Tủ thuốc và thuyền tán thuốc của thần y Hoa Đà đều có một câu chuyện đằng sau, cũng thể hiện ra y đức cao thượng của Hoa Đà.

Thuyền tán thuốc trong Trung y được gọi là “Huệ Di Tào” (máng Huệ Di), còn tủ thuốc đầy ngăn kéo được gọi là “Thần Nông Dược Giá” (giá thuốc Thần Nông). Hai bộ đồ dùng này đều có liên quan đến việc hành nghề chữa bệnh của Hoa Đà.

Tủ thuốc 365 ngăn

Hoa Đà mở hiệu thuốc ở Tiêu Thành, có hơn 400 loại thuốc. Hơn 400 loại thuốc này được để riêng ở trong hơn 400 cái bình, chậu, sọt. Diện tích và không gian trong tiệm thuốc có hạn, Hoa Đà chia 365 vị thuốc thường dùng thành 3 loại thượng, trung, hạ, nhưng vẫn không cách nào bày ra hết được; toàn bộ tiệm thuốc đều chật kín, ngay cả chỗ đặt chân cũng không có; bốc thuốc rất bất tiện.

Một ngày nọ, có một bệnh nhân vào tiệm thuốc. Người bệnh nhân này họ Lưu, nhà ở trong thành, là một thợ mộc. Lúc anh dùng rìu chặt gỗ thì cây gỗ lăn một vòng, sẩy tay làm rơi cái rìu cứa vào bắp chân. Vết thương rất nghiêm trọng, máu chảy không ngừng. Hoa Đà vội vàng cấp cứu. 

Bởi vì người bị thương đi lại không tiện, nên sau khi cấp cứu, mỗi ngày Hoa Đà đều đến nhà bệnh nhân để thay thuốc. Họ Lưu sau khi hết bệnh thì vô cùng cảm kích, thầm nghĩ, nếu không phải là y đức và y thuật của Hoa Đà tốt thì bản thân không chết cũng bị tàn phế rồi! 

Tìm cách báo ân

Có câu nói, nhận ân một giọt báo ân một dòng. Làm thế nào báo đáp ân tình của Hoa Đà đây? Nếu như đưa chút quà tặng cũng không thể hiện được tấm lòng. Họ Lưu nhớ tới hôm bị thương đi đến tiệm thuốc, nhìn thấy trong tiệm thuốc bày kín hết cả; ngay cả lối đi cũng không có, bốc thuốc rất bất tiện. Nếu làm một cái tủ thuốc chứa rất nhiều ngăn kéo, đem thuốc cho vào trong ngăn kéo; như vậy không phải lấy thuốc sẽ rất dễ dàng hay sao? 

Nghĩ vậy nên họ Lưu quyết định làm một cái tủ thuốc cho Hoa Đà. Dựa theo cách chia thuốc của Hoa Đà là 365 vị. Anh thiết kế một cái tủ thuốc chia thành 10 dãy, 9 tầng; trong mỗi một ngăn kéo lại chia thành 4 ngăn, cộng lại là thành 360 ngăn; 9 tầng phía dưới lại làm thêm 5 cái ngăn lớn, như vậy là vừa vặn 365 ngăn cho 365 vị thuốc khác nhau.

Hoa Đà là ai; Thần y Hoa Đà; Thần y Hoa Đà là ai
Tủ thuốc vừa vặn có 365 ngăn (ảnh minh họa Adobestock)

Sau khi làm xong, họ Lưu mời một nhóm nhạc công để chơi nhạc trong suốt chặng đường mang tủ thuốc đến tiệm thuốc của Hoa Đà. Hoa Đà nhận được tủ thuốc của họ Lưu thì mừng lắm. Ông cẩn thận xem qua một chút, tủ thuốc vừa vặn có đủ chỗ cho 365 vị thuốc, liên tục khen ngợi họ Lưu: “Giỏi lắm! Giỏi lắm!” Liên tục cảm tạ họ Lưu, cũng khăng khăng đòi phải trả tiền cho họ Lưu. 

“Thần Nông dược giá”

Họ Lưu thấy Hoa Đà hài lòng với tủ thuốc như vậy, trong lòng cũng rất cao hứng, ngượng ngùng nói: “Tôi là một người thô thiển, chỉ biết làm ra những thứ thô kệch; đâu có đáng để Hoa tiên sinh khen ngợi như vậy”. Thấy Hoa Đà đưa tiền thì không chịu nhận, vội vàng bỏ đi.

