Y học cổ đại bàn về tác hại của phóng túng dục vọng
Người nay đến 50 tuổi là đã bắt đầu già yếu, không như người xưa đến 100 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, nguyên nhân cũng bởi phóng túng dục vọng.
Người thời xưa sống đến 100 tuổi mà vẫn khỏe mạnh, cử động linh hoạt, ít bệnh tật. Trong khi người thời nay chỉ mới 50 tuổi đã bắt đầu già yếu, bệnh tật khắp thân. Ngoài các yếu tố về môi trường và hoàn cảnh sống, còn một nguyên nhân lớn khiến sức khỏe người thời nay kém xa thời xưa, đó là phóng túng dục vọng. Y học cổ đại đã nói rất rõ về tác hại của việc này.
Nội dung chính
Phóng túng dục vọng gây nên bệnh tật
Trong “Tả truyện” có chép lại một câu chuyện, kể rằng vào năm Chiêu Công đầu tiên, Tấn Hầu (Tấn Bình Công) thỉnh cầu nước Tần cho một lương y giỏi, và Tần Bá đã cử Y Hòa đi đến đó.
Y Hòa sau khi khám bệnh cho Tấn Hầu thì nói: “Bệnh này không trị được. Bệnh này giống như là ‘cổ’ (con sâu độc). Không phải vì ma quỷ, không phải vì bỏ ăn, mà là vì gần gũi nữ sắc, bị mê hoặc mà mất hết ‘ý chí'”.
Tấn Bình Công hỏi: “Nữ sắc không thể gần gũi sao?”
Y Hòa đáp: “Phải tiết chế. Thánh vương đời trước sáng tạo âm nhạc (chữ ‘Nhạc’ – 樂 cùng chữ ‘Dược’ – 藥 có liên quan đến nhau) là vì để tiết chế trăm điều. Sở dĩ âm nhạc có 5 loại âm tiết ‘cung, thương, giốc, chủy, vũ’, nhịp điệu nhanh chậm trước sau ăn khớp, đạt đến âm tiết liền hạ xuống, sau khi giáng xuống 5 lần thì không thể gảy tiếp. Nếu lại chơi tiếp, thủ pháp của người sẽ phiền loạn, xuất hiện tà âm, hoặc loạn tâm thần, tràn ngập hai lỗ tai; khiến người đánh mất ôn hòa. Quân tử không nghe loại âm nhạc này”.
Sinh hoạt vợ chồng phải có tiết chế
“Người đối với sự vật cũng là đạo lý này. Khi sự vật khiến cho con người phiền loạn, thì điều nên làm là bỏ qua nó; như vậy thì sẽ không bị bệnh. Cuộc sống vợ chồng hài hòa, phải dùng lễ nghi để tiết chế; tuyệt đối không phải dùng để mê hoặc tâm thần.
Nữ sắc trong phòng không chỉ khiến các giác quan bị kích thích dẫn đến thân thể nóng ran, nó còn khiến cho con người có vẻ già nua nặng nề, dẫn đến tâm thần rối loạn. Nếu không tiết chế thì sẽ sinh ra bệnh độc ở bên trong. Bây giờ quốc vương ngài phóng túng vô độ, chẳng phân biệt ngày đêm; cũng không tiết chế ham muốn, lại không thuận theo thiên thời. Trách sao bệnh tật không nặng đến mức như này?”
“Hoàng Đế nội kinh”: Vì sao con người sau 50 tuổi lại bắt đầu già đi?
Hoàng Đế hỏi: “Ta nghe nói, người thượng cổ thọ mệnh đều vượt quá 100 tuổi mà hoạt động không giảm; người ngày nay mới quá 50 thì hoạt động đều yếu đi. Đây là bởi vì sự thay đổi của thời đại? Hay là bởi vì con người lệch khỏi quỹ đạo?”
Kỳ Bá đáp:
“Những người thượng cổ kia hiểu biết đạo, làm theo âm dương, hợp với thuật số, ăn uống có tiết chế, cuộc sống thường ngày có quy luật, không tùy tiện phòng lao (ý nói việc tình dục quá độ); cho nên tinh thần liền với thân thể, tận hưởng tuổi trời, thọ mệnh vượt qua 100 năm mới qua đời.
