4 lần gả con gái đều không như ý, viên quan rút ra bài học xương máu
Viên quan gả con gái chỉ nhìn vào gia thế của con rể, nhưng cuối cùng hôn nhân đều không hạnh phúc khiến ông rút ra được nhiều bài học.
Tăng Quốc Phiên là một danh thần nổi tiếng vào thời nhà Thanh. Ông vừa giỏi dùng binh lại thông tường nho học. Ông không những thành tựu được sự nghiệp của bản thân mà còn để lại những lời giáo huấn rất sâu sắc cho hậu thế.
Vậy nhưng khi chọn con rể cho con gái, ông đã bốn lần liên tiếp không được như ý. Ông chọn con rể yêu cầu phải môn đăng hộ đối, gia phong truyền thừa, hiểu tận gốc rễ.
Địa vị gia đình phải tương đương, không thể chênh lệch quá lớn; gia phong phải tốt, tính tình cha mẹ cũng phải tốt; hiểu tận gốc rễ, đối với sui gia cũng phải biết đôi chút, không chọn người xa lạ.
Ông tự mình chọn con rể cho 4 người con gái của mình. Kết quả cả 4 người đó đều không hạnh phúc. Nguyên nhân của việc này đáng để cho mỗi bậc cha mẹ suy nghĩ một chút.
Nội dung chính
1. Người nhân phẩm không đứng đắn không thể gả
Con gái lớn của Tăng Quốc Phiên là Tăng Kỷ Tịnh, được gả cho Viên Du Sinh. Viên Du Sinh là con trai của Viên Phương Anh, một nhà tri thức thời nhà Thanh. Tăng Quốc Phiên và Viên Phương Anh là bạn thân của nhau. Ông thấy con trai 6, 7 tuổi Viên Du Sinh của Viên Phương Anh thông minh lanh lợi, vì vậy kết làm oa oa thân (chỉ việc nam nữ được cha mẹ quyết định việc hôn sự khi còn nhỏ).
Hai người tính ra là môn đăng hộ đối, Viên Phương Anh gia giáo nghiêm khắc. Tăng Quốc Phiên cảm thấy cuộc hôn nhân này nhất định sẽ không có vấn đề gì.
Nhưng chẳng may Viên Phương Anh mất sớm, Viên Du Sinh không có người quản giáo thì nhanh chóng sa đọa. 17, 18 tuổi không chịu học hành gì, ăn chơi lêu lổng. Tài sản gia đình cũng vì thế mà sớm đội nón ra đi; thậm chí còn mang sách vở của cha đi bán sạch.
Rất khó cải biến một người
Tăng Quốc Phiên cho anh một chức vụ trong quân đội, với ý định giáo dục anh ta. Làm như vậy để không phụ lòng sui gia, hơn nữa cũng không có lỗi với con gái.
Nhưng Viên Du Sinh lại không biết hối cải, tham ô quân lương, lấy tiền công quỹ. Tăng Quốc Phiên không còn cách nào khác, buộc phải đuổi anh ta khỏi quân đội.
Bởi vì thời đó không cho phép ly hôn, Tăng Kỷ Tịnh buộc phải theo Viên Du Sinh trở về nhà; thân tâm mệt mỏi đau khổ, 29 tuổi buồn bực mà qua đời.
Nhân phẩm là giấy thông hành của một người, nhân phẩm không tốt, nửa bước cũng khó đi.
2. Người cố chấp, nóng nảy không thể gả
Con gái thứ hai của Tăng Quốc Phiên là Tăng Kỷ Diệu được gả cho Trần Tùng Niên. Trần Tùng Niên là con trai của Trần Nguyên Duyễn. Trần Nguyên Duyễn và Tăng Quốc Phiên đều ở trong viện hàn lâm, cũng coi như là môn đăng hộ đối.
Nhưng Trần Tùng Niên tính cách có thiếu sót, rất nóng nảy, động một tí là nổi giận. Sau khi Tăng Kỷ Diệu được gả cho anh ta, nàng cả ngày cứ bị ấm ức. Đánh không được đánh lại, chửi không được chửi lại, ngậm bồ hòn làm ngọt.
Cuộc sống như vậy không có một chút vui vẻ nào, Tăng Kỷ Diệu cứ héo hon dần rồi rời trần thế khi mới 39 tuổi.
