Bậc trí giả trong mọi hoàn cảnh đều có thể giữ vững bản thân, đạt đến cảnh giới “Không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn”.

Có người chỉ vì có được một chút của cải vật chất mà hớn hở vui mừng, khoa tay múa chân; nhưng khi mất đi một thứ gì đó thì lại khóc lóc đau khổ, tâm trạng xuống dốc không phanh. Đối mặt với những thăng trầm của cuộc đời, nếu luôn bị ngoại vật sai khiến, thì phần lớn cuộc đời sẽ chìm trong bi quan; khó mà cảm thụ được niềm vui của cuộc sống. 

Một người nếu như không biết kiềm chế cảm xúc, thì cả cuộc đời sẽ là ham muốn và thỏa mãn không ngừng. “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỳ bi” (không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn), đây là một loại cảnh giới trong tư tưởng Nho gia; cũng là một tiêu chuẩn đạo đức trong tu thân dưỡng tính của cổ nhân. 

Cổ nhân nói: “Tâm vi hình sở luy”. Ý rằng tâm hồn sẽ trở thành cái mà nó dung chứa. Dục vọng càng lớn thì áp lực cuộc sống cũng càng lớn hơn. Nếu càng ít ham muốn thì cuộc sống sẽ càng thư thái, tự tại.

“Không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn”

Câu nói “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi” là xuất phát từ “Nhạc dương lâu ký” của Phạm Trọng Yêm triều Tống. Nguyên văn là: “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi, cư miếu đường chi cao, tắc ưu kỳ dân; xử giang hồ chi viễn, tắc ưu kỳ quân. Thị tiến diệc ưu, thối diệc ưu; nhiên tắc hà thì nhi nhạc da? Kỳ tất viết: ‘Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc dư!’ …”

Bậc trí giả là gì; Bậc trí giả nghĩa là gì; Bậc quân tử
Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ (ảnh minh họa Pinterest)

Ý tứ của đoạn trên là: 

“Không nên bởi vì của cải vật chất dồi dào mà kiêu ngạo và vui mừng quá đỗi; cũng không nên vì những chuyện không như ý của bản thân mà chán nản bi thương. Lúc ở triều đình làm quan, thì vì nhân dân mà lo lắng; chỉ sợ nhân dân chịu khổ, đói rét. Khi lui về ẩn cư giang hồ, cách xa việc triều chính, thì vì quốc vương mà lo lắng; chỉ sợ quốc vương có thiếu sót. 

Nói như vậy thì chẳng phải họ dù tiến hay thoái đều phải lo lắng rồi, như vậy thì lúc nào mới có thể vui vẻ? Họ nhất định sẽ trả lời như thế này: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. “

Ít nghĩ về tám chín, thường nhớ đến một hai

Thử suy nghĩ một chút, thì đa phần những việc không như ý trong đời đều là do quá xem trọng danh lợi hay được mất cá nhân. Ví như: Tranh giành địa vị, danh dự, lợi ích. Hoặc là cùng người này so cao thấp, cùng người kia so mạnh yếu. Kết quả càng so sánh lại càng không như ý. Dục vọng quá mạnh mẽ mà lực bất tòng tâm; như vậy thì sẽ mất hết ý chí, không gượng dậy được.

Vu Hữu Nhậm, một nhà thư pháp nổi tiếng thời kỳ Dân Quốc từng viết một câu đối trứ danh: “Thiểu tư bát cửu, thường tưởng nhất nhị” (ít nghĩ về tám chín, thường nhớ đến một hai), bức hoành phi là “Như Ý”. 

Trong đời thì thường cứ mười việc lại có tám, chín việc không như ý; không làm sao mà thay đổi được. Vậy sao không quên đi những chuyện ‘tám chín’ không vừa ý, nghĩ nhiều hơn đến chuyện ‘một hai’ làm mình vui thích. 

Bậc quân tử nghĩa là gì; Bậc trí nhân quân tử; Bậc chính nhân quân tử
Bậc trí giả đối với chuyện gì cũng có thể thản đãng, tự tại (ảnh minh họa Pinterest)

Vũ Hữu Nhâm tiên sinh cả đời chìm nổi, lại có thể không màng danh lợi; đối diện vinh nhục không động tâm, cũng là nhờ vào nội hàm của câu đối này. Về sau có người hỏi ông đạo dưỡng sinh để có thể trường thọ, ông đều chỉ vào bức câu đối này và bức tranh hoa sen tả ý treo ở trên tường, rồi cười mà không đáp.

Bậc trí giả giữ tâm đạm bạc, khiêm tốn

Trong lịch sử có rất nhiều trung thần nghĩa sĩ, gặp lúc thất bại đều không lùi bước. Ví như Tô Thức, Nhạc Phi, Tân Khí Tật, Lâm Tắc Từ… sau khi bị cách chức thì không có chán nản thất vọng. Họ vẫn có thể thản nhiên an định, giữ vững đạo nghĩa. 

Làm người nếu như có thể thanh tâm quả dục, không quan tâm hơn thua, tự nhiên sẽ có thể đạt được cảnh giới tinh thần “không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn”. 

Tâm đạm bạc, khiêm tốn, đó là đạo xử thế của bậc trí giả đạo đức cao thượng.

Theo Vision Times