Có câu nói: “99% những điều xảy ra với chúng ta đều vô nghĩa đối với người khác”, vậy nên thay vì nói thì hãy biết lắng nghe nhiều hơn.

“Ông trời ban cho con người 2 lỗ tai, 2 con mắt, nhưng chỉ có một cái miệng. Đây là muốn chúng ta nghe nhiều, thấy nhiều và nói ít đi”. Kỳ thực, hầu hết những rắc rối mà chúng ta gặp phải trong mối quan hệ giữa người với người không phải vì chúng ta không thể “nói”, mà vì chúng ta không thể “nghe”.

Trong “Jane Eyre” có một câu như thế này: “Chỗ cao minh của bạn không nằm ở việc nói về bản thân bạn, mà ở chỗ lắng nghe người khác nói về bạn”.

Đa phần trong lúc nói chuyện chúng ta đều muốn biểu đạt suy nghĩ của mình; nhưng thực tế thì lắng nghe còn quan trọng hơn.

1. Điều mà mọi người quan tâm nhất chính là bản thân họ

Nhà văn Mỹ Dale Carnegie từng kể một câu chuyện trong cuốn “Nhược điểm của nhân tính”. Lần đó Carnegie được mời đến một câu lạc bộ bài. Ông không đánh bài, và vừa hay bên cạnh cũng có một người phụ nữ không đánh bài; họ vì vậy mà cùng ngồi nói chuyện phiếm với nhau.

Khi đó, người phụ nữ vô tình nhắc đến: “Ông Carnegie, tôi muốn ông kể cho tôi nghe tất cả những danh lam thắng cảnh ông đã từng đến và thấy”. Trong cuộc trò chuyện, Carnegie nhận thấy bà có đề cập đến việc vợ chồng bà vừa trở về từ một chuyến du lịch đến châu Phi. Carnegie ngay lập tức tỏ ra ngưỡng mộ và mời bà kể cho ông nghe những giai thoại về châu Phi.

Vậy là cuộc trò chuyện kéo dài 45 phút đó hầu như chỉ có người phụ nữ nói; rõ ràng là bà ấy rất hài lòng khi nói chuyện cùng ông Carnegie.

Biết lắng nghe để thấu hiểu; Biết lắng nghe là gì; Biết lắng nghe trong cuộc sống
Biết lắng nghe sẽ dễ lấy được thiện cảm của người khác (ảnh: Adobestock)

Có một câu nói: “99% những điều xảy ra với chúng ta hàng ngày đều vô nghĩa đối với người khác”. Kỳ thực, điều mà mọi người quan tâm nhất chính là bản thân họ. Nếu chúng ta muốn có một mối quan hệ tốt, điều quan trọng nhất không phải là những gì chúng ta nói, mà là những gì chúng ta nghe được từ người khác.

Bản chất của việc lắng nghe là chúng ta sẵn sàng muốn hiểu người khác. Rất ít người sẵn sàng giao tiếp với một người chỉ muốn thể hiện bản thân; nhưng hầu hết mọi người đều sẵn sàng kết bạn với những người quan tâm đến họ.

2. Lắng nghe có thể giải quyết mọi mâu thuẫn

Nhà văn, nhà triết học Voltaire từng nói: “Tai là con đường dẫn đến tâm linh”. Trong cuộc sống, mâu thuẫn giữa người với người không hẳn là nằm ở đúng sai của sự việc, mà là nằm ở tình cảm và thái độ của mỗi người.

Đôi khi càng tranh luận thì mâu thuẫn lại càng gay gắt hơn. Trong khi chỉ cần bình tĩnh lắng nghe thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa.

Có một người cha rất mạnh mẽ nhưng không có mối quan hệ tốt với con trai mình. Người con cho rằng người cha dài dòng; người cha cho rằng người con không nghe lời. Mỗi lần gặp nhau chỉ nói được vài câu là lại bắt đầu cãi vã; cuối cùng buồn bã mà rời đi. 

Có lần trong lúc hai người đang tranh cãi, người con nói: “Cha à, cha trước giờ chưa từng nghiêm túc nghe con nói một câu; cho nên cha không hiểu con. Bây giờ cha không cần lên tiếng nữa, chỉ cần lặp lại những lời con nói một lần là được”.