Con người ngày nay không như vậy. Con người ngày nay uống rượu như nước; đem việc càn quấy làm thành bình thường. Say khướt vào phòng, lại buông thả dục vọng mà tiết ra âm tinh, mất hết thuần chân. Con người ngày nay không biết giữ gìn thận tinh đầy đủ; không biết thời thời ước thúc tâm thần, chỉ muốn vui vẻ phát tiết, làm điều ngang ngược. Cuộc sống thường ngày không có quy luật, cho nên hơn 50 tuổi đã bắt đầu già yếu”.
“… Người thượng cổ chí hướng cao, dục vọng ít, tâm thái an ổn, không sợ hãi, thân thể làm lụng, tinh thần không mệt, tâm bình khí thuận, đều cảm thấy thỏa mãn. Cho nên người thượng cổ ăn ngon ngủ say, mặc quần áo thoải mái, cuộc sống vui vẻ, không so đo tính toán, ai cũng đều thuần phác”. “Người thượng cổ sở dĩ đều vượt quá 100 tuổi mà hoạt động không suy giảm, là vì sinh hoạt có đạo đức, bệnh tật không tạo thành nguy hiểm”.
“Thiên kim yếu phương”: Tôn Tư Mạc cảnh báo ông lão 70 tuổi
Trong những năm Trinh Quan đầu tiên, có một ông lão ở quê đã hơn 70 tuổi đi đến hỏi Tôn Tư Mạc: “Mấy ngày qua tôi thấy dương khí của mình càng ngày càng mạnh. Ban ngày cũng muốn ngủ cùng vợ. Lão già tôi không biết sao lại như thế, chẳng hay là việc tốt hay xấu?”
Tôn Tư Mạc đáp: “Đây là điều chẳng lành! Ông không biết ngọn đèn dầu sao? Ngọn đèn dầu đến lúc dầu sắp cạn, đầu tiên sẽ tối dần, sau đó lại bùng sáng lên, và lập tức tắt hẳn. Hôm nay ông tuổi tác đã cao, bước vào những năm cuối của cuộc đời, nên phải bế tinh dứt dục; bỗng nhiên xuân tình bạo phát, chẳng phải là khác thường hay sao? Tôi thực là lo lắng cho ông đó! Ông nhất định phải cẩn thận!” Ông lão không cho thế là đúng, và rồi 40 ngày sau phát bệnh mà qua đời.
Tôn Tư Mạc nói: “Trường hợp giống như vậy cũng không phải là ít. Tôi tạm thời ghi chép lại một ví dụ, dùng để cảnh báo con người tương lai”.
Phóng túng dục vọng là họa diệt thân
“Người giỏi dưỡng sinh, phàm là thấy khí dương dồi dào thì nhất định phải cẩn thận mà ức chế nó; không thể phóng túng sắc dục mà thương tổn tới mình. Nếu như một lần ức chế sắc tâm, thì là một lần hỏa diệt, một lần thêm dầu; nếu như không ức chế sắc tâm, thỏa thích tiết tinh, thì chẳng khác nào ngọn đèn dầu sắp tắt mà lại liên tục lấy bớt dầu đi, chuyện này làm sao có thể không đề phòng! Điều đáng buồn là con người vào thời thiếu niên không biết đạo ý này; cho dù biết cũng không tin theo mà thực hành. Người đến tuổi già mới biết đạo lý này thì cũng muộn rồi”.
Xã hội hiện đại sắc tình tràn lan, dường như muốn cổ vũ con người ta phóng túng thêm nữa. Dục vọng như cái động không đáy, có rồi lại còn muốn thêm. Phóng túng dục vọng khiến tinh thần bị tổn hại, ý chí suy nhược, đạo đức, lễ nghi cũng cứ buông lỏng dần, cuối cùng là tự hủy hoại bản thân.
Vậy nên, ngàn vạn lần chớ nên phóng túng dục vọng. Câu thúc bản thân, giữ vững đạo đức, tự nhiên tinh thần sẽ vui tươi và tận hưởng được niềm hạnh phúc lớn hơn.
Theo Epoch Times