Khổng Tử nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”. Nghĩa là trong trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu, để thấy người xưa rất coi trọng đạo hiếu.

Một người không có lòng hiếu thảo với cha mẹ đã nuôi nấng mình thì rất khó để có thể dành tình yêu thương cho người khác chứ đừng nói đến việc lo cho sự thăng trầm của đất nước và dân tộc. Cha mẹ yêu thương con đó là thiên tính, là nghĩa vụ; con cái hiếu kính cha mẹ là trách nhiệm và cũng là lẽ đương nhiên.

Trong lịch sử cũng ghi chép nhiều về những người con có hiếu với cha mẹ mà được xã hội ca tụng. Từ cuốn “Giới am lão nhân mạn bút” của Lý Dực vào thời nhà Minh, chúng ta cùng xem qua một vài tấm gương hiếu thuận cha mẹ.

1, Người ăn xin làm trò để giúp cho mẹ được vui vẻ

Vào thời nhà Minh, có một người ăn xin, thường đi hành khất ở Tô Châu. Một lần nọ, có một thân sĩ (người có học thức) trong thành, vào một đêm trăng sáng đã đi ngang qua một cây cầu; đột nhiên nghe thấy dưới cầu có tiếng ca hát. Ông rất tò mò, liền đi xuống dưới cây cầu để xem thử; thì ra tiếng ca hát đó là của một người ăn xin thường đi hành khất ở trong thành.

Lúc đó, người ăn xin đang bưng trên tay một chén rượu đã xin được; quỳ xuống dâng lên một bà lão đang ngồi dưới đất. Người ăn xin vừa hát vừa nhịp nhàng vỗ vào chén rượu. Khi người ăn xin thấy có người đến thì rất ngạc nhiên. Sau thấy đó là một thân sĩ thì cười hì hì mà nói: “Người thấp hèn mà, chỉ là muốn cho mẹ vui một chút thôi”. Vị thân sĩ nhìn thấy cảnh này, cảm thấy bội phục hồi lâu, rồi mới xoay người rời đi.

Bách thiện hiếu vi tiên; Bách thiện hiếu vi tiên nghĩa là gì; Chữ hiếu là gì
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn một lòng báo hiếu mẹ (ảnh minh họa Zhihu)

Ngày hôm sau, vị thân sĩ đem chuyện này nói cho người khác, mọi người đều thấy chuyện này rất cảm động. Sau đó, lại có không ít người, chuyên môn đến xem người ăn xin này làm trò để giúp cho mẹ được vui.

Trong những người đến xem, có người nói: “Tôi sống từng này tuổi, còn chưa làm được như người ăn xin này, để cho mẹ tôi được vui vẻ một lần”.

2, Giấu thức ăn trong tay áo cho mẹ

Vào thời nhà Minh, có một người ở Trường Hưng, Chiết Giang, tính tình anh tuy rất thô lỗ, nhưng lại phụng dưỡng mẹ rất ân cần. Những sản nghiệp cũ của gia đình anh đều dùng để phụng dưỡng mẹ, cho nên gia cảnh cứ dần dần suy yếu; chỉ còn lại tài sản là mấy gian nhà.

Chú của người này lại rất giàu có. Một ngày nọ, chú của anh cùng với mấy người thân thích gặp nhau uống rượu, lại để cho người con hiếu thuận này đến giúp đỡ. Bởi vì trong những người thân thích này, đa phần đều là những người có tiền có thế, cho nên thức ăn vô cùng phong phú.

Người con hiếu thuận nhìn thấy trước mắt đồ ăn thịnh soạn như vậy, còn chưa bắt đầu ăn, liền nghĩ: “Nếu có cách nào để đem những thứ tốt như này đặt trước mặt mẹ được thì hay”. Vì vậy sau khi mở tiệc, anh thỉnh thoảng lại nhìn xung quanh; khi người khác không chú ý, anh liền nhanh chóng đem một vài đồ ăn ngon, dùng giấy gói lại rồi nhét vào tay áo.