Sự thấu hiểu bắt đầu từ biết lắng nghe

Người cha đồng ý. Khi lặp lại những gì mà con trai nói, ông phát hiện ra con trai là người rất hiểu chuyện; cũng có thể lý giải được cách làm của con trai. Mối quan hệ cha con nhờ vậy cũng hòa hợp hơn.

Biết lắng nghe; Nói ít nghe nhiều; Nói ít đi
Người luôn cho là mình đúng sẽ thật khó để hiểu được người khác (ảnh minh họa Adobestock)

Người cha này là giám đốc điều hành một công ty. Ông thường rất bận rộn và là chủ gia đình; vì vậy luôn nhìn nhận vấn đề theo ý mình và ít khi lắng nghe người khác nói.

Gandhi từng nói: “Mọi việc đều nên đứng tại lập trường của đối phương mà suy nghĩ một chút. Đây là cách hiệu quả nhất để có thể thấu hiểu”.  

Khi một người buồn, điều anh ta cần nhất không phải là sự khuyên bảo của người khác, mà là người sẵn sàng lắng nghe anh ta nói. Chỉ khi biết lắng nghe thì bạn mới có thể thực sự hiểu được người khác.

3. Khiêm tốn lắng nghe

Một điều thường thấy là, khi chúng ta cố gắng chứng minh rằng mình đúng và người khác sai thì sẽ phản tác dụng. Nhưng khi chúng ta tỏ ra khiêm tốn và kiên nhẫn lắng nghe góp ý của người khác thì hiệu quả đạt được lại rất tốt.

Có lần, một phóng viên đã phỏng vấn doanh nhân Nhật Bản Kōnosuke Matsushita (nhà sáng lập Panasonic) và viết bài rằng: 

“Gặp Kōnosuke Matsushita là một việc rất thú vị. Căn bản không có cảm giác rằng ông ấy là doanh nhân số một Nhật Bản. Ông không hề tỏ ra ngạo mạn. Đối với vấn đề tôi đề xuất thì ông lắng nghe rất cẩn thận. Thấy ông hòa ái và dễ gần như vậy, tôi không khỏi thắc mắc, ‘trí tuệ kinh doanh của Matsushita rốt cuộc là cất giấu ở đâu vậy?’. Sau khi quan sát thì tôi đưa ra kết luận: Ông ấy ‘rất giỏi lắng nghe'”.

Năm 1965, kinh tế Nhật Bản suy thoái, hoàn cảnh thị trường lúc đó rất kém; thiết bị điện của Matsushita cũng bị ảnh hưởng rất lớn, dường như rơi vào khủng hoảng. Lúc này, Matsushita muốn điều chỉnh toàn bộ hệ thống bán hàng. Nhưng đề xuất này đã bị hầu hết các nhà kinh doanh và đại lý phân phối phản đối. Vì vậy, Matsushita đã tổ chức một cuộc họp và để mọi người bày tỏ ý kiến của mình.

Lắng nghe tốt giúp biểu đạt ý kiến dễ dàng hơn

Khi mọi người phát biểu ý kiến, Matsushita không nói một lời nào, chỉ ngồi im lặng lắng nghe. Sau khi mọi người đã phát biểu xong, ông mới giải thích cặn kẽ về mục đích và cách thức của phương thức bán hàng mới. Điều đáng ngạc nhiên là mọi người không phản đối mà lại đồng ý với biện pháp của ông.

Nói ít làm nhiều; Lắng nghe người khác; Lắng nghe người khác là gì
Muốn ý kiến của bạn được chấp nhận, trước tiên hãy lắng nghe người khác (ảnh minh họa Adobestock)

Có câu nói: “Chỉ có lắng nghe người khác thật tốt thì bạn mới có thể nói ra ý kiến của mình được dễ dàng hơn”. Như đối với trường hợp của Matsushita ở trên thì câu này tỏ ra rất đúng.

Nhà văn Hemingway từng nói: “Chúng ta mất 2 năm để học nói, nhưng lại phải mất đến 60 năm để học cách im lặng”.

Chúng ta vẫn cho rằng năng lực nói là rất quan trọng, nhưng thực ra biết lắng nghe lại còn quan trọng hơn.

Theo Aboluowang