Nhân phẩm là thứ nhất thì tính tình lại là thứ nhì. Nhân phẩm là cái gốc để lập thân ngoài xã hội, tính tình lại là cơ sở để hai vợ chồng có thể sống hòa thuận với nhau.
Một người chưa khống chế được cảm xúc của mình thì chưa thể gọi là một người trưởng thành; kết bạn với người như thế đã rất mệt mỏi, kết làm vợ chồng thì càng thêm muộn phiền.
3. Người không có chính kiến không thể gả
Con gái thứ ba Tăng Kỷ Sâm được gả cho La Duẫn Cát. La Duẫn Cát là con trai của La Trạch Nam, một vị tướng quân dũng mãnh. La Trạch Nam học vấn tu dưỡng đều cao, cầm binh cũng rất giỏi.
Theo lý thuyết mà nói thì La Duẫn Cát cũng không đến nỗi quá tệ. Nhưng La Duẫn Cát được mẹ cưng chiều từ nhỏ, không có nghiêm khắc quản giáo, tính tình ương bướng.
Mẹ chồng của Tăng Kỷ Sâm là một người rất nóng tính, thường xuyên quát mắng nàng, chưa bao giờ tỏ ra tôn trọng nàng. Mặc dù trong nhà có người làm nhưng cứ bắt Tăng Kỷ Sâm phải tự thân đi giặt đồ, nấu ăn, ngày nào cũng vất vả làm lụng.
La Duẫn Cát đối với việc này thì làm như không thấy, nhất nhất nghe theo lời mẹ. Về sau La Duẫn Cát ra ngoài làm ăn và chết ở xứ người. Tăng Kỷ Sâm phải sống cô độc cho hết quãng đời còn lại.
Người chồng phải có chính kiến thì mới bảo vệ được gia đình. Cũng như cái cột vững chắc chống đỡ cho mái nhà, nếu không thì nó lung lay không ngừng, rồi sẽ sụp đổ một sớm một chiều.
4. Thân thể quá yếu không thể gả
Con gái thứ tư Tăng Kỷ Thuần được gả cho Quách Y Vĩnh. Quách Y Vĩnh là con trai của Quách Tung Đảo, bạn thân thiết của Tăng Quốc Phiên.
Hai nhà môn đăng hộ đối, Quách Y Vĩnh nhân phẩm đều tốt, năng lực cũng mạnh, chỉ có một vấn đề duy nhất là thân thể quá yếu.
Tăng Kỷ Thuần gả qua được 3 năm thì chồng đã qua đời. Nàng cực khổ nuôi dưỡng hai người con trai. Năm 35 tuổi thì mắc bạo bệnh mà qua đời.
5. Cô con gái duy nhất được hạnh phúc
Tăng Quốc Phiên có 5 người con gái, trong đó chỉ có hôn nhân của cô con gái nhỏ Tăng Kỷ Phân là được hạnh phúc.
Bởi vì hôn nhân của 4 người con gái trước quá bi thảm. Tăng Quốc Phiên lần này đã bớt cứng nhắc hơn, không quá chấp niệm về vấn đề môn đăng hộ đối.
Con gái thứ 5 được gả cho Nhiếp Tập Quy. Cha của Nhiếp Tập Quy chỉ là một tiểu quan, cũng không có quan hệ thân thiết với Tăng Quốc Phiên. Nhiếp Tập Quy đi thi nhiều lần mà không đỗ. Có thể nói là gia thế không được tốt lắm, học vấn cũng bình thường.
Nhưng Nhiếp Tập Quy làm việc thiết thực, nhân phẩm đáng tin. Về sau anh làm quan đến Tuần phủ; cùng Tăng Kỷ Phân tình cảm hòa hợp, tương kính như tân. Con cháu Tăng Kỷ phân đông vui, sống thọ đến 90 tuổi.
Có thể thấy, gia thế giàu có như mây khói. Nhân phẩm, năng lực, tính tình của một người mới là quan trọng.
Nhân phẩm đáng tin, tính tình ổn định, làm việc thiết thực, tình cảm hài hòa, một người như vậy mới xứng đáng để gả con gái cho.
Theo 360doc