Nấu ăn không đơn giản chỉ để lấp đầy dạ dày, mà còn để chữa lành tâm hồn trong một thế giới vừa dịu dàng mà cũng lắm tàn khốc này.

Nhất định phải dạy con nấu ăn

Khi nhỏ tôi thường đi chợ mua đồ ăn với bà. Bà tôi cả đời nội trợ, vẫn thường dạy tôi phân biệt độ tươi của thịt lợn; độ già hay non của cà tím; rau xanh có bị phun thuốc sâu hay không…

Về đến nhà, bà đưa cho tôi một chiếc ghế nhỏ để tôi ngồi xuống. Tôi sẽ giúp bà bóc đậu, nhặt rau, và làm một số việc nhỏ trong khả năng của mình.

Lúc đó tôi cứ ngây thơ mà làm mấy việc đơn giản ấy; cũng không biết rằng bà đang dạy tôi nấu ăn, dạy tôi một việc rất đỗi bình thường nhưng cũng không hề tầm thường trong cuộc sống.

Nội trợ là gì; Nội trợ gia đình; Nội trợ là nghề gì
Bà nội chú ý dạy cách phân biệt thực phẩm tươi ngon (ảnh minh họa Aboluowang)

Giờ tôi đã lớn, một mình dạo qua khu hàng tươi sống trong siêu thị, tôi luôn cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ. Khi nhìn thấy những bộ chén, đĩa, ly được thiết kế tinh xảo và đẹp mắt, tôi chỉ muốn rinh về nhà. Những lúc không vui, nấu một bữa ăn thật ngon và ăn, buồn phiền cũng tự trôi đi đâu mất.

Hóa ra củi, gạo, dầu, muối cũng là một loại trưởng thành và tu hành. Bởi vì trong thức ăn chứa cả thế giới to lớn, trong nấu nướng cũng chứa đủ càn khôn. Vì vậy bạn nhất định phải học nấu ăn, không chỉ để lấp đầy dạ dày, mà còn để chữa lành tâm hồn trong một thế giới vừa dịu dàng mà cũng lắm tàn khốc này.

Nấu ăn là một kỹ năng sinh tồn

Thiên Huệ, một người mẹ bị bệnh ung thư đã liều mình sinh ra cô con gái tên Hoa. Nhưng tế bào ung thư đã lan rộng, thời gian của cô ấy không còn nhiều.

Người mẹ kiên cường và dũng cảm này muốn để lại một thứ gì đó cho con gái có thể dùng cả đời. Nghĩ tới nghĩ lui, Thiên Huệ quyết định dạy con gái nấu ăn. Bởi vì học được nấu ăn có nghĩa là đã học được kỹ năng sinh tồn.

Bếp núc là gì; Bếp núc nghĩa là gì; Bếp núc là sẻ chia
Thiên Huệ quyết định dạy con nấu ăn (ảnh minh họa Aboluowang)

Vào sinh nhật lần thứ 4 của bé Hoa, Thiên Huệ đã tặng cho con một chiếc tạp dề làm quà sinh nhật; bắt đầu dạy cho con thái rau và nấu canh. Vì vậy, cô bé chưa cao bằng cái bếp, phải đứng lên một cái ghế nhỏ, run rẩy cầm con dao thái rau, dùng đôi bàn tay nhỏ bé trộn dầu, muối, giấm…

Nấu ăn liên hệ mật thiết với cuộc sống

Trong khi những đứa trẻ khác còn đang nũng nịu trong vòng tay mẹ, bé Hoa đã phải đeo tạp dề và chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Người mẹ dĩ nhiên rất đau lòng, nhưng cũng đành nhẫn tâm đưa con gái vào một thử thách của cuộc đời. Cô nói với con:

“Con à, nấu ăn liên quan mật thiết đến cuộc sống. Mẹ muốn dạy con cách nấu ăn cũng như làm việc nhà. Việc học tập có thể đặt ở vị trí thứ 2, chỉ cần thân thể khỏe mạnh, tay làm hàm nhai, tương lai dù có đi đến nơi nào, làm việc gì, đều có thể sống được”.

Khi con gái chưa đầy 5 tuổi thì Thiên Huệ qua đời. Cha của bé Hoa buồn bực và chán nản, nhưng tình trạng của anh đã được cứu vãn nhờ vào món cơm gạo lứt và canh miso mà con gái anh phải kiễng chân để nấu. Hai cha con nương tựa vào nhau để sống.

Dạy một đứa trẻ nấu ăn chính là dạy nó cách mưu sinh và yêu thương người khác.

Nấu ăn là một nghệ thuật sống

Người ta hay có ấn tượng về nấu ăn là đầy khói lửa và bốc mùi mắm muối. Một người phụ nữ luống tuổi, quần áo luộm thuộm đang xào xào nấu nấu, rồi lại mỏi mắt ngồi canh trên bàn cơm chờ mọi người tới ăn. Nên nhiều người khi nói đến cuộc sống của một bà nội trợ thì cho là đáng thương lắm thay!

Tôi cùng từng nghĩ như vậy khi chứng kiến cảnh bà nội và mẹ dành cả thanh xuân để lo việc bếp núc, tôi muốn thoát khỏi số phận đó. Cho đến một ngày, tôi đến làm khách nhà một vị giáo sư thời đại học. Vợ thầy mặc một chiếc váy dài vải lanh, loại váy hay dùng để mặc ở nhà. Bà tươi cười cắt trái cây bày lên khay và bưng lên. Khay trái cây có nào là cam, kiwi, dâu tây, không quá đa dạng nhưng được bày biện rất gọn gàng đẹp mắt.

