Có một điều nghịch lý là bạn thường đối xử tử tế với người ngoài nhưng lại rất dễ nổi nóng với người thân, tại sao lại như vậy?

Nhiều người nhận thấy họ rất dễ tính với người ngoài hoặc bạn bè, thậm chí còn thấy bản thân là người thân thiện, hòa đồng và không dễ mất bình tĩnh. Tuy nhiên khi họ đối diện với người nhà thì lại rất dễ nổi nóng. Điều này khiến mọi người tự hỏi, phải chăng bạn là người sống hai mặt? Hôm nay chúng ta hãy thử đi tìm hiểu nguyên nhân của việc này.

1. Chúng ta kỳ vọng quá cao ở người thân

Nhiều khi chúng ta dễ mất bình tĩnh với người nhà vì họ là những người thân thiết với chúng ta; vậy nên chúng ta luôn mong muốn người thân có thể hiểu được mình, biết được mình đã phải chịu đựng những gì hay yêu thích điều gì nhất. Và khi người nhà sơ suất vì một việc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy như cả thế giới đã bỏ rơi mình. Và kỳ vọng quá cao này sẽ khiến chúng ta rất dễ nổi nóng với người nhà.

Điều này thực ra khá vô lý, vì ngay cả chính bản thân bạn cũng chưa thể hiểu hết được con người bạn, nhưng bạn lại yêu cầu người thân phải hiểu được bạn từng chút một; thậm chí từng cử chỉ nhỏ bạn cũng muốn họ phải liễu giải được. 

Nổi nóng với người nhà; Nổi nóng với người thân; Nổi giận với người thân
Kỳ vọng quá cao dẫn đến thất vọng (ảnh minh họa Adobestock)

Vậy nên bạn hãy dễ dàng với người thân hơn một chút. Trong một vài tình huống, bạn hãy thử xem người thân như người ngoài; như vậy mọi chuyện sẽ êm đẹp và không có gì đáng để nổi giận cả.

2. Bạn cảm thấy áp lực quá lớn từ người thân

Kỳ thực, không chỉ bạn kỳ vọng quá cao ở người nhà, mà người nhà cũng có yêu cầu và kỳ vọng rất cao ở bạn. Lúc này bạn sẽ cảm thấy có áp lực. Và khi áp lực này quá lớn thì bạn sẽ như là một quả bom nổ chậm vậy, chỉ chờ ai động vào là bộc phát.

Người nhà kỳ vọng bạn có thể học hành tốt, sau này lớn lên kiếm được công việc ưng ý, lương cao, rồi lấy vợ lấy chồng sinh con. Khi mà bạn không thể làm được những điều này thì trong bạn có một tâm lý phản kháng; vậy nên chỉ cần ai nhắc đến những chuyện đó là đã đủ làm bạn nổi trận lôi đình.

Luôn nổi nóng với người thân; Nóng giận với người thân; Tức giận với người thân
Hãy dễ dàng với bản thân hơn một chút (ảnh minh họa Adobestock)

Tuy nhiên đây không hoàn toàn là do người nhà của bạn, mà vấn đề nằm ở chính bạn. Bạn cũng muốn làm được những điều mà gia đình kỳ vọng; do vậy khi không đạt được thì bạn cũng cảm thấy thất vọng và không muốn ai động vào nỗi đau này. 

Vì vậy bạn nên dễ dàng với bản thân hơn một chút. Đôi khi kỳ vọng của người nhà cũng quá cao và không hợp lý; bạn chỉ cần mỉm cười bỏ qua là được rồi, không nhất định cứ phải làm khó bản thân để rồi từ đó nổi nóng với gia đình.  

3. Chúng ta thường quá tùy tiện khi đối diện với người nhà

Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là “thoái lui” (regression), ý tứ là khi bạn gặp phải thất bại, bạn sẽ thoái lui và đối mặt với những thất bại và áp lực theo cách của một đứa trẻ. Lúc này bạn sẽ phơi bày bản chất thật của mình trước những người thân thiết nhất.

Vì bạn biết một điều, nếu bạn mắng một người ngoài, họ sẽ rời bỏ bạn và làm tổn thương bạn. Nhưng với người thân thì sẽ bình an vô sự, nếu bạn giận họ thì bạn sẽ được tha thứ; nếu bạn trút giận lên họ thì nhất định sẽ được quan tâm.

Tử tế với người ngoài; Chúng ta thường tử tế với người ngoài
Đừng trút cơn giận của bạn vào người thân (ảnh minh họa Adobestock)

Vì vậy bạn sẽ luôn hòa nhã với người ngoài, còn trước mặt người thân thì muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên, nhà là nơi để yêu thương chứ không phải là nơi để bạn trút bỏ những tâm trạng tồi tệ. Ai cũng có vấn đề của riêng mình, và sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn; đừng vì quá thân thiết mà lại không có chút kiêng nể gì.

Có người nói: “Tính khí tốt khi ở bên ngoài có thể chỉ là khéo léo xử thế, tình cảm tốt khi ở nhà mới thực sự là tu dưỡng sâu tận xương tủy”.

Sai lầm của chúng ta là luôn bao dung với người ngoài nhưng lại rất dễ nổi nóng với người thân, đừng biến người nhà thành bao cát cho cơn thịnh nộ của bạn.

Tổng hợp