Thỉnh thoảng anh cũng ăn một miếng, nhưng ăn không được ngon miệng; mà giấy thì đã dùng hết, trong tay áo của anh cũng đã đầy ắp rồi.

Chấp nhận bị oan để mang thức ăn về cho mẹ

Tiệc tàn, chủ nhà lấy chén vàng đựng rượu mời khách quý. Có vị khách vì không muốn uống rượu, liền lặng lẽ đặt chén vàng dưới mái hiên, dùng miếng ngói che lại, sau đó bỏ về nhà. Người nhà báo cáo là chén vàng bị mất; các vị khách đều được yêu cầu cởi y phục ra để kiểm tra. 

Chữ hiếu trong nho giáo; Hiếu kính cha mẹ là gì; Hiếu kính với cha mẹ
Lòng hiếu thuận khiến trời đất cũng cảm động (ảnh minh họa Sohu)

Người con hiếu thảo sợ bị lục soát, liền tự mình nhận là đã trộm cái chén vàng; cũng nói lung tung về chỗ giấu chén vàng. Người làm theo lời anh nói thì không tìm được chén vàng. Anh lại nói, có thể là bị người khác lấy rồi. Chú của anh bắt đền. Anh đồng ý bán nhà để bồi thường, nhưng mong là gia hạn cho mấy ngày; chờ anh thu xếp ổn thỏa cho mẹ rồi mới bán nhà.

Sau đó vị khách đã giấu chén vàng liền viết một tờ giấy để giải thích ngọn nguồn về cái chén vàng. Chủ nhân cuối cùng đã tìm thấy nó. Hơn nữa cũng hiểu ra nguyên nhân tại sao người con hiếu thuận này không muốn để cho kiểm tra quần áo. Sau khi sự tình đã rõ ràng, chú của anh vô cùng cảm động, liền đem gia sản chia làm 3 phần; phân cho người con hiếu thuận và hai người con trai của ông mỗi người một phần.

3, Nhìn thấy chim bồ câu liền khóc

Trong những năm Thành Hóa và Hoằng Trị, triều đại nhà Minh, ở Thường Thục, Giang Tô, có một người tên là Từ Tuấn. Anh vào thời niên thiếu có nuôi mấy con chim bồ câu để chơi; cha anh vì vậy đã đánh anh một trận. Anh từ đó chấp nhận giáo huấn, lập chí phải học tập thật giỏi; cuối cùng sự nghiệp thành công.

Sau khi cha mất, cứ mỗi lần nhìn thấy chim bồ câu thì anh lại không kìm lòng được. Anh lại nhớ đến những lời dạy bảo của cha mà âm thầm khóc thương: “Bây giờ không còn cha để đánh và dạy dỗ mình nữa!”   

Hiếu thuận là gì; Hiếu thuận với cha mẹ; Hiếu thuận nghĩa là gì
Hãy báo hiếu cha mẹ khi còn có thể (ảnh minh họa Kknews)

Có một số thiếu niên nghịch ngợm không nghe lời cha mẹ, nhưng sau khi nghe câu chuyện của Từ Tuấn thì cũng bắt đầu thay đổi; trở nên hiếu thuận và học giỏi lên.

Khổng Tử cũng từng nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn làm việc có ích cho đời, trước tiên vẫn là tu sửa chính mình; sau đó là làm cho gia đình tề chỉnh. Mà một người con có hiếu với cha mẹ, biết kính trên nhường dưới, thì nhất định cũng là một người có đức hạnh và tu dưỡng.

Thời xưa khi vua muốn dùng người, thường trước tiên sẽ hỏi thăm xem người đó có phải là người con có hiếu không; sau đó mới xét đến tài năng và trí lực, đủ thấy chữ hiếu được coi trọng như thế nào.  

“Bách thiện hiếu vi tiên”, người không hiếu thuận cũng thật khó để có chỗ đứng vững chắc trong xã hội.

Theo Vision Times