Không thích phồn hoa, chí hướng của Khổng Tử hóa ra đơn giản như vậy!
Nho giáo là đạo nhập thế, tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ, nhưng không ngờ điều Khổng Tử hướng đến lại không phải là phồn hoa.
Nội dung chính
Điều Khổng Tử thực sự mong muốn
Trong “Luận ngữ” có một đoạn đối thoại, Khổng Tử hỏi 4 người đệ tử của ông: “Nếu như có người ngưỡng mộ các anh, các anh muốn làm gì?”
Tử Lộ nói: “Hãy để con quản lý đất nước ngàn xe. 3 năm sau, mọi người đều sẽ làm theo đạo nghĩa”.
Nhiễm Hữu nói: “Hãy để con quản lý một nước nhỏ. 3 năm sau, con có thể làm cho bách tính đầy đủ sung túc”.
Công Tây Hoa trả lời: “Con nguyện ý mặc lễ phục, mang theo lễ quan, làm một lễ quan nho nhỏ”.
Nghe 3 người nói, Khổng Tử khẽ mỉm cười và hỏi Tăng Tích: “Anh thì thế nào?” Tăng Tích đang gảy đàn sắt đứng dậy nói: “Chí hướng của con và họ không giống nhau”. Tăng Tích đã mô tả cảnh tượng giống như một bài thơ và bức tranh: “Cuối xuân tháng ba, đổi lại trang phục mùa xuân. 5, 6 người lớn, 6,7 đứa nhỏ, tại Nghi Thủy tắm gội. Đến đài Vũ Vu hóng mát. Lúc hoàng hôn, ca hát bước trên đường về nhà”.
Khổng Tử nghe Tăng Tích nói vậy, thở dài mà nói: “Đây chính là điều ta mong muốn”.
Khổng Tử là người khai sáng Nho giáo, ông đề ra học thuyết đặt cơ sở cho văn hóa truyền thống. Nhưng điều ông mong muốn, cũng không phải là khiến cho quốc gia trở nên cường đại dường nào, bách tính giàu có ra sao, áo mũ lễ nghi long trọng thế nào, mà là mọi người có thể thuận theo tự nhiên, hát ca vịnh thơ, làm bạn cùng âm nhạc, khiến cho cuộc sống cứ như mùa xuân vậy.
Vui thú điền viên
Ngàn năm sau, Đào Uyên Minh, đã dùng cả cuộc đời và vô số bài thơ của mình để giải thích rõ hơn về cuộc sống như vậy; ông lưu cấp cho hậu thế chính là trí tuệ thấm nhuần thế sự và niềm vui sướng ngao du sơn thủy.
Đào Uyên Minh, còn được gọi là Đào Tiềm, tự Phù Lượng, người Sài Tang, Tầm Dương; ông sinh ra trong một gia đình quan chức. Ông từ nhỏ học tập kinh điển Nho gia và Đạo gia. Tính tính ngay thẳng và liêm chính của của ông không phù hợp với chốn quan trường hủ bại lúc bấy giờ. Về sau ông làm huyện lệnh Bành Trạch, không muốn vì 5 đấu gạo mà phải khom lưng với quyền thế, dứt khoát từ quan trở về điền viên.
Sau khi từ quan, Đào Uyên Minh bắt đầu cuộc sống “tự cày ruộng tự cung cấp” của mình. Bởi vì trước cửa nơi ông ở có trồng 5 cây liễu, nên mọi người hay gọi ông là Ngũ Liễu tiên sinh. Cuộc sống làm nông khổ cực cũng không làm ông thay đổi dự định ban đầu; ngược lại còn mang đến sự tĩnh lặng và thản nhiên trong tâm hồn. Ở trong “Quy viên điền cư kỳ 3” ông có viết:
Dưới núi Nam trồng đậu
Đậu ít, cỏ nhiều ghê
Sáng, ruộng hoang dọn sạch
Đội trăng vác cuốc về
Đường nhỏ cây rậm rạp
Sương ướt áo dầm dề
Sá chi sương ướt áo
Càng khiến chẳng muốn về
Không màng thế sự
Vào năm thứ hai sau khi ông từ chức trở về làm ruộng, ông đã không còn bận tâm đến những phiền nhiễu của thế sự; tâm tình sáng tỏ thông suốt. Ông viết trong “Quy viên điền cư kỳ 1” rằng:
Trẻ không hùa thói tục
Tính thích núi non chơi
Lưới bụi khi trót vướng
Chốc ba chục năm trời
Chim lồng nhớ rừng cũ
Cá vũng tiếc đầm khơi
…
Sân ngoài không mảy bụi
Nhà rỗng thừa thảnh thơi
Cũi lồng bó buộc mãi
Lại được thỏa thuê đời
(Dịch thơ Hoàng Tạo)
Tình cảm chân thành có thể xúc động lòng người, khiến mọi người đồng cảm. Trong bài “Ẩm tửu kỳ 5” ông viết:
Làm nhà giữa cõi tục,
Mà không xe ngựa ran.
Hỏi Bác sao được thế?
Lòng xa cảnh tự nhàn.
Dưới giậu đông hái cúc,
Xa thấy núi Nam Sơn.
Khí núi chiều thêm vẻ,
Chim bay về cùng đàn.
Bên trong bao ý đẹp,
Muốn nói lại quên luôn.
(Dịch thơ Hoàng Tạo)
Xa lánh phồn hoa, tìm về chân ngã
Đào Uyên Minh thời trẻ từng có nguyện vọng “Rừng thanh trung nguyên” (làm sáng tỏ trung nguyên), “Đại tế thương sinh” (cứu giúp muôn dân); cũng từng viết xuống câu thơ “Mãnh chí dật tứ hải” (chí mạnh mẽ vươn khắp bốn biển). Ông sau khi quy ẩn điền viên, thì bắt đầu suy nghĩ một chút về các vấn đề cuộc sống. Ví như thiện ác lòng người, ý nghĩa sinh mệnh, viết xuống những vần thơ bi thương nhưng lại chân thực. Ví dụ như “Gia vi nghịch lữ xá, ngã như đương khứ khách” (nhà giống như quán trọ, ta là khách qua đường).
Như trong bài thơ “Kích nhưỡng ca” (khuyết danh) có viết: “Trời ló ra làm, trời lặn về nằm. Đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn” (dịch thơ Điệp Luyến Hoa). Bài thơ mô tả cảnh tượng thái bình thịnh thế vào thời thượng cổ; mọi người không có ham muốn bành trướng, tự cấp tự túc, làm ruộng thu hoạch. Cuộc sống như vậy cũng chính là điều mà Đào Uyên Minh đã dùng cả đời để thực hành.
Sống trong phồn hoa rồi mới nhận ra nó thật giả tạm hư không, người không có thì mong muốn đạt được, người có rồi lại muốn trở về phản bổn quy chân.
Theo Vision Times