Khí chất của bậc quân tử: Thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành
Câu thành ngữ “thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành” thường dùng để chỉ những người không chịu khuất phục, thà chết để giữ khí tiết cao thượng.
Nội dung chính
Điển cố “Thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành”
Liên quan đến câu thành ngữ “Ninh vi ngọc toái, bất vi ngõa toàn” (thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành) này có một điển cố rất nổi tiếng. Đó là vào năm 550, hoàng đế Hiếu Tĩnh của triều đại Đông Ngụy buộc phải nhường ngôi cho thừa tướng Cao Dương. Từ đó Bắc Tề thay thế Đông Ngụy. Cao Dương lòng dạ ác độc, qua năm sau liền hạ độc chết Hiếu Tĩnh Đế và 3 người con trai của ông, muốn nhổ cỏ tận gốc.
Sau khi Cao Dương lên làm hoàng đế được 10 năm, vào một ngày tháng 6, bỗng xuất hiện nhật thực. Cao Dương lo rằng đây là điềm chẳng lành: Tự mình chiếm ngôi hoàng đế e rằng sẽ không duy trì được lâu.
Vì vậy, ông đã gọi một thân tín đến hỏi: “Năm cuối Tây Hán, Vương Mãng đoạt thiên hạ của Lưu gia. Tại sao sau đó Quang Vũ Đế Lưu Tú lại có thể đoạt lại thiên hạ?” Người thân tín này không nói ra được nguyên do, tùy tiện trả lời: “Thưa bệ hạ, việc này phải trách Vương Mãng. Bởi vì ông ấy không chém tận giết tuyệt những người trong hoàng tộc Lưu gia”.
Cao Dương vốn tính tàn ác, nghe thân tín nói vậy, lập tức đại khai sát giới: Đem tôn thất và họ hàng gần xa của Đông Ngụy 44 nhà và hơn 700 người toàn bộ xử tử; ngay cả trẻ sơ sinh cũng không tha.
Chịu chết để giữ khí tiết
Tin tức sau khi truyền ra, tôn thất và họ hàng xa gần của Đông Ngụy đều vô cùng sợ hãi, rất sợ con dao đồ tể của Cao Dương sẽ chém tới họ. Họ vội vàng tập hợp lại tìm kế sách. Có một huyện lệnh tên là Nguyên Cảnh An nói, trước mắt, biện pháp duy nhất để bảo toàn tính mạng, đó là cầu xin Cao Dương cho phép họ bỏ họ Nguyên và chuyển sang họ Cao.
Anh họ của Nguyên Cảnh An là Nguyên Cảnh Hạo, kiên quyết phản đối biện pháp này. Ông tức giận mà nói: “Làm sao có thể vứt bỏ bản tông (dòng họ gốc), đổi thành họ của ông ta để bảo toàn tính mạng sao? Đại trượng phu thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành. Tôi thà rằng chết mà bảo trì khí tiết, quyết không vì ham sống mà chịu khuất nhục!”
Nguyên Cảnh An vì để bảo toàn tính mạng của mình mà đã hèn hạ đem những lời của Cảnh Hạo tâu lên Cao Dương. Cao Dương lập tức bắt Cảnh Hạo, sau đó đem đi xử tử. Nguyên Cảnh An bởi vì mật báo có công, Cao Dương ban cho họ Cao, đồng thời thăng chức cho ông ta.
Nhưng dù ra tay tàn sát thì Cao Dương cũng không thể cứu vãn được chính quyền Bắc Tề lung lay sắp đổ. 3 tháng sau, Cao Dương bị bệnh mà chết. Chưa đến 18 năm sau, vương triều Bắc Tề đã kết thúc.
Bậc quân tử không ham sống sợ chết
Mặc dù điển cố này đã trải qua hơn nghìn năm, nhưng đọc lại vẫn khiến người ta chấn động. Cảnh Hạo “thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành” đã thể hiện ra chí khí bất khuất của cổ nhân trước cường quyền và sự hà hiếp, nhất định không chịu cúi đầu sống nhục.
Trong lịch sử không thiếu những bậc chính nhân quân tử như vậy, ở đây có thể kể đến trường hợp của anh hùng Văn Thiên Tường vào cuối thời nhà Tống, đầu thời nhà Nguyên; ông cũng có thể coi là một nhân vật điển hình của “thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành”.
Những năm cuối thời nhà Tống, bởi vì quân Nguyên ồ ạt tấn công; phòng tuyến Trường giang của quân Tống đã hoàn toàn tan vỡ. Văn Thiên Tường quyết tâm kháng cự, cuối cùng bị bắt. Nguyên Thế Tổ muốn dụ hàng Văn Thiên Tường. Nhưng Văn Thiên Tường oai phong lẫm liệt, dẫu có chết cũng không theo; ở trong ngục hơn 3 năm, cuối cùng bị xử tử. Trước khi chết đã lưu lại bài thơ tuyệt mệnh:
Khổng viết thành nhân,
Mạnh viết thủ nghĩa.
Duy kỳ nghĩa tận,
Sở dĩ nhân chí.
Độc thánh hiền thư,
Sở học hà sự?
Nhi kim nhi hậu,
Thứ kỷ vô quý.
Bản dịch thơ của Cao Tự Thanh
Khổng nói thành nhân,
Mạnh nói giữ nghĩa.
Chỉ khi nghĩa trọn,
Mới là nhân tới.
Đọc sách thánh hiền,
Là học điều ấy.
So sau so trước,
Ngõ hầu không thẹn.
Văn Thiên Tường lúc đó gần 47 tuổi, ông quyết tâm chịu chết để giữ trọn khí tiết.
Quân tử như ngọc
Người xưa hay ví quân tử với ngọc. Trong sách cổ “Quản Tử thủy địa” có nói:
“Ngọc sở dĩ quý trọng là bởi vì nó biểu hiện ra 9 loại phẩm đức: Ôn nhuận mà sáng bóng, đó là lòng nhân từ của nó; thanh tịnh mà có hoa văn, đây là trí tuệ của nó; kiên cường mà không khuất phục, đây là cái nghĩa của nó; ngay chính mà không hại người, đây là phẩm tiết của nó; trong sáng mà không cáu bẩn, đây là sự thuần khiết của nó;
Có thể vỡ mà không cong gập, đây là cái dũng của nó; ưu điểm và khuyết điểm đều có thể biểu hiện ra bên ngoài, đây là sự thành thực của nó; hoa mỹ và ánh sáng tác động lẫn nhau, thẩm thấu mà không xâm phạm lẫn nhau, đây là lòng khoan dung của nó; gõ vào âm thanh vang xa, tinh khiết không loạn, đây là sự mạch lạc của nó”.
Ngọc thà bị vỡ nát chứ không chịu khuất phục, cũng là mỹ đức của bậc quân tử vậy.
“Thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành”, chí khí anh dũng này thật đáng để cho hậu thế học tập.
Theo Vision Times