Chế độ một vợ một chồng là xu hướng chủ đạo vào thời xưa
Mặc dù vào thời xưa cho nạp thiếp, nhưng đó vẫn không phải là chế độ đa thê, mô hình hôn nhân một vợ một chồng mới là chủ đạo.
Nhiều người hiện đại xem phim cổ trang đều thấy các vị vua có rất nhiều thê thiếp, liền cho rằng chuyện đó là đương nhiên; cho rằng chế độ đa thê rất phổ biến vào thời xưa. Kỳ thực cũng không phải như vậy. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng mới là mô hình hôn nhân chủ đạo vào thời xưa.
Nội dung chính
Chế độ một vợ một chồng mới là chủ đạo
Theo khám phá của các nhà khảo cổ học, sớm nhất là vào thời kỳ cuối của văn hóa Ngưỡng Thiều từ năm 3500 đến năm 3000 trước công nguyên, thời kỳ cuối của văn hóa Đại Vấn Khẩu từ năm 4300 đến năm 2500 trước công nguyên, văn hóa Tề Gia từ năm 2500 đến năm 1500 trước công nguyên v.v. đều phát hiện hai người nam nữ trưởng thành chôn chung một mộ. Có thể thấy lúc ấy đã xuất hiện chế độ một vợ một chồng tương đối cố định.
Trong thời kỳ Ân – Thương, khoảng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 11 trước công nguyên, chế độ một vợ một chồng đã trở thành chủ lưu của xã hội.
Về sau đối với nhu cầu củng cố quyền thế thì việc “có con nối dõi” trở nên rất quan trọng. Vì vậy vào triều Thương đã thi hành luật “Con trai trưởng kế thừa”. Cũng bởi vì “mẫu bằng tử quý” (mẹ vinh hiển là nhờ con) nên sự phân chia tầng thứ ngày càng nhiều.
Thê và thiếp phân định rất rõ ràng
Đến triều Chu, dựa trên nền tảng của Ân – Thương, lại tiếp tục bổ sung thêm “chế độ thê thiếp”; đây cũng là để tránh chế độ đa thê làm hỗn loạn gia tộc. Người trong họ sợ việc kế thừa có thể dẫn đến tranh chấp gia tộc, vì vậy đã quy định rõ ràng là chỉ được có một “Chính thê” (tức là chính thất, vợ cả, vợ chính). Những “người vợ” còn lại đều gọi là “thiếp”. Nếu như vợ cả qua đời hoặc là người đàn ông ly dị vợ và lấy vợ khác, thì người vợ đó sẽ gọi là “vợ kế”.
Trên lý thuyết mà nói, đã là thiếp thì không thể tùy tiện lên làm vợ. Cho dù có là hoàng đế thì cũng phải tuân thủ quy định “một chính thất, còn lại đều là thiếp”. Vì vậy lúc này mới xuất hiện “Thê tôn thiếp ti” (vợ trên thiếp dưới); “con của chính thất là con trai trưởng, con của thiếp là ‘thứ tử’ (con vợ kế)”.
Quá trình phát triển của chế độ một vợ một chồng
Vào thời Tiên Tần, chế độ một vợ một chồng đang trong giai đoạn thành hình. Đến thời nhà Tần và nhà Hán mới chính thức định hình. Vào thời điểm đó, người dân phải tuân theo luật pháp của nhà Tần và nhà Hán; không thể “trùng hôn” (kết hôn với một người khác trong khi mình đang có vợ hoặc chồng”. Nếu như vi phạm thì sẽ bị trừng phạt. Đồng thời pháp luật còn cấm chỉ việc chuyển đổi vị trí của thê và thiếp. Cho dù là chính thất qua đời, những người thiếp cũng không được phép chuyển thành chính thất.
Lễ giáo Nho gia cũng từng giải thích về chế độ một vợ một chồng: “Bất kể giai cấp là thiên tử hay bách tính, vợ và chồng phải có danh nghĩa bình đẳng; còn thiếp chỉ được ở cùng người chồng vào một thời điểm nào đó”.