Từ đó, Hoa Đà dùng tủ thuốc đó để đựng thuốc, bốc thuốc vô cùng thuận lợi; vừa có thể tránh bị lẫn lộn, vừa có thể ngừa được nấm mốc. Bởi vì cái tủ thuốc này vừa vặn phù hợp với vị thuốc trong “Thần Nông bản thảo kinh”, nên Hoa Đà mới lấy tên là “Thần Nông dược giá” (giá thuốc Thần Nông).

Thuyền tán thuốc

Họ Lưu tặng tủ thuốc cho Hoa Đà gây chấn động khắp nơi, là giai thoại một thời. Không lâu sau sự việc này, thợ rèn họ Vương lại tặng cho Hoa Đà một cái thuyền tán thuốc tên là “Huệ Di Tào” (máng Huệ Di).

Thợ rèn họ Vương không có con cái, mở một tiệm rèn nhỏ; dựa vào rèn chế nông cụ để mưu sinh. Một ngày nọ, bởi vì bếp lò bị nổ, anh bị bỏng nặng. Bởi vì không có tiền chữa trị, đành phải cắn răng chịu đựng, tiệm rèn cũng đành phải tạm đóng cửa. 

Hoa Đà sau khi biết được việc này, mỗi ngày đều đến nhà để trị thương cho họ Vương, mà tiền thuốc thì Hoa Đà không hề nhắc đến. Họ Vương nghĩ, Hoa Đà chắc đã ghi chép lại; vì vậy nhịn ăn nhịn uống, tích cóp một chút tiền, chờ khi hết bệnh thì trả tiền thuốc cho Hoa Đà.

Tủ thuốc đông y bằng gỗ; Tủ thuốc đông y; Thuyền tán thuốc bắc
Hoa Đà trị bệnh cho người thợ rèn mà không lấy tiền công (ảnh minh họa Zhihu)

Kỳ thực, Hoa Đà cơ bản không có ghi chép lại, thấy họ Vương đến đưa tiền thuốc, liền nói: “Vết thương của anh lành rồi, tôi cũng rất mừng, tiền thuốc không cần phải nói đến đâu!” Họ Vương cứ đòi đưa cho bằng được, Hoa Đà nhất định không lấy.

Làm dụng cụ nghiền thuốc để báo ơn

Họ Vương cảm động đến rơi lệ, về nhà càng nghĩ càng bất an. Anh nhớ đến khuôn mặt mệt mỏi và mồ hôi đầm đìa của Hoa Đà lúc nghiền thuốc trị thương cho anh, liền quyết định làm cho Hoa Đà một cái thuyền tán thuốc, để giảm bớt mệt mỏi cho Hoa Đà và những người học việc của ông lúc nghiền thuốc. 

Sau khi suy tính thật kỹ, họ Vương quyết định làm một cái máng ‘lõm’ cùng một cái bánh xe tròn; dùng cái bánh xe tròn lăn qua lăn lại trong máng để tán thuốc. Anh tự mình thử nghiệm với chút lá cây khô và đá nhỏ thì thấy thực sự có hiệu quả. 

Nhưng thứ này nên gọi là gì? Trong lúc anh đang suy nghĩ thì có một lão tiên sinh dạy học đến rèn một thứ gì đó. Họ Vương liền đem chuyện báo ân này kể lại cho ông, xin lão tiên sinh đặt cho một cái tên. 

Huệ Di Tào

Lão tiên sinh suy nghĩ một chút rồi nói: “Gọi là ‘Huệ Di Tào’ đi! Huệ là tặng, phù hợp với báo ơn cứu mạng; Di là bình an, biểu thị là chữa khỏi vết thương của anh, chuyển nguy thành an; dụng cụ Tào (cái máng), niễn (con lăn). Tên này đã bao hàm toàn bộ tâm ý của anh”. 

Thuyền tán thuốc; Thuyền tán; Dao cầu thuyền tán
Thuyền tán thuốc Đông y (ảnh: Photophoto)

Họ Vương nghe xong thấy rất hợp ý mình, liền nói: “Hay quá! Hay quá! Vậy gọi là ‘Huệ Di Tào'”. Sau đó liền mang cái thuyền tán thuốc đến chỗ Hoa Đà.

Từ đó về sau, “Huệ Di Tào” đã trở thành một vật thiết yếu của thầy thuốc, lưu truyền mãi về sau.

Thần y Hoa Đà không chỉ có y thuật cao siêu mà còn có y đức cao thượng, tủ thuốc và thuyền tán thuốc của ông cũng đều là từ ‘không cầu mà tự được’.  

Theo Vision Times