Đinh Tiên Hoàng được xem là người xưng hoàng đế đầu tiên ở Việt Nam, ông tài năng sáng suốt nhưng lại ở ngôi chỉ được 12 năm.

Vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt

Đinh Tiên Hoàng, họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình), con của thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ. Vua là người tài năng sáng suốt, dũng cảm mưu lược; có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc.

Đinh Tiên Hoàng là ai; Vua Đinh Tiên Hoàng đóng đô ở đâu; Vua Đinh Tiên Hoàng bị ám sát
Vua từ nhỏ đã thông minh hơn người (ảnh minh họa Soha)

Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng?”

Nhà sư dự ngôn

Trước đây, thuở còn hàn vi, vua thường đánh cá ở sông Giao thủy. Một lần nọ, vua kéo lưới lên được một viên ngọc khuê to, nhưng vì va vào mũi thuyền nên bị sứt mất một góc. Đêm ấy vua vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Khi vua đang ngủ thì trong giỏ cá có ánh sáng lạ, sư thầy trong chùa thấy vậy liền gọi vua dậy hỏi duyên cớ. Vua nói thực và lấy ngọc ra cho sư xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài”.

Thế mới hay mọi sự đều có an bài, nhưng tại sao vua không ở ngôi được lâu? 

Lập 5 hoàng hậu, làm loạn luân thường

Vua lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cổ Quốc, Ca Ông. Việc này thật lạ và trước nay chưa từng thấy. Thông thường sẽ chỉ có một hoàng hậu, còn lại đều là thê thiếp. Vua làm vậy chính là nhiễu loạn luân thường, và mối họa cũng bắt đầu nhen nhóm từ đây.

Đề vua Đinh Tiên Hoàng; Đinh Bộ Lĩnh có công gì; Đinh Bộ Lĩnh là ai
Vua có công dẹp loạn 12 sứ quân (ảnh minh họa Danviet)

Về việc này, sử gia Lê Văn Hưu nói: “Trời đất cùng che chở, mặt trời mặt trăng cùng chiếu soi, mới sinh thành muôn vật, nảy nở mọi loài. Cũng như hoàng hậu sánh với ngôi vua, cho nên mới có thể đứng đầu tiêu biểu cho nội cung, tác thành cho thiên hạ. Từ xưa chỉ lập [hoàng hậu] một người để chủ việc nội trị mà thôi; chưa từng nghe nói lập đến 5 người. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nổi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậu. Sau đến 2 triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy”.

Để con thứ nối ngôi

Năm Mậu Dần 978, vua lập con út là Hạng Lang làm hoàng thái tử; phong con thứ là Toàn làm Vệ vương. Đến năm Kỷ Mão 979, Nam Việt Vương Đinh Liễn giết hoàng thái tử Hạng Lang. Liễn là con trưởng của vua. Thuở hàn vi đã cùng vua chịu gian khổ. Đến khi định được thiên hạ, ý vua cũng muốn truyền ngôi cho nên mới phong làm Nam Việt Vương. Nhưng sau khi vua sinh được con út Hạng Lang thì lại lập làm thái tử, cũng vì quá yêu quý con út. Đinh Liễn vì bất bình nên mới sai người ngầm giết đi.

Trước đây, khi vua lập 5 hoàng hậu, cũng đủ thấy vua không xem trọng vấn đề tôn ti trật tự; để đến sau này lập thái tử thì vua vẫn một ý tùy thích làm theo tình riêng. Hậu họa cũng là từ những điều nhỏ nhặt như vậy mà thành.

Hai cha con Đinh Tiên Hoàng đều bị ám sát

Sử thần Ngô Sĩ Liên đã bàn về việc này: 

“Nối ngôi dùng con đích là đạo thường muôn đời, bỏ đạo ấy, chưa từng không gây loạn. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, thì trước hết chọn người có công, hoặc con đích trưởng quá ác phải bỏ thì sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng đắn, người xưa vẫn từng làm. 

Nam Việt Vương Liễn là con trưởng, lại có công, chưa thấy lầm lỗi gì. Tiên hoàng yêu con thứ mà quên con trưởng, cho như thế mới đủ tỏ tình yêu quý, không biết như thế là làm hại con. Liễn lại nhẫn tâm, đến nỗi giết em, thiên đạo nhân luân mất hết, chuốc họa chết thiệt thân, còn liên lụy cả cha nữa, há chẳng rùng rợn lắm thay!”

Tháng 11 (âm lịch) năm 979, Đỗ Thích, một viên quan ở Đồng Quan, nằm mơ thấy sao sa rơi vào miệng. Thích cho đó là điềm lành nên nảy ra ý định giết vua. Một ngày nọ, nhân lúc vua ăn yến tiệc ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết; lại giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn. 

Đinh Bộ Lĩnh bị ám sát; Đinh Bộ Lĩnh đánh giặc nào; Loạn 12 sứ quân là gì
Đền thờ vua Đinh ở Ninh Bình (ảnh: Pinterest)

Triều đình ra lệnh lùng bắt hung thủ rất gắt. Thích núp ở máng nước trong cung 3 ngày. Đến khi khát quá không chịu được, nhân lúc trời mưa to mới thò tay ra hứng nước uống. Cung nữ trong cung nhìn thấy mới đi báo. Cuối cùng Thích bị Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt và sai đem chém đầu.

Lời dự ngôn ứng nghiệm

Vậy là hai cha con Đinh Tiên Hoàng đã bỏ mạng một cách rất đơn giản như vậy. Người ta có thể nói là ngẫu nhiên, nhưng theo như lời dự ngôn của vị sư chùa thì chẳng phải đã ứng nghiệm hay sao?

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng: 

“Đế vương dấy nghiệp không ai không nhờ ở trời. Nhưng thánh nhân không cậy có mệnh trời mà làm hết phận sự của mình. Việc đã thành, lại càng lo nghĩ đề phòng. Sửa sang lễ nhạc hình án chính sự là để phòng giữ lòng người. Đặt nhiều lần cửa, đánh hiệu canh là đề phòng kẻ hung bạo. Bởi vì lòng dục không cùng, việc đời không bến, không thể không đề phòng trước. Đó là nghĩ xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu cũng chính là ở đó. Cho nên Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc người, không phải mệnh trời không giúp”.  

Người xưa nói “Đức năng thắng số”, tiếc là vua Đinh Tiên Hoàng liên tiếp làm rối luân thường nên đành phải chấp nhận số phận của mình.