Âu Dương Tu, một trong “Đường Tống bát đại gia” (8 văn sĩ nổi tiếng vào thời Đường và Tống), ông là hạt minh châu rực rỡ trong văn học cổ đại.

Trong triều đình, ông ba chìm bảy nổi, làm hết sức mình, thấu hiểu thế sự, cảnh giới siêu phàm. Về văn học, ông cách tân thơ văn, hiểu biết sâu sắc, hạ bút thành văn, để lại những áng văn thơ tuyệt phẩm cho hậu thế.

Dưới đây là 7 câu triết lý sâu sắc của Âu Dương Tu giúp bạn thấu tỏ nhân sinh:   

1. Dựa vào sở thích của một người, bạn có thể biết được người đó như thế nào 

Cũng như có câu nói: “Nhìn tiểu tiết thấy đại nghĩa, nhìn sở thích thấy nhân phẩm”. Bằng cách nhìn vào sở thích của một người, bạn có thể biết được đại khái đó là người như thế nào.

Ví như người thích đọc sách thì nội tâm an hòa, tính cách hiền lành, chú trọng hưởng thụ tinh thần; người thích thể thao thì tự tin khỏe khoắn, có kỷ luật và biết chăm sóc bản thân; người thích động vật thì thường nhẹ nhàng dễ mến, hay quan tâm đến người khác… Nói chung những người có sở thích tốt thì thường nhân cách cũng rất tốt.

Ngược lại, người có những sở thích không lành mạnh như rượu chè, cờ bạc… thì cũng khó mà hy vọng họ có được nhân phẩm tốt. Vì chúng ta thường xuyên tiếp nhận điều gì thì dần dần chúng ta cũng trở thành những thứ như thế; thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận.

2. Rượu gặp tri kỷ ngàn chén ít, lời không hợp ý nửa câu nhiều 

Đời người quý nhất là có thể gặp được tri kỷ, người có thể hiểu được bạn. Thế gian vạn vạn người, nhưng hỏi có mấy người có thể thân thiết; trong những người thân thiết đó lại có mấy người mà bạn có thể chia sẻ hết cả tấm lòng? 

Âu dương tu; Âu dương tu là ai
Quân tử nhất ngôn
Quân tử kết giao nhạt như nước (ảnh minh họa Sohu)

Như xưa kia Bá Nha phải đập đàn, vì Tử Kỳ chết rồi cũng không còn ai có thể hiểu âm nhạc của ông nữa. Thi tiên Lý Bạch cũng phải thốt lên: “Hoàng kim vạn lượng dung dị đắc; Thế thượng tri kỷ tối nan cầu”. Nghĩa là “Vàng kia vạn lạng còn dễ kiếm, tri kỷ một người thật khó thay”.

3. Quân tử và quân tử lấy đạo lý để kết bạn, tiểu nhân và tiểu nhân lấy lợi ích để kết giao

Người xưa cũng có câu: “Quân tử kết giao nhạt như nước. Tiểu nhân kết giao ngọt rượu nồng”. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết; tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy mặn nồng, vồ vập nhưng lại dễ dẫn đến tuyệt giao. 

Người quân tử đến với nhau vì đạo nghĩa, trao đổi triết lý nhân sinh, cùng giúp nhau thăng hoa về tinh thần. Vì có sợi dây đạo nghĩa kết nối nên tuy có xa cách nhưng tình cảm vẫn cứ như ngày hôm qua.

Kẻ tiểu nhân vì lợi, làm gì cũng nghĩ tới lợi ích của bản thân. Tiểu nhân vốn cũng không có thứ gọi là tình bạn, tất cả chỉ là lợi ích; nếu bạn hết giá trị lợi dụng thì lập tức sẽ trở thành người dưng nước lã.

