Gia đình hạnh phúc thì phải sống động chứ không phải lạnh lẽo buồn tẻ. Đặc biệt nếu có 3 ‘tiếng ồn’ này thì đó là một gia đình có phúc khí.

1. Tiếng va chạm của nồi chén, đây là hương vị của gia đình

Bản giao hưởng của nồi niêu xoong chảo, tấu lên những đắng cay ngọt bùi của cuộc sống. Đây là hương vị của gia đình, dù đi đến nơi nào đều khiến cho lòng người cảm động.

Vợ chồng nhà văn nổi tiếng Trung Quốc là Tiền Chung Thư và Dương Giáng từng có thời gian du học ở Anh. Hai vợ chồng thuê nhà của người khác để ở. Chủ nhà phục vụ 4 bữa một ngày: Bữa sáng, bữa trưa, bữa trà chiều và bữa tối.

Mỗi ngày đều có cơm sẵn để ăn. Hai người lúc đầu thấy rất vui vẻ, nhưng càng về sau thấy càng tệ. Bao tử người Hoa ăn không quen với những “hương vị ngoại” đó. Một hai ngày thì còn được, thời gian lâu thì bắt đầu ăn không đủ no.

Bà Dương Giáng thấy như vậy là không ổn, vì vậy mới tạm biệt chủ nhà và thuê một nơi khác có thể nấu ăn. Với căn bếp của riêng mình, Tiền Chung Thư liền nói muốn ăn thịt kho. Không có dao thớt, hai người mượn một cái kéo lớn. Họ loay hoay một hồi lâu mới cắt ra được mấy miếng thịt nhìn tạm được. Vặn lửa thật to, đảo đều tay, cuối cùng họ đã tìm lại được hương vị quê nhà.

Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta càng thêm lười biếng

Cuộc sống của chúng ta càng ngày càng hiện đại, đi ra ngoài thì nhìn đâu cũng có chỗ để ăn. Thậm chí còn giao hàng đến tận nhà; việc này đã làm cho chúng ta càng ngày càng lười biếng.

Gia đình hạnh phúc là gì; Gia đình hạnh phúc là như thế nào; Hạnh phúc là gì
Tiếng nồi niêu xoong chảo là hương vị của gia đình (ảnh minh họa Adobestock)

Có người một ngày 3 bữa đều là ăn bên ngoài. Tủ lạnh trống trơn hầu như không nấu nướng gì, may ra thì có chủ nhật mới nấu ăn một bữa. Nhà bếp trở thành vật trang trí, và ngôi nhà đã trở thành quán trọ, chỉ là một nơi để ngủ vào ban đêm.

Ăn bên ngoài chỉ có thể lấp đầy dạ dày nhưng không thể mang lại hương vị gia đình. Cả nhà cùng nhau nấu cơm, đó mới là niềm vui của cuộc sống gia đình. Trong phòng bếp ra ra vào vào, nồi chén vang lên, âm thanh xào nấu, mùi đồ ăn thơm phức… Đây mới là hình ảnh nên có của một gia đình.

2. Tiếng càm ràm của cha mẹ, đây là sự ấm áp của gia đình

Khi còn nhỏ, chúng ta thường thấy phiền khi cha mẹ cứ càm ràm bên tai. Lúc đó chỉ mong sao lớn thật nhanh để có thể thoát khỏi sự ràng buộc của cha mẹ.   

Nhưng khi lớn lên rồi mới hiểu ra, gọi một tiếng “cha, mẹ” mà có tiếng hồi đáp thì đã là hạnh phúc lắm rồi. 

Những lời ân cần hỏi han, đều là sự quan tâm thiết tha của cha mẹ. Một gia đình có tiếng càm ràm của cha mẹ, đây mới là sự ấm áp của gia đình. Chỉ đến khi cha mẹ mất rồi chúng ta mới cảm thấy được sự lạnh lẽo và nhớ nhung những lời dạy bảo của cha mẹ khi xưa.

Hạnh phúc gia đình; Hạnh phúc gia đình là gì; Nấu ăn trong gia đình
Trong mắt cha mẹ thì con cái vẫn luôn còn khờ dại (ảnh minh họa Adobestock)

Con người dù có sống đến 80, 90 tuổi, nhưng nếu vẫn còn mẹ bên cạnh thì vẫn có thể trẻ con một chút. Mất mẹ rồi thì cũng như bông hoa cắm trong bình; tuy có sắc có hương, nhưng đã mất đi gốc rễ. Có mẹ bên cạnh thì lòng lúc nào cũng an ổn.

Trong mắt cha mẹ, con cái luôn là những đứa trẻ không bao giờ lớn. Điều mà cha mẹ không bao giờ muốn nhìn thấy, đó là con cái phải chịu khổ. Điều cha mẹ mong muốn nhất là con mình được hạnh phúc.

Vì vậy hãy trân quý thời gian khi cha mẹ còn kề bên; kiên nhẫn lắng nghe từng lời họ nói, ngồi xuống và trò chuyện với họ một lúc.

3. Tiếng đọc sách của trẻ con, đây là sinh cơ của gia đình

Con cái là sợi dây gắn kết của gia đình, là huyết mạch truyền thừa, cũng là niềm hy vọng cho tương lai.     

Gia tộc Bùi Thị ở Hà Đông (Trung Quốc) truyền thừa hơn 2.000 năm, thật hiếm có trên đời. Trong gia phả của dòng họ, đã có 59 vị tể tướng, 59 vị tướng quân. Gần 1.000 người nổi tiếng trong lịch sử; làm quan thất phẩm trở lên cũng có hơn 3.000 người.

Trong dòng tộc có một quy định: Người không thi đậu tú tài không được vào nhà thờ tổ tiên.

Bùi gia từ trên xuống dưới, vô luận là già hay trẻ, tay không rời quyển sách. Tể tướng Bùi Viêm thời Võ Tắc Thiên, năm xưa tại Hoằng Văn quán đọc sách. Mỗi khi có ngày nghỉ, những bạn học đều đi ra ngoài vui chơi, chỉ có ông vẫn đọc sách không ngừng.

Nấu ăn ngon trong gia đình; Dạy dỗ con cái; Dạy dỗ con nên người
Tiếng con trẻ đọc sách là sinh cơ của gia đình (ảnh minh họa Pinterest)

Triều đình tìm người hiền đức, tiến cử ông làm quan, lại bị ông từ chối, lấy lý do là “sách đọc chưa xong”. Ông chăm chỉ học hành 10 năm, về sau tự mình thi đậu khoa cử.

Đọc sách có thể thay đổi vận mệnh

Danh tướng Bùi Hưu thời Đường Tuyên Tông, thuở nhỏ cùng hai người anh em đi học. Ban ngày bàn luận kinh sách, ban đêm nghiên cứu thơ phú, nhiều năm không ra khỏi nhà. Về sau anh em ba người đều thi đỗ tiến sĩ.

Đọc sách có thể cải biến vận mệnh gia đình, cũng có thể cải biến cả đời của con trẻ. Một gia đình thường xuyên nghe thấy tiếng trẻ đọc sách, điều này nói lên rằng gia đình này rất coi trọng giáo dục. Trẻ nhỏ yêu thích học tập, vậy nhà này rất có khả năng sẽ hưng vượng.

3 ‘tiếng ồn’ này có thể hưng vượng gia nghiệp, thuận lợi cho con cháu, phúc khí cho gia đình. Nhà có 3 ‘tiếng ồn’ này chắc hẳn sẽ là một gia đình hạnh phúc.

Theo 360doc