“Đạo Đức Kinh” rất tôn sùng nước, cho rằng nước là thiện nhất. Từ những điều thiện của nước, chúng ta có thể rút ra 7 trí tuệ cho mình. 

Trong “Đạo Đức Kinh” có nói đến 7 điều thiện của nước: “Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trì, sự thiện năng, động thiện thì.” Nghĩa là: Ở thì khéo lựa nơi đất lành; lòng khéo giữ nơi bất động thâm sâu; cư xử với người thì một mực nhân ái; nói năng giữ chữ tín; trị dân thì giỏi; làm việc thì có hiệu quả; hành động thì hợp thời cơ.

Mượn hình tượng của nước để nói lên 7 trí tuệ cần có của một người. Trong đối nhân xử thế nếu cũng có thể làm được như nước thì cũng là gần với Đạo vậy.

1. Ở nơi đất lành

Nói theo cách thông thường thì ở nơi đất lành nghĩa là biết xác định vị trí thích hợp của bản thân, ở nơi mà bản thân nên ở. Điểm mấu chốt là phải biết tài năng, cá tính… của bản thân, từ đó mới đi đến quyết định. Phải xem nhân sinh quan của bản thân có phù hợp với nơi đó hay không; việc lựa chọn này sẽ quyết định đến cả cuộc đời của bạn. Nếu chúng ta không nhận thức rõ ràng về bản thân mà đứng ‘sai đội’ thì đường đời của chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trí tuệ là gì; Trí tuệ là sức mạnh; Nước là thiện nhất
Nước khéo làm ích cho muôn loài mà không tranh giành (ảnh minh họa Adobestock)

2. Lòng khéo giữ nơi bất động thâm sâu

Tâm cần trong sáng, tĩnh lặng như vực sâu, không dễ bị ngoại cảnh can nhiễu và ảnh hưởng. Trong xã hội vật chất ngày này, làm thế nào để không bị ô nhiễm bởi những thói hư tật xấu, không bị xã hội này làm nhiễu loạn? Việc này phải thông qua tu dưỡng, học tập, cảm ngộ, đề cao tâm tính, như vậy mới có đủ năng lực để chống lại những tác động bên ngoài.

3. Đối xử nhân từ với mọi người

Đối xử với mọi người phải có thiện tâm. Đối với kẻ mạnh thì tôn trọng, đối với kẻ yếu thì thấu hiểu và khen ngợi. Có người đối với kẻ mạnh thì hết sức tôn kính, nhưng đối với kẻ yếu lại tỏ ra xem thường; hoặc đối với kẻ yếu thì tỏ ra thân cận, đối với kẻ mạnh thì trong tâm bài xích. Đây không phải là nhân từ thực sự.

Có một câu nói rằng: Bạn dùng thái độ nào đối đãi với người khác, thì người khác cũng dùng thái độ đó để đối đãi với bạn. Nếu như đối với kẻ mạnh và yếu đều có thể dùng lòng nhân từ để đối đãi, như vậy thì có thể hội tụ được sức mạnh của đám đông, không việc gì là không thể hoàn thành.

Lão Tử nói về nước; Thượng thiện nhược thủy; Thượng thiện nhược thủy là gì
Khiêm tốn, nhún nhường mới gần với Đạo (ảnh minh họa Adobestock)

4. Nói năng phải giữ chữ tín

Thành tín là cái gốc để một người lập thân. Nếu không có chữ tín thì không thể có chỗ đứng trong xã hội. Người có tu dưỡng nhất định phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói; việc gì có thể làm được mới nói, không nên chỉ nói xong rồi để đó. Một khi đã đánh mất lòng tin của người khác thì rất khó có thể lấy lại được.

5. Trị dân giỏi

“Trị dân giỏi” ở đây là nói về khả năng dẫn dắt mọi người tốt, có tầm nhìn xa để kéo một tập thể đi lên và càng ngày càng phát triển. Lão Tử nói “trị nước lớn như nấu cá nhỏ”, một người quản lý giỏi phải giúp nhân viên phát huy được hết sở trưởng của mình; quản lý chặt nhưng lại dường như buông lơi; khiến mọi người có thể thoải mái làm việc mà không cảm thấy bị gò bó. 

Đạo của nước Lão Tử
Vì không tranh với ai nên không bị ai chê trách, oán thán (ảnh minh họa Adobestock)

6. Làm việc có hiệu quả

Làm việc không nhất thiết cứ phải vất vả cả ngày mà cần phải có hiệu quả. Muốn đạt được hiệu năng tốt thì chúng ta phải xác định được việc gì bản thân có thể làm và việc gì không thể làm. Xác định đúng khả năng của bản thân cũng là đang “thuận theo tự nhiên”; như vậy mọi việc sẽ tự nhiên mà thông thuận.

7. Hành động hợp thời cơ

Làm sao biết lúc nào bạn nên làm việc đó? Điều này phụ thuộc vào nhãn quang và kinh nghiệm của mỗi người. Đúng người, đúng việc, đúng thời điểm thì mọi việc đều thuận lợi. Để chọn được đúng thời cơ thì bạn phải không ngừng quan sát; trước khi định nói hay làm gì thì hãy suy nghĩ cho người khác trước, như vậy mới ít mắc phải sai lầm.

Nếu có được 7 trí tuệ này thì chúng ta cũng có thể thiện như nước, gần với Đạo, vô vi mà mọi sự tự nhiên thành.

Theo Aboluowang