Huyền Trang hay Đường Tam Tạng là một nhân vật có thật trong lịch sử, và hành trình lấy kinh của ông cũng có nhiều điều rất thần kỳ.

Nhận thấy Kinh Phật ở Trung Quốc có nhiều dị bản

Trong “Cựu đường thư” và “Tân đường thư” đều có ghi chép về chuyện Huyền Trang đi lấy kinh, nhưng ghi chép đều rất ngắn gọn.

Vì vậy khi nói về việc đi lấy kinh của Huyền Trang, chúng ta có thể dựa vào một quyển sách do đệ tử Tuệ Lập và Ngạn Tông của Huyền Trang chấp bút; họ đã căn cứ theo những lời nói của pháp sư Huyền Trang và ghi chép lại. Quyển sách này tên là “Đại từ ân tự tam tạng pháp sư truyện”, gọi tắt là “Từ ân truyện”.

Họ tục của Huyền Trang là Trần, tên là Huy. Ông từ nhỏ đã vô cùng thông minh, đối với Kinh Phật thì rất có lĩnh ngộ. 13 tuổi xuất gia tại Lạc Dương, ông tu Phật rất nhanh đã có thành tựu, đạt đến cảnh giới cao thâm. Các tăng nhân ở địa phương đã không thể dạy thêm cho ông được nữa. Ông đi vân du học hỏi nhiều nơi trong nước, cùng người khác nghiên cứu thảo luận về Phật Pháp. Bởi vì những thành tựu xuất sắc trong Phật học nên ông được khen là “Thích môn thiên lý chi câu” (con ngựa ngàn dặm của Phật giáo).         

Lúc đó, Huyền Trang cảm thấy những bản dịch Kinh Phật ở Trung Quốc có nhiều chỗ khác nhau; cùng một sự việc mà trong Kinh Phật lại giải thích không giống nhau, ông cũng muốn biết Kinh Phật nguyên thủy là như thế nào.

Quyết tâm sang Thiên Trúc thỉnh kinh

Về sau có vị tăng nhân ở Thiên Trúc (Ấn Độ) nói với ông, tại nước Thiên Trúc có một ngôi chùa tên là Na Lạn Đà, trong chùa có pháp sư Giới Hiền, giảng kinh “Du già sư địa luận” rất hay.

“Du già sư địa luận” là thuộc về kinh điển đại thừa của Phật giáo. Nếu nghiên cứu cuốn này cho rõ ràng, thì rất nhiều nghi hoặc trong quá khứ sẽ được giải khai. Vì vậy Huyền Trang đã hạ quyết tâm, phải đến Tây thiên cầu pháp; nhất định phải mang “Du già sư địa luận” trở về.

Vì quan hệ của triều Đường và Tây Đột Quyết lúc đó rất căng thẳng, cho nên đường đi Tây Vực rất nguy hiểm. Lúc ấy pháp luật Đại Đường không cho phép tăng nhân đi sang Tây phương. Huyền Trang nhiều lần báo cáo nhưng đều không được cho phép. Phải đến năm Trinh Quán thứ 3, ở kinh thành xảy ra nạn đói, vì vậy cho phép tăng nhân đi ra ngoài khất thực.

Vì trong kinh thành không có lương thực, Huyền Trang nhân cơ hội này mà thực hiện ý định đi Thiên Trúc của mình. Ông đi thẳng về phương Tây, cũng giống như là vượt biên.

Đường tam tạng;
Đường Tăng quyết tâm sang Thiên Trúc thỉnh kinh (ảnh minh họa Sohu)

Nhưng triều đình có lệnh không cho phép đi qua nước ngoài, Huyền Trang thường xuyên gặp phải sự ngăn trở của quan viên địa phương; vì vậy ông phải giải thích cho họ tại sao phải đi Tây thiên cầu pháp.

Quyết tâm kiên định và sự chân thành của ông đã khiến cho những người này cảm động, và cuối cùng họ đã để ông đi qua.

Trên đường đi được nhiều người giúp đỡ

Sau khi Huyền Trang rời khỏi Dương Quan, ông đã phải trải qua 5 Phong hỏa đài (đài phòng thủ quân sự thời xưa). Thời ấy ở biên cương Đại Đường, cứ mỗi 100 dặm (50 km) lại có một Phong hỏa đài, ở giữa các Phong hỏa đài đều là sa mạc, vô cùng khó đi. Nếu như muốn lấy nước, chỉ có thể đến phía dưới Phong hỏa đài để lấy.

