Một niệm bất chính khởi lên, trời đất đều đã tỏ tưởng
Người xưa nói “trên đầu ba thước có Thần linh”, có người suy nghĩ bất chính tưởng không ai biết, nhưng thực ra trời đất đều đã tỏ tường.
Người xưa coi “dâm” là đứng đầu trong vạn điều ác, vì vậy rất coi trọng tiết tháo. Người có thể đề phòng sắc dục, ngăn chặn tà dâm, phúc báo tự nhiên đến. Còn người tham dâm háo sắc, làm trái thiên lý nhân luân thì trời đất khó dung.
Tâm sắc dục một khi khởi lên, cho dù là chưa hành động thì đã là có tội; huống hồ thực hiện hành vi xấu xa thì tội nghiệp chồng chất, tổn phúc đoản mệnh, ác báo theo đó mà tới. Dưới đây là một vài ví dụ được ghi chép lại trong sách cổ.
Nội dung chính
1. Có ý định xâm phạm tỳ nữ
Vào thời nhà Minh, có một thư sinh ở quận Chuẩn. Một ngày nọ trong lúc say rượu, anh đã trêu đùa một tỳ nữ trong nhà; người tỳ nữ này cảm thấy xấu hổ, liền kiên quyết từ chối sự trêu chọc của chủ nhân, và cũng thoát khỏi sự quấy rầy của anh.
Sau đó, vào một ngày cuối năm âm lịch, chàng thư sinh này ngủ đến canh tư, vợ anh đột nhiên gọi anh dậy và nói: “Thiếp vừa mộng thấy một vị Thần, trên đầu đội khăn vuông; trên người mặc áo choàng màu đen, cưỡi một con ngựa mà đi. Ông ấy còn mang theo bên mình một cuốn sổ. Hơn nữa còn chỉ tay hướng về phía thiếp một chút, sau đó phi ngựa rời đi. Thiếp không nghe rõ, cũng không biết là ông ấy nói gì; chỉ thấy ông ấy uy lực thần kỳ, sau đó thiếp bất giác tỉnh dậy”.
Chàng thư sinh nghe vợ nói vậy thì toàn thân sởn gai ốc, vô cùng chấn động, nhưng cũng chỉ nói là: “Vị Thần trong giấc mộng của nàng nhất định là Táo quân”.
Từng động tĩnh đều được Thần linh giám sát
Về sau chàng thư sinh liền gả người tỳ nữ này cho người ta, rồi giải thích rõ cho vợ:
“Nàng trước đây mộng thấy Táo quân đưa ra ám chỉ, là bởi vì trước đây ta từng đùa giỡn người tỳ nữ này. Cô ta vì kiên quyết chống cự mà may mắn thoát khỏi. Không ngờ ngay trong đêm đó Táo quân lại báo hiệu. Ta suy nghĩ chuyện này, mặc dù không có làm thành, nhưng trong tâm đã có ác niệm; cho nên mới bị Táo quân ghi chép lại, tấu lên Thiên Tào.
Trước đây ta không dám nói rõ, là bởi vì sợ nàng sẽ hoài nghi; e rằng nàng sẽ làm khó cho người tỳ nữ này. Nay ta mới nói rõ chuyện này, một mặt là để khen ngợi tiết tháo của người tỳ nữ; mặt khác là để nói rõ sai lầm của ta, bày tỏ sự ăn năn của ta với nàng!”
2. Khuyên người đề phòng sắc dục, hành thiện cải vận
Từ Tín Thiện và Dương Hoành là bạn tốt của nhau. Họ cùng đến kinh thành để dự thi, ở lại trong một lữ quán. Một đêm nọ, họ gặp được một vị thầy xem tướng, người này nhìn họ rồi nói: “Dương Hoành sẽ đỗ công danh, con đường làm quan thuận lợi, cuộc sống giàu sang; Từ Tín Thiện không đỗ, cuộc sống nghèo khổ”. Dương Hoành vô cùng cao hứng.
Đêm đó, Dương Hoành vô tình nhìn thấy trong lữ quán có một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp; muốn dùng tiền bạc để tán tỉnh cô gái. Từ Tín Thiện ra sức ngăn cản:
“Mặc dù vị thầy tướng nói anh sẽ đỗ đạt, nhưng sắp tới lúc thi anh lại suy nghĩ mấy chuyện này. Mấy ngày này nhất định tâm tình không yên, còn lòng dạ nào quan tâm đến việc học hành. Hơn nữa, anh lại muốn dùng số tiền lớn mà cầu việc dâm loạn, bôi nhọ danh tiết, trời đất khó tha.
Nếu cô gái kia đồng ý với anh thì chắc hẳn cũng không phải là một người đàng hoàng, sau này người khác sẽ đánh giá ra sao. Anh còn nghĩ đến việc đi thi không? Anh nên suy nghĩ lại trước khi hành động!”
Dương Hoành nghe xong, thấy rất có đạo lý; vì vậy liền bỏ ý định kia đi, chuyên tâm chuẩn bị cho kỳ thi.
