùng các độ sôi khác nhau để tiến hành pha trà; vừa pha vừa uống như thế mới là thưởng thức trà, uống trà khi còn nóng như vậy.

Trà đạo là thể hiện lễ nghi truyền thống Nhật Bản

Phương pháp pha trà của nhà Đường du nhập vào Nhật Bản từng rất thịnh hành. Về sau nhà Tống chú trọng đến phương thức uống trà, không đem trà vụn bỏ vào trong nước sôi để đun nữa, mà là lấy nước sôi đổ vào trong một cái chén có đựng trà; sau đó dùng chổi trà đánh thành bọt. Động tác rót nước yêu cầu chuẩn xác thích hợp. Kỹ nghệ đánh trà lên cũng không phải là đơn giản, phải trải qua huấn luyện. Họ vẫn sử dụng bánh trà nướng lên và nghiền nát như là thời Đường.

Vào thời nhà Tống, tăng nhân Myōan Eisai của Nhật Bản đã từng hai lần đến Tống. Ông đã đem văn hóa trà đạo và các đạo cụ uống trà truyền nhập vào Nhật Bản; khiến nghệ thuật uống trà được truyền rộng khắp Nhật Bản. 

Về sau trải qua sự thống trị của Mạc Phủ, lại trải qua thời đại chiến quốc Nhật Bản, Nhật Bản cuối cùng đã đem nghệ thuật uống trà Trung Quốc cùng với nội hàm tinh thần của Nho gia và Phật Gia tiến hành dân tộc hóa; kết hợp với phong cách kiến trúc Nhật Bản, cùng với các nghi thức lễ nghi chùa chiền và võ sĩ, tạo thành một văn hóa sinh hoạt hàng ngày. Chính xác mà nói, trà đạo là hiện thân nghệ thuật tiêu biểu nhất của văn hóa lễ nghi truyền thống Nhật Bản.

Tới đây có thể nói, trà đạo Nhật Bản chính là dùng để truyền “Đạo” và lưu giữ văn hóa truyền thống.

Theo Vision Times