Con người khi rơi vào nghịch cảnh hay gặp phải tình huống nguy hiểm đến tính mạng thì nên làm gì để có thể tự cứu chính mình?

Người mù bị rơi xuống giếng

Trong sách “Duyệt vi thảo đường bút ký” của học giả Kỷ Hiểu Lam vào thời nhà Thanh có chép một câu chuyện kể rằng: Cách nhà tôi (tác giả Kỷ Hiểu Lam) hơn mười dặm, có một người mù họ Vệ. Giao thừa năm Mậu Ngọ, anh đến tất cả những nhà thường gọi anh đàn hát để chúc tết, mỗi nhà đều cho anh thức ăn, anh mang theo những thứ được cho trở về nhà. 

Đi được nửa đường thì trượt chân ngã xuống một cái giếng khô. Bởi vì nơi đó vắng vẻ, nhà nhà đều đang đón giao thừa, trên đường cũng không có người; cho nên anh lớn tiếng kêu cứu nhưng cũng không có ai nghe thấy. Điều may mắn là không khí ở đáy giếng cũng ấm áp, lại có bánh ngọt để ăn, lúc khát nước thì lại có trái cây để ăn; nhờ vậy mà cầm cự qua được mấy ngày.

Rơi vào nghịch cảnh; Lâm vào nghịch cảnh; Khi gặp nghịch cảnh
Người mù bị rơi xuống giếng và không sao thoát ra được (ảnh minh họa Adobestock)

Vừa hay lúc đó đồ tể (người giết mổ gia súc) Vương Dĩ Thắng lùa lợn trở về. Lúc cách cái giếng khô chừng nửa dặm, đột nhiên dây buộc lợn bị đứt; con lợn này vì thế mà chạy như điên vào trong ruộng. Nó cũng bị trượt chân mà ngã xuống cái giếng khô. Vương Dĩ Thắng dùng lưỡi câu kéo con lợn lên thì phát hiện ra người đàn ông mù ở trong giếng; lúc này anh đang thoi thóp chỉ còn một chút hơi tàn.

Một niệm thiện xuất ra được Thần Phật giúp đỡ

Cái giếng khô không nằm trên con đường mà người đồ tể định đi, thật giống như là Thần linh dẫn đường. Người anh quá cố của tôi đã từng hỏi người mù này về tình huống lúc đó, người mù nói: “Lúc đó không nghĩ gì cả, lòng như đã chết rồi. Duy chỉ nghĩ đến mẹ già nằm trên giường, đang chờ đợi tôi phụng dưỡng. Bấy giờ bản thân tôi còn khó bảo toàn, nghĩ đến mẹ già bị chết đói, nhất thời cảm thấy đau xót ruột gan, khó mà chịu được”. 

Người anh quá cố của tôi nói: “Nếu như không phải là người mù này xuất ra thiện niệm, Vương Dĩ Thắng lúc đuổi lợn đã không bị đứt dây”.

Thế mới hay mọi chuyện trên thế gian đều có nhân quả, không phải là ngẫu nhiên.

Tìm cách chiếm đoạt tài sản của ân nhân

Trong sách “Dân gian ý hành” của Trần Kính Ý vào thời nhà Thanh cũng có chép một câu chuyện khác, kể về việc một người nhờ thiện niệm thiện hành mà cải biến được vận mệnh.

Chuyện kể rằng, vào thời nhà Thanh, ở Hoài Tây (nay là khu vực Giang Hoài của tỉnh An Huy) có một vị tú tài tên là Diệp Gia Lương. Gia cảnh cực kỳ nghèo khó, dựa vào dạy học mà sống qua ngày. 

Lúc đó ông Mã, một người giàu có ở trong thành đã mời anh đến nhà dạy học cho hai đứa con trai của ông. Ông Mã thấy Diệp Gia Lương là người có học thức mà không quá câu nệ hình thức, vì vậy ở chung rất hòa hợp và cũng rất tín nhiệm anh. Hàng năm trả cho anh tiền lương một trăm lượng bạc; hơn nữa còn có quà tặng hậu hĩnh. Ngoài ra, còn lấy tiền giúp anh lên ý tưởng kinh doanh. Diệp Gia Lương rất cảm kích, cũng tận tâm tận lực mà dạy dỗ hai người con của ông Mã.

Bình tĩnh khi gặp nghịch cảnh; Làm gì khi gặp nghịch cảnh; Gặp nghịch cảnh là gì
Được ông Mã nâng đỡ, cuộc sống của Diệp Gia Lương cũng khấm khá hơn (ảnh minh họa Adobestock)

Trong vài năm, nhà Diệp Gia Lương cũng tích được nghìn lượng vàng và trở thành một gia đình giàu có. Về sau ông Mã làm phó quận trưởng, bị bệnh chết trong nhiệm kỳ của mình. Vàng bạc ruộng vườn của ông Mã bị hai người con trai tiêu xài hoang phí. Sản nghiệp rất nhanh mà bị bán hết; rất nhiều trong đó là rơi vào tay của Diệp Gia Lương. Hai người con trai của ông Mã tinh thần sa sút, nghèo khó, không mảnh đất cắm dùi.