Lúc Huyền Trang lấy nước tại Phong hỏa đài đầu tiên thì có người phát hiện, một mũi tên liền bắn đến ngay trước mặt. Ông vội nói to rằng mình là hòa thượng từ Trường An đến, muốn sang Tây thiên cầu pháp.

Người canh giữ Phong hỏa đài này tên là Vương Tường, ông là người rất tin vào Phật Pháp; cho nên ông đã để cho Huyền Trang đi qua. Vương Tường còn nói người giữ Phong hỏa đài thứ tư là người thân thích của ông, tên là Vương Bá Lũng, nói Huyền Trang tìm gặp người đó thì sẽ được giúp đỡ.

Nhờ vậy mà khi Huyền Trang đến Phong hỏa đài thứ tư, Vương Bá Lũng đã nói với ông: “Ông không thể đi xa hơn nữa. Người canh giữ Phong hỏa đài thứ 5 nhất định sẽ bắt ông quay trở lại, tôi biết ông ta”.

Kiệt sức trong sa mạc

Vương Bã Lũng nói Huyền Trang phải đi trong sa mạc, có một nơi tên là Dã Mã Tuyền; ông phải tìm thấy nơi đó để bổ sung nước, như vậy mới có thể đi qua sa mạc. Vương Bá Lũng còn đưa cho Huyền Trang một cái túi da rất nặng. Huyền Trang liền lên đường đi tìm Dã Mã Tuyền, ông dựa vào chỉ dẫn của Vương Bá Lũng mà đi.

Kết quả không tìm được, trong lúc uống nước lại vô tình làm đổ túi nước. Vậy là ông đã hết cạn nước. Trong sa mạc mà không có nước thì chắc chắn sẽ không thể sống được.

Huyền Trang lúc đó không biết làm thế nào, đành phải quay về lấy nước. Lúc bắt đầu quay trở về, ông đột nhiên nghĩ đến lời phát nguyện của mình trước khi lên đường: “Lần này đi Tây phương cầu pháp, nếu không lấy được chân kinh thì nhất định không quay trở về”. Nghĩ tới đây, ông quyết định sẽ không quay trở về, tiếp tục đi về phía Tây.

Sang Thiên Trúc thỉnh kinh;
Đường đi phải vượt qua sa mạc vô cùng khó khăn (ảnh minh họa Sohu)

Trong sa mạc này, trên trời không có chim, dưới đất không có thú, chính là dựa vào phân của lạc đà, ngựa và xương của người chết làm ký hiệu; trong sa mạc còn thường xuyên có ảo ảnh. “Quỷ mị gió nóng” được nói tới trong “Từ ân truyện” là rất đáng sợ.

Ông cứ đi như vậy suốt 4 ngày 5 đêm, không một giọt nước nào. Cả người nóng ran, cuối cùng khát quá không thể đi được nữa và té xỉu trong sa mạc mênh mông.

Được Thần cứu giúp

Huyền Trang trong lúc ý thức không được tỉnh táo, trong miệng vẫn còn niệm kinh văn, cầu khẩn Quan Âm Bồ Tát. Ông nói: Đệ tử lần này đi lấy kinh, chỉ muốn lấy được chân kinh Đại thừa mang về Đông thổ, hy vọng Quan Âm Bồ Tát có thể gia trì cho ông.

Sau đó ông đã bất tỉnh, ban đêm, một trận gió lạnh thổi qua, ông liền tỉnh lại; thể lực khôi phục một chút, ông liền muốn ngủ một lát.

Kết quả là, ông mộng thấy một vị Thần mặc áo giáp vàng đứng trước mặt. Vị Thần nói với ông: “Ngủ cái gì! Chạy nhanh!” Ông liền tỉnh dậy và leo lên con ngựa. Con ngựa đột nhiên mất kiểm soát và bắt đầu chạy như điên.

Huyền Trang không khống chế được con ngựa và cứ để nó đưa ông tới một con suối, nhờ vậy mà Huyền Trang đã được cứu sống.

