Cha mẹ còn, cuộc đời còn có chỗ đến; cha mẹ mất, cuộc đời chỉ còn lối về
Điều hối tiếc nhất của người làm con chính là: “Con muốn phụng dưỡng nhưng cha mẹ không còn”, cha mẹ mất rồi con thành mồ côi…
Thời gian cuốn trôi tuổi thanh xuân và cũng lấy đi cha mẹ của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể nhìn cha mẹ dần dần già đi, dần dần tập tễnh, vụng về; dần dần quên đi chuyện cũ; cuối cùng trở thành như một đứa trẻ…
Đây là vòng đời của sinh mệnh, đồng thời cũng là cơ hội mà ông Trời đã ban cho chúng ta để có thể báo đáp công ơn cha mẹ. Cha mẹ nuôi nấng chúng ta lớn khôn, và chúng ta cần phải chăm sóc cha mẹ khi về già.
Bao dung cha mẹ của bạn lúc già, cũng như cha mẹ đã bao dung bạn khi còn nhỏ
Hãy kiên nhẫn lắng nghe và đừng ngắt lời khi cha mẹ lặp đi lặp lại một điều gì đó. Khi bạn còn nhỏ, cha mẹ đã phải lặp đi lặp lại hàng nghìn lần để dạy bạn nói được một chữ; đã phải kể đi kể lại một câu chuyện hàng trăm lần để có thể đưa bạn vào giấc ngủ. Cha mẹ đã hướng dẫn bạn bước trên đoạn đầu của đường đời; vậy bạn hãy dẫn cha mẹ đi hết đoạn cuối của cuộc đời.
Điều bất lực nhất của các bậc cha mẹ là mỗi ngày một già đi, dần dần bị giảm thị lực, tai nghe không còn được rõ, ký ức trở nên mơ hồ, hành động chậm chạp. Họ lo lắng bản thân sẽ trở thành gánh nặng cho con cái.
Khi cha mẹ bạn già yếu, thân thể và trí lực đều suy giảm, họ cứ nói đi nói lại về một việc, mong bạn hãy kiên nhẫn để lắng nghe. Cha mẹ không biết dùng điện thoại thông minh, hãy kiên nhẫn hướng dẫn họ. Cha mẹ ốm đau nằm viện, hãy cố gắng dành thời gian để ở bên cạnh họ… hãy làm giống như ngày xưa cha mẹ đã đối đãi với chúng ta.
Điều thương cảm nhất trên đời có lẽ là cha mẹ làm mọi cách để nuôi ta khôn lớn, nhưng chúng ta chỉ có thể đứng nhìn bóng lưng của cha mẹ cứ dần dần rời xa.
Lời nói dối ngọt ngào mà cay đắng
Cha của một người kia phải nằm viện, ông nhắn tin với con trai rằng: “Công việc quan trọng, đừng đến đây. Đến cũng vô ích, không giúp được gì, con cứ làm việc của con đi”. Người con trai quả thực cũng bận đến mức không đến được.
Về sau mẹ anh gọi điện nói: “Có bận rộn thế nào cũng phải đến gặp cha một chút. Ông ấy ngoài miệng thì nói thế, nhưng trong lòng thì cứ mong con đến”.
Anh con trai lúc này mới hiểu ra, câu nói “con cứ làm việc của con đi” là một lời nói dối vừa ngọt ngào vừa cay đắng…
Và chúng ta đã nghe quá nhiều câu nói dối từ khi còn nhỏ: “Mẹ không thích ăn cái này, con ăn nhiều một chút”; “mẹ rất khỏe, con đừng lo!”… dần dần chúng ta đã thực sự tin vào điều đó.
Chúng ta luôn bận rộn lớn lên, bận rộn làm việc, bận rộn xây dựng gia đình, bận rộn với những việc không tên… Nhưng chúng ta lại quên rằng cha mẹ đang dần già đi. Chúng ta có thể mua cho cha mẹ đủ thứ, nhưng lại thiếu đi sự bầu bạn.
Hãy báo hiếu khi còn có thể
Khổng Tử nói: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương”, nghĩa là: Cha mẹ còn sống, con cái không nên đi xa, nếu đi phải cho cha mẹ biết nơi đến. Có điều kiện thì nên ở bên cạnh cha mẹ, bầu bạn với họ khi về già. Hoặc nếu có đi đâu xa thì cũng phải thường xuyên gọi điện về cho cha mẹ.
Điều đáng tiếc nhất đời người có lẽ là: Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn. Vậy nên ngay lúc cha mẹ còn sống, hãy thường xuyên ở bên cạnh và chăm sóc họ,
Có người nói: “Sinh mệnh đến cuối đời, cũng giống như người đọc sách lúc hoàng hôn. Cứ đọc cứ đọc, không phát hiện ra ánh sáng tối dần. Mãi cho đến khi dừng lại nghỉ ngơi, lúc này mới phát hiện ra trời đã rất tối rồi. Lại cúi đầu đọc sách nhưng không còn nhìn thấy rõ nữa, các trang sách mơ hồ không còn ý nghĩa nữa”.
Nhân sinh ngắn ngủi, sớm còn thắm đỏ đôi gò má, chiều đã bạc phơ nửa mái đầu. Chúng ta cứ nghĩ là cha mẹ sẽ không bao giờ già đi, rằng chúng ta còn nhiều thời gian… Nhưng thực tế tàn khốc, chúng ta cứ sống dửng dưng thì rồi cũng có ngày chỉ còn biết hối hận mà thôi.
Cha mẹ còn, cuộc đời còn có chỗ đến; cha mẹ mất, cuộc đời chỉ còn lối về. Việc báo hiếu phải làm càng sớm càng tốt, cha mẹ không thể chờ đợi.
Tổng hợp