4. Không tu thân, tuy quân tử nhưng lại là tiểu nhân

Nhân sinh giống như dòng sông chảy miết, còn bạn là con thuyền giữa dòng; nếu bạn không tiến về phía trước thì chắc chắn sẽ bị dòng sông cuốn đi. Một người dẫu cao quý nếu không tu dưỡng bản thân thì đạo đức cũng sẽ dần dần đi xuống; mãi cho đến khi không khác gì tiểu nhân.

Quân tử chi giao; Quân tử là gì; Quân tử và tiểu nhân
Bậc quân tử phải không ngừng tu dưỡng (ảnh minh họa Vandieuhay)

“Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, ngọc không mài không thành đồ quý, người không học sao hiểu được đạo lý. Tu thân dưỡng tính là việc cả đời, dù xuất thân của bạn như thế nào thì cũng không thể không tu dưỡng bản thân.

5. Quân tử học tập không thể ngừng dù chỉ một ngày

Người xưa vẫn nói: “Phúc hữu thi thư khí tự hoa”, nghĩa là bụng chứa sách vở thì mặt mũi tự tươi sáng. Không nên coi việc học chỉ để đạt được công danh sự nghiệp, mà hãy tự tìm hứng thú trong sách vở và những kiến thức mới mẻ. 

Có người tốt nghiệp đại học xong là lập tức rời xa sách vở, tuyệt đối không đọc một cuốn sách nào nữa. Điều này là rất đáng tiếc! Có câu “đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”, mỗi một cuốn sách là một cuộc hành trình đưa bạn đến những vùng đất khác nhau; giúp bạn được sống nhiều cuộc đời khác nhau. Mà đặc biệt là người quân tử lại càng phải học tập không ngừng, nếu không nuôi dưỡng nội tâm thì làm sao có được khí khái phi phàm.

6. Lo lắng suy tư có thể làm quốc gia hưng thịnh, an nhàn hưởng lạc có thể hủy hoại một người

Cũng giống như câu nói: “Sinh trong hoạn nạn, chết trong an nhàn”. Nhiều người không chết trên chiến trường mà lại chết trong ăn chơi hưởng lạc. Phóng túng làm người ta đánh mất ý chí của bản thân và cứ chìm sâu trong dục vọng vô biên.     

Dục vọng nó hủy hoại người ta từ từ giống như luộc ếch, ban đầu ấm áp dễ chịu. Nhưng đến khi nhận ra rồi thì không còn cơ hội để thoát ra nữa.

Kết giao là gì; Tu dưỡng bản thân; Tu dưỡng đạo đức
Phải luôn cẩn trọng, không được phóng túng bản thân (ảnh minh họa NTDVN)

“Cẩn tắc vô ưu”, càng trong an nhàn lại càng phải cẩn thận hơn nữa. Giữ tâm cho chính, dù trong hoàn cảnh nào cũng không đánh mất bản thân mình, như vậy khi gặp nạn mới có thể chuyển nguy thành an.

7. Ham muốn nhiều sẽ tổn hại, khiêm tốn lại được hưởng phúc 

Có câu: “Hăng quá hóa dở, cực thịnh tất suy”. Làm việc gì cũng phải chừa lại một đường lui cho mình, đừng luôn đẩy mọi thứ đến cực đoan. Đây là quy tắc vận hành của xã hội, cũng là đạo lý đối nhân xử thế. 

Một người nếu tham lam không biết đủ thì tai họa cũng không còn xa. Đối với người phải khiêm tốn, đối nhân xử thế phải nhún nhường, như vậy mới có thể mang lại phúc lành cho bản thân.

Tự mãn vời lấy thất bại, khiêm tốn thu được lợi ích. Người tầng thứ càng cao lại càng biết cúi đầu, như vậy thì dù muốn hay không muốn thì người khác cũng sẽ tự nâng bạn lên. 

Bên cạnh tài văn chương thơ ca kiệt xuất, Âu Dương Tu còn có những triết lý nhân sinh rất sâu sắc, đáng để cho hậu thế học tập.

Tổng hợp