Sau khi rời khỏi nước Cao Xương, Huyền Trang tiếp tục đi về phía Tây; đi qua Yên Kỳ, Khố Xa, tiến vào Lăng Sơn. Ngọn núi này cao tận chân trời, trên đỉnh núi có băng tuyết, leo lên cực kỳ khó khăn. Ban đêm chỉ có thể ngủ ở trên băng.

Về sau Huyền Trang lại đi qua Đại Tuyết Sơn, so với Lăng Sơn thì càng khó khăn hơn. Và cuối cùng sau hơn 1 năm rời Trường An thì ông cũng đến được phía Bắc Ấn Độ.

Gặp đám cướp muốn đoạt mạng để cúng tế

Huyền Trang ở phía Bắc Ấn Độ chờ một thời gian, sau đó liền đi vào Thiên Trúc, nơi có chùa Na Lạn Đà; trung gian phải đi qua nước A Da Mục Khư.

Huyền Trang lúc đó ngồi thuyền xuôi theo sông Hằng. Nhưng khi thuyền đi được nửa đường, thì bất ngờ có mười mấy chiếc thuyền từ rừng cây hai bên sông lao ra cướp.

Người trên thuyền thấy cướp thì vô cùng sợ hãi, nhiều người nhảy xuống sông để chạy trốn. Đám cướp vây kín thuyền của họ, yêu cầu mọi người cởi quần áo và cướp hết tài vật của họ. Huyền Trang là tăng nhân nên không có của cải gì hết. Nhưng đám cướp vừa nhìn thấy Huyền Trang thì đã rất cao hứng.

Bởi vì phong thái của Huyền Trang nhìn rất uy nghiêm, đám cướp tin vào một tà giáo, vào mùa thu mỗi năm cần phải tìm một người đàn ông để giết chết rồi mang đi tế bái.

Vì vậy chúng vừa nhìn thấy Huyền Trang thì rất vui mừng. Chúng từ trước tới giờ cũng chưa từng nhìn thấy người nào có tướng mạo đẹp như vậy; do đó chúng chuẩn bị hạ sát Huyền Trang.

Đường Tam Tạng là một nhân vật có thật trong lịch sử
Đường Tăng gặp cướp mà tâm vẫn bình thản (ảnh minh họa Trithucvn)

Lúc đó trên thuyền lại có người nguyện ý chết thay Huyền Trang nhưng đám cướp không đồng ý, chúng chỉ chấp nhận Huyền Trang mà thôi. Đám cướp ở trên bờ sông Hằng bắt đầu lập đàn tế; Huyền Trang liền đả tọa nhập định. Lúc đó đám cướp thấy ông vô cùng điềm tĩnh thì cũng rất tôn kính ông.

Kỳ tích xuất hiện

Huyền Trang vừa nhập định thì nguyên thần ly thể. Ông khi đó nguyện rằng: “Đệ tử lần này cầu Pháp không thành công. Hy vọng có thể vãng sinh đến Phật quốc, lên trên trời nghe pháp. Sau khi nghe xong, lại có thể chuyển sinh trở lại nhân gian, đi độ những cường đạo đã sát hại đệ tử”.

Ông sau khi phát nguyện như vậy, tầng tầng trên trời có thể thấy Bồ Tát đều rất vui mừng. Lúc đó đột nhiên gió đen nổi lên, những cây lớn đều bị bật gốc, đất cát mù mịt bầu trời; thuyền trên bờ đều bị lật, sóng to gió lớn.

Đám cướp cảm thấy chúng đã chọc giận trời đất, liền nhao nhao hỏi nhau có chuyện gì đang xảy ra. Có người nói vị tăng nhân này không thể giết được, đây chính là người từ Đông thổ Đại Đường đến đây lấy kinh. Đám cướp liền buông đao và quỳ xuống mặt đất.

Huyền Trang lúc này liền xuất định. Sau đó Huyền Trang thuyết pháp cho những người này. Đám cướp đem tất cả những thứ đã cướp được để lại bên bờ sông Hằng, sau đó thọ ngũ giới, đảnh lễ với Huyền Trang, rồi cùng nhau rời đi.

Tấm lòng thiện lương của Huyền Trang đã làm cảm động trời đất; Thần Phật cũng vì thế mà luôn giúp đỡ để ông có thể hoàn thành ước nguyện của mình. 

Theo Epoch Times