Xét từ nhiều trường hợp và đạo lý khác nhau, truyền thống cổ đại mặc dù có cho phép nạp thiếp, nhưng chủ yếu vẫn lấy chế độ một vợ một chồng làm lý tưởng. Hơn nữa, dựa theo chế độ gia tộc coi trọng thân phận và danh vị mà nói, thì vẫn không tính là chế độ đa thê. Bởi vì có sự phân chia chặt chẽ, nó vẫn thuộc về chế độ một chồng một vợ (nhiều thiếp).
Một vợ một chồng và nhiều thiếp
Bởi vì thân phận và địa vị của thiếp là không thể so với chính thất, luôn thấp kém hơn. Vì có sự khác biệt rất rõ ràng giữa hai người, vậy nên nói là chế độ đa thê là không hợp lý. Vì vậy điều này nên được hiểu là: Chế độ một vợ một chồng và nhiều thiếp.
Pháp luật triều Tống cũng như vậy; mà các nhà Lý học (phái triết học duy tâm) lại càng nhấn mạnh luân lý gia đình, quy phạm hôn nhân, đạo vợ chồng chính là căn bản luân lý làm người.
Đến thời nhà Minh, nhà Thanh, thì cũng không khác đời trước, đều là phản đối “trùng hôn”; cấm chỉ làm hỗn loạn trật tự thê thiếp. Trong “Đại Minh hội điển” quyển 163, đã ghi rõ hình thức xử phạt đối với người phạm tội: “Người có vợ còn lấy thêm vợ sẽ bị đánh 90 gậy… Người nào trên 40 tuổi mà chưa có con, mới được lấy thiếp. Người vi phạm bị đánh 40 gậy”.
Nạp thiếp chỉ là thiểu số
Theo nghiên cứu của các học giả, hầu hết mọi người đều cho rằng truyền thống Trung Quốc là thực hiện chế độ đa thê; nhưng kỳ thực là thuộc về chế độ một vợ một chồng và nhiều thiếp. Tuy nhiên căn cứ theo các tài liệu lịch sử, chỉ có rất ít người nạp thiếp.
Những người nạp thiếp chủ yếu là những người có địa vị xã hội cao. Nói cách khác, địa vị xã hội càng cao thì số thiếp càng nhiều. Vì vậy số lượng thiếp của các hoàng thân quốc thích sẽ là nhiều nhất; tiếp đến là những trọng thần, người giàu có; bình dân áo vải thì ít có cơ hội để nạp thiếp. Cho nên, nạp thiếp trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc được coi như là đặc quyền của giới quyền quý.
Nhà 5 người là một thông lệ 2.000 năm
Nhiều người nghĩ rằng gia đình truyền thống Trung Quốc có kết cấu đại gia đình. Nhưng theo nghiên cứu của sử gia Lương Phương Trọng và sử gia Đỗ Chính Thắng thì lại không phải như vậy.
Vì tất cả các triều đại ở Trung Quốc đều có ghi chép về số liệu thống kê hộ khẩu, cho nên sử gia Lương Phương Trọng có thể căn cứ vào 71 số liệu đáng tin từ năm Nguyên Thủy thứ 2 thời Tây Hán (năm 2) đến năm Tuyên Thống thứ 3 thời nhà Thành (năm 1911), tính ra bình quân hộ khẩu của Trung Quốc là 4,95 người. Sử gia Đỗ Chính Thắng thì căn cứ vào 50 số liệu vào thời sau, tính ra bình quân hộ khẩu của Trung Quốc là 5 người. Hai vị học giả không chỉ tính ra số liệu tương tự, mà còn phù hợp với thuyết “nhà 5 người”.
Đến thời Trung Hoa Dân Quốc, gia đình vẫn duy trì quy mô 5 thành viên; và hầu hết các gia đình là 3 thế hệ cùng chung sống. Xét về quy mô một gia đình 5 người mà nói, cũng đủ để chứng minh rằng đại đa số các gia đình Trung Quốc từ xưa đến nay là một vợ một chồng.
Nói cách khác, trong hôn nhân truyền thống, chế độ một vợ một chồng là xu hướng chủ đạo.
Theo Vision Times