Cư xử đúng mực với người thân, người quen và người lạ
Đối nhân xử thế chính là trong các mối quan hệ với người thân, người quen và người lạ, cư xử đúng mực thì đường đời sẽ luôn thuận lợi.
Triết gia người Đức Schopenhauer từng nói: “Con người giống như những con nhím trong mùa đông giá lạnh, nếu ở quá gần nhau chúng sẽ bị châm chích; nếu ở quá xa chúng sẽ cảm thấy lạnh lẽo”.
Vậy nên có thể cân bằng các mối quan hệ với người thân, người quen và người lạ thì cuộc sống của bạn sẽ luôn thuận buồm xuôi gió. Đối với người thân phải trân trọng, yêu thương; đối với người quen phải quan tâm, hỏi han; đối với người lạ phải thiện lương, tận tình giúp đỡ.
Nội dung chính
1. Đối với người thân phải tôn trọng, yêu thương
Người thân là những người gần gũi nhất đối với chúng ta. Nhưng cũng vì quá thân thiết mà dễ dẫn đến việc thiếu tôn trọng lẫn nhau. Càng sống với nhau lâu lại càng phóng túng, dần dần trở thành không còn kiêng nể gì. Người ta vẫn nói “Thái cực sinh bĩ”, thứ gì quá đi thì cũng sẽ dẫn đến những điều không hay.
Chúng ta thường đối xử với người ngoài rất lịch sự, nhưng lại thiếu kiên nhẫn đối với người thân yêu của chính mình. Bạn ở ngoài gặp chuyện phiền muộn vẫn có thể cố gắng vui vẻ mỉm cười. Nhưng khi về nhà, chỉ một chuyện nhỏ nhặt cũng có thể nổi giận lên với người thân.
Có người nghĩ, vì là người thân nên đối phương sẽ bao dung cho mình. Nhưng con người ai cũng có giới hạn, tổn thương quá nhiều thì một lúc nào đó tình thân cũng phải chia lìa.
“Nữ hoàng gõ cửa”
Ở Anh có một câu chuyện về “Nữ hoàng gõ cửa”. Kể rằng, nữ hoàng Victoria cãi nhau với chồng. Người chồng tức giận bỏ về phòng ngủ và ở yên trong đó.
Khi nữ hoàng trở về phòng ngủ không biết làm sao đành phải gõ cửa. Người chồng ở bên trong hỏi “Ai?”. Nữ hoàng đứng ở bên ngoài nói giọng thách thức: “Nữ hoàng”. Người chồng không mở cửa, cũng không có bất kỳ tiếng hồi đáp nào.
Nữ hoàng lại phải gõ cửa lần nữa, người chồng lại hỏi: “Ai!” Nữ hoàng đáp: “Victoria”. Người chồng cũng không có động tĩnh gì.
Nữ hoàng đành phải gõ cửa thêm lần nữa. Bên trong lại có tiếng hỏi: “Ai?”. Nữ hoàng hạ giọng nói: “Vợ của chàng”. Lần này cánh cửa rốt cuộc đã mở ra.
Có người nói: “Bắt bẻ đối với người thân là bản năng, nhưng khắc phục bản năng, không xoi mói người thân lại là giáo dưỡng”.
Hãy duy trì sự lịch sự và tôn trọng cơ bản nhất, như vậy thì mối quan hệ mới có thể bền lâu.
2. Đối với người quen phải quan tâm, hỏi han
Giữa người với người cũng không phải là một bó củi đứng lẻ loi, nó giống như một vòng tròn gợn sóng hình thành trên mặt nước sau khi một viên đá được ném xuống. Mỗi người đều là trung tâm của gợn sóng và sẽ giao thoa với những gợn sóng khác. Mối quan hệ trong xã hội chính là như vậy.
Có người ngại nhờ vả người khác, chính là không muốn gây phiền phức cho họ. Tuy nhiên, không phiền toái thì mối quan hệ cũng không thể được kiến lập. Người ta vẫn nói “nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”, quan hệ giữa người với người mà quá thận trọng thì cũng khó mà phát triển.
Có người nói rằng, cách tốt nhất để biến một mối quan hệ quen biết trở thành thân thiết đó là mượn một quyển sách. Bởi vì có mượn thì sẽ có trả, như vậy thì sẽ có qua có lại. Tương tác chính là điểm cốt yếu để cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
Ngày nay có nhiều phương thức để kết nối, giao tiếp, nhưng người ta dường như lại rất ngại hỏi han người quen; mỗi người đang dần co cụm trong thế giới riêng của mình. Nếu không có tương tác thì người quen cũng dần trở thành xa lạ.
3. Đối xử thiện lương với người lạ
Tô Thức bị giáng chức đi Huệ Châu hơn một năm; con trai cả của ông là Tô Mại ở lại Nghi Hưng. Khoảng cách hai nơi xa xôi, lâu ngày không liên lạc, cả hai cha con đều rất lo lắng cho nhau.
Một ngày nọ, Tô Mại đi chùa Định Tuệ cầu phúc, tâm sự với trưởng lão trong chùa. Trưởng lão sau khi biết chuyện thì cũng chỉ có thể cảm thán, nhưng lại không có cách nào để giúp đỡ.
Nhà sư Trác Khế Thuận đứng bên cạnh trưởng lão nói với Tô Mại: “Anh đưa bức thư cho tôi. Tôi sẽ đi Huệ Châu giao cho cha anh”.
Trưởng lão quay đầu nhìn Trác Khế Thuận, hỏi rằng: “Nói dễ vậy sao, anh có biết Huệ Châu xa lắm không?”
Trác Khế Thuận nghiêm túc nói: “Huệ Châu cũng không phải trên trời, cứ đi rồi khắc sẽ đến thôi”. Nói xong liền đi chuẩn bị hành trang, mang theo thư từ của Tô Mại và những người khác viết cho Tô Thức. Sau đó liền lên đường.
Chân thành sẽ khiến người khác cảm động
Trác Khế Thuận vừa đi vừa hóa duyên, sau hơn 3 tháng thì cuối cùng cũng đến Huệ Châu. Nhờ vào sự chỉ dẫn của người đi đường, Trác Khế Thuận đã trao tận tay bức thư cho Tô Thức.
Sẵn lòng giúp người xa lạ, sự thiện lương, ấm áp đã kéo mọi người lại gần với nhau; từ xa lạ lại thành quen biết, từ quen biết rồi thành thân thiết. Chỉ cần bạn chân thành, người lạ cũng có thể trở thành người quen.
Cư xử đúng mực trong các mối quan hệ cũng là thể hiện của một người có tu dưỡng, người như vậy ai cũng muốn gần gũi, đường đời tự nhiên sẽ thênh thang.
Theo 360doc