Bếp núc lạnh tanh; Nấu nướng thật là vui; Thích nấu nướng
Căn bếp gọn gàng (ảnh minh họa Aboluowang)

Tôi thoáng nhìn vào bếp, thấy bà để tóc dài buộc gọn, đang lặng lẽ cắt thịt bò. Căn bếp của họ sạch sẽ, gọn gàng. Trên bếp còn có lọ hoa khô màu tím nhạt.

Biến củi gạo mắm muối thành thơ ca thư họa

Bữa tối hôm đó rất thịnh soạn, thịt bò kho được đặt trong một chiếc tô lớn màu trắng xanh; rau trộn với quả trứng muối được xếp thành bông hoa; rau cải xanh được bày trên đĩa sứ trắng. Một bữa ăn đầy đủ hương sắc.

Vợ thầy niềm nở giới thiệu cách làm từng món rồi tươi cười nói với chúng tôi: “Tôi rất thích nấu ăn. Nhìn thấy những món ăn đủ màu sắc trên tay, trong lòng cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc không thể tả nổi”.

Hóa ra thực sự có một người phụ nữ có thể biến củi, gạo, dầu, tương, giấm, trà, thành cầm, kỳ, thư họa, thi, tửu, hoa.

Công việc nội trợ; Công việc nội trợ là gì; Công việc nội trợ của người phụ nữ
Vợ thầy quả thực đã biến nấu nướng thành một môn nghệ thuật (ảnh minh họa Aboluowang)

Vợ thầy còn nói: “Phụ nữ nấu ăn không phải để làm vui lòng chồng và gia đình mà là để cuộc sống tươi đẹp hơn. Bởi vì bản thân nấu ăn đã chính là một môn nghệ thuật”.

Những người có thể thể hiện gu thẩm mỹ và suy nghĩ tinh tế của mình bằng một bữa ăn sẽ tự nhiên biết cách thoát khỏi những căng thẳng của cuộc sống và sống một cuộc đời đầy thú vị.

Nấu ăn là món quà của tình yêu

Chưa đầy một năm sau khi kết hôn, tôi đã tăng lên được vài ký; cơ thể vốn yếu ớt của tôi dần được cải thiện. Bởi vì chồng tôi đã tốn nhiều công sức để chế biến ra nhiều món ăn bổ dưỡng và ngon miệng, giúp tôi thèm ăn và bồi bổ cơ thể rất nhiều. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và không hiểu tại sao mình lại may mắn lấy được một người chồng biết nấu ăn. 

Khi thực sự yêu một người, tự nhiên bạn sẽ muốn dành cho người ấy những gì tốt đẹp nhất. Tình cảm sâu đậm được gửi gắm vào từng bữa ăn chu đáo. Độ ấm áp của nhà bếp sẽ quyết định phần lớn độ ấm áp của ngôi nhà.  

Nấu ăn là trường tu hành, đủ cả đắng cay ngọt bùi
Câu hỏi “em có đói không?” mới thật thân thương làm sao (ảnh minh họa Aboluowang)

Chúng tôi cắt nhỏ ngọt bùi cay đắng trên thớt, chiên vui buồn hợp tan trong chảo dầu. Những niềm vui và hạnh phúc nho nhỏ cứ đi theo suốt cuộc đời.

Tình yêu không nhất thiết cứ phải xa hoa phù phiếm, đôi khi chỉ cần câu hỏi nhẹ nhàng: “Em có đói không? Có muốn anh nấu cho em một tô mì không?”

Nấu ăn là một trường tu hành

Tô Thức, còn gọi là Tô Đông Pha, sống vào thời Tống, ông đã quá nổi tiếng về tài văn thơ. Nhưng đôi bàn tay tài hoa của ông không chỉ cầm bút mà còn có thể nấu ăn rất ngon. Món thịt kho Đông Pha nổi tiếng chính là được đặt theo tên của ông.

Trong đời, Tô Thức đã 3 lần bị giáng chức đến những nơi như Hoàng Châu, Huệ Châu, Đam Châu, đó đều là những nơi đất đai cằn cỗi, sông hồ xa xôi, thật đúng là đày ải về cả thể xác và tinh thần. Vậy nhưng trong thơ của ông ít khi có cái nhìn u uất, bi quan; ngược lại lúc nào cũng khoáng đạt, lạc quan, thỏa mãn trong mọi tình cảnh. 

Nấu ăn là trường tu hành, đủ cả đắng cay ngọt bùi
Muốn nấu ăn ngon thì tâm trạng phải vui vẻ (ảnh minh họa Aboluowang)

Hoàng Châu xa xôi, cuộc sống khó khăn, vậy mà Tô Thức vẫn làm ra được món “Thịt kho Đông Pha” nổi tiếng, vừa thơm ngon, vừa đẹp mắt,   

Tuổi già sống ở Đam Châu, ông lại phát minh ra món canh Đông Pha, được hậu thế coi là kinh điển.

Tâm đẹp thì cảnh cũng hóa vui tươi

Tôi đoán rằng, khi tự tay nấu những món ăn mê mẩn lòng người này, tâm tình Tô Thức cũng tĩnh tại như giọt nước đổ ra biển cả; bình lặng mà lại rộng lớn vô biên. Bởi vì ông đã nhìn thấy sự dịu dàng trong cuộc sống đời thường này.

Cảnh đẹp hay không là do ánh mắt thi sĩ, nấu ăn ngon hay không lại còn do tâm trạng của đầu bếp. Nguyên liệu dẫu bình thường, nhưng với một tâm hồn cao đẹp thì vẫn có thể nấu ra được những món ăn xuất sắc, cũng là từ tâm mà ra vậy.

Đừng coi nấu ăn là một việc phiền phức, đó chính là lúc bạn có thể hòa mình vào ngũ vị, cởi bỏ tâm tư và lấy lại năng lượng sau những lúc làm việc mệt mỏi.   

Theo Aboluowang