Hối hận sửa sai

Một đêm nọ, Diệp Gia Lương nằm mơ đi xuống âm phủ, nhìn thấy một viên quan ngồi trước bàn; ông Mã quỳ ở phía dưới, liệt kê tội của Diệp Gia Lương vong ân phụ nghĩa. Viên quan tức giận, xử phạt Diệp Gia Lương chuyển sinh làm bò. Diệp Gia Lương ra sức van xin, mong được trở về dương gian; nguyện ý trả lại toàn bộ sản nghiệp đã xâm chiếm trước kia; cũng sẽ chăm nom cho hai người con trai của ông Mã.

Viên quan nói: “Ngươi nếu biết hối cải, tạm thời để cho người trở về. Nhưng nếu không làm như lời đã nói, sẽ vĩnh viễn bị đọa vào địa ngục a tì!”

Diệp Gia Lương tỉnh mộng, kể cho vợ nghe những điều thấy trong mơ. Người vợ nói: “Những thứ chúng ta được hưởng ngày hôm nay đều là sản nghiệp của Mã gia. Mau trả lại cho người ta, việc gì mà phải kết thù kết oán”. Vì vậy Diệp Gia Lương quyết định đem những tài sản đã xâm chiếm của Mã gia trả lại cho hai người con trai của ông Mã.

Ngày hôm sau, Diệp Gia Lương đi tìm hai người con trai của ông Mã; thấy họ nương thân trong một ngôi nhà rách nát, nhà bếp lạnh lẽo, y phục tả tơi, nhìn thật thê lương. Hai anh em thấy Diệp Gia Lương thì khóc lớn. Diệp Gia Lương nhớ tới tình thầy trò trước kia, cũng cầm tay họ mà khóc.

Giúp hai người con trai của ông Mã vực lại cơ nghiệp

Diệp Gia Lương đưa hai anh em về, chuẩn bị quần áo và tặng cho một trăm lượng bạc làm chi phí sử dụng tạm thời.

Mấy tháng sau, lại đem tài sản đã lấy được của Mã gia bán đi hết, lấy một phần tiền đưa cho một người con trai của ông Mã mở cửa hàng; phần còn lại đưa cho người con trai kia đi ra ngoài thành buôn bán. 

Sau khi cha chết, hai anh em đã trải qua nhiều gian khổ; lúc này mới cảm nhận được đồng tiền không dễ kiếm. Vì vậy đã cố gắng sửa đổi, cần cù lập nghiệp, kinh doanh một thời gian, hai người cũng kiếm được không ít tiền.

Thiện lương là gì; Thiện lương nghĩa là gì; Thiện niệm là gì
Diệp Gia Lương giúp hai con trai của ông Mã làm lại cuộc đời (ảnh minh họa Adobestock)

Hai anh em kiếm được tiền rồi, liền mang cả vốn và tiền lãi đến trả cho Diệp Gia Lương. Diệp Gia Lương kiên quyết không nhận. Ông nói: “Lão phu ta vốn nghèo khó, cái gì cũng không có. Nhờ tấm thân tình của lệnh tôn (ông Mã), ta mới có ngày hôm nay. Hai ngươi nhất định phải mang tiền này về đi. Để cho tình nghĩa của lão phu và lệnh tôn có thủy có chung; tương lai dưới âm phủ có gặp nhau, còn có thể nhìn nhau mà mỉm cười”.

Hành động thiện lương, đắc được phúc báo

Tết trung thu năm đó, khi đang ngắm trăng, Diệp Gia Lương uống rượu say ngủ dưới cửa sổ. Trong ánh trăng lờ mờ nhìn thấy ông Mã đi đến và nói: 

“Những việc tiên sinh làm trước kia, mặc dù không đúng, nhưng hai người con trai của tôi đã dưỡng thành thói xa xỉ, sản nghiệp để lại cho họ, cũng sẽ phung phí hết thôi. May được tiên sinh thay mặt giữ hộ mấy năm. 

Hai người con trai của tôi sau khi trải qua gian nan, mới biết hối cải thành người. Tiên sinh vừa có thể bảo vệ sản nghiệp của tôi, lại có thể thành toàn cho con trai của tôi. Ân đức này, tôi đã nói cho Diêm vương, chuyển tấu lên Thượng đế, phúc của tiên sinh rất lớn. Nay đặc biệt tới nói cho tiên sinh”. 

Nói xong liền từ biệt mà đi.

Diệp Gia Lương từ đó về sau, phàm là kinh doanh thì rất thuận lợi, việc gì cũng đều như ý; tài sản có được còn nhiều hơn tài sản của Mã gia trước kia. Hai người con trai của ông đều học hành thành đạt; trở thành gia đình có tiếng ở địa phương.

Con người khi rơi vào nghịch cảnh, có thể tự cứu mình hay không thì còn tùy thuộc vào suy nghĩ của bản thân; một niệm thiện xuất ra có thể được Thần Phật giúp đỡ. 

Theo Vision Times