Tướng tùy tâm sinh
Mấy ngày sau, hai người lại tình cờ đi ngang qua quầy của vị thầy tướng số. Đột nhiên vị thầy tướng gọi Từ Tín Thiện lại nói: “Chờ một chút! Kỳ quái! Gương mặt của anh vì sao lại không giống mấy ngày trước. Vốn thấy anh thi không đậu, hơn nữa cả đời nghèo khó. Nay thấy gương mặt anh, không những lần này nhất định thi đỗ, hơn nữa con đường làm quan hiển đạt, khác hoàn toàn so với ngày trước. Là quý tướng, sau này anh sẽ là đại phú quý”.
Lại nhìn qua Dương Hoành, nói khí sắc của anh có chút kém hơn, không như hôm qua. Nhưng con đường làm quan cũng không tệ, đều được hiển đạt giống như Từ Tín Thiện; chỉ là thứ hạng sẽ xếp sau anh ta. Về sau lúc yết bảng thì quả nhiên là như vậy.
Dương Hoành thấy sắc thì động tâm, nhưng may được Từ Tín Thiện cảnh tỉnh; nhờ vậy mà chính lại được suy nghĩ, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Từ Tín Thiện có thể thành tâm khuyến thiện, ngăn chặn việc dâm loạn, tích được phúc báo; vô hình trung đã cải biến vận mệnh của chính mình.
Như vậy có thể thấy, tướng tùy tâm sinh, mệnh do tâm chuyển. Chỉ trong một đêm, mặt của hai người đã có cải biến rất lớn. Một người trong ngày có biết bao nhiêu suy nghĩ, niệm tốt hay xấu đều sẽ ảnh hưởng đến phúc đức của bản thân; vì vậy thời thời khắc khắc phải bảo trì thiện niệm.
3. Họa hay phúc chỉ trong một niệm
Gia đình thư sinh Mỗ vào thời nhà Thanh vốn là danh gia vọng tộc. Từ nhỏ thì chuyện hôn sự của anh đã được quyết định, kết thân với một gia đình giàu có. Cha anh là người khẳng khái tốt bụng; lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui, bao nhiêu của cải tích góp được đều mang đi bố thí hết. Lúc lâm chung gia cảnh quá nghèo, chỉ lưu lại âm đức cho Mỗ.
Mỗ vô cùng nghèo khó, sau khi thi đậu tú tài, phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền rước dâu. Phú ông bởi vì ngại con rể quá nghèo, âm thầm đổi ý, đánh tráo con gái bằng một tỳ nữ. Người tỳ nữ này cũng đoan trang, dịu dàng, cần cù, hiền lành. Thư sinh Mỗ không biết đây là người thế thân.
Về sau khi Mỗ đến nhà nhạc phụ, đám vô lại trong làng có ý đồ xấu, chúng giễu cợt anh, nói anh là con rể của tỳ nữ. Anh vô cùng tức giận, muốn đám vô lại đó phải im miệng lại và xin lỗi, nhưng chúng lại càng chế giễu nhiều hơn. Anh trở về nhà hỏi vợ. Người vợ thành thực kể hết sự tình; thư sinh Mỗ lúc này mới hiểu ra.
Khởi niệm bất chính
Trước đây, thư sinh Mỗ từng mơ đi đến một nơi, gạch đỏ ngói xanh, hoàn toàn không phải là cảnh tượng nơi nhân gian. Có mấy cô gái ở nơi đó đang thêu một chiếc áo bằng gấm. Thư sinh Mỗ hỏi họ, họ nói: “Đây là y phục của tân trạng nguyên”. Anh cẩn thận nhìn một chút, thấy chỗ vạt áo gấm có bút đỏ viết hai chữ, đúng là tên họ của mình. Anh sau khi tỉnh lại rất cao hứng, vì vậy rất tự phụ.
Giờ đây anh thấy mình lại lấy phải một tỳ nữ thì vô cùng tức giận. Anh thầm nghĩ sau này giàu có, nhất định phải lấy một cô nương con nhà danh giá, như vậy mới có thể mở mày mở mặt.
Một đêm nọ, Mỗ lại mơ đi đến nơi trước kia, mấy cô gái thêu vải tỏ ra lãnh đạm, không để ý đến anh; nhìn vào chữ ở vạt áo thì thấy mơ hồ không rõ, dường như sắp biến mất. Anh thất kinh, vội vàng hỏi duyên cớ. Mấy cô gái đó thuận miệng nói: “Người này vừa mới nảy sinh ý định vứt bỏ vợ, Thiên Đế liền ra lệnh đổi trạng nguyên thành một người khác”.
Hối cải kịp thời
Thư sinh Mỗ đột nhiên tỉnh lại, hối hận khôn nguôi; từ đó về sau sống hòa ái với vợ, thề sống đến đầu bạc răng long. Mấy năm sau anh đỗ trạng nguyên, đảm nhiệm chức vụ quan trọng ở kinh thành.
Thư sinh Mỗ sinh ra một niệm bất chính mà suýt nữa bị tước đoạt công danh cả đời, may mắn là anh đã hối cải kịp thời.
“Người vừa sinh một niệm, trời đất đã tỏ tưởng”, vậy nên chúng ta phải cẩn thận với suy nghĩ của mình, một niệm bất chính có thể hủy hoại sự nghiệp cả đời.
Theo Vision Times