Nhà chứa quan họ làng Diềm (hay thôn Viêm Xá) là nơi tiếp lửa cho quan họ Bắc Ninh tồn tại và phát triển qua bao nhiêu thế hệ.

Đến phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh ta sẽ đến cụm di tích lịch sử mà khách thập phương nhiều nơi biết đến gồm có: “Đền Cùng, Giếng Ngọc”, đình, chùa và nhà chứa quan họ làng Diềm; và gần đây còn có nhà hát quan họ tỉnh Bắc Ninh. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu một trong những nơi để tiếp lửa cho quan họ Bắc Ninh tồn tại và phát triển qua bao nhiêu thế hệ đó là nhà chứa quan họ làng Diềm.

“Nhà chứa quan họ” là cụm danh từ có ý nghĩa cao đẹp

Thời xưa “nhà chứa quan họ” là cụm danh từ có ý nghĩa rất cao đẹp mà chỉ có làng Diềm (Viêm Xá) và các làng kết bạn với làng Diềm như làng Hoài Thị, Hoài Trung (Lim)- Tiên Du mới có chứ không mang ý nghĩa biến tướng như từ “nhà chứa” trong thời hiện đại này. Hồi ấy ở làng Diềm có 9 xóm, mỗi xóm có 1 nhà chứa:

Xóm Dộc nhà cụ Thướng sinh ra cụ nghệ nhân Ngôi Thị Nhi là con gái.

Xóm Đông nhà cụ Trạch (cụ bà).

Xóm Giữa nhà cụ Lý Tỷ là bố chồng cụ Nguyễn Thị Kén là nghệ nhân nhà chứa.

 Xóm Đình nhà cụ Nguyễn Văn Chuộng.

Xóm Tây cụ Nguyễn Đức Bố sinh ra Nguyễn Đức Phúc.

Xóm Đông nhà cụ Nguyễn Thị Thì.

Xóm Đỗ có cụ Nguyễn Đức Học sinh ra nghệ nhân Nguyễn Đức Tập.

Xóm Trước nhà cụ Nguyễn Văn Tinh có con gái là cụ Mật.

Xóm Sau là nhà chứa cụ Tần Vần.

Quan họ Bắc Ninh; Làng quan họ Bắc Ninh ở đâu; Làng diềm quan họ Bắc Ninh
(ảnh: Thùy Linh)

Gọi là nhà chứa vì đó là nhà của người giàu có nhiều đời trong nghề chơi quan họ. Chủ nhà chứa đó là người truyền dạy quan họ cho các đàn em từ sớm nhất là 10 tuổi. Đó là các em nhỏ (quan họ nhí) cho đến khi họ trưởng thành 16 tuổi trở lên gọi là các liền anh, liền chị quan họ (anh Năm, chị Năm). Khi tuổi đời trưởng thành và tích lũy được vốn chơi quan họ nhiều lên thì họ được công nhận là anh (chị) Tư, anh (chị) Ba, anh (chị) Hai…

Nhà chứa được dùng trong các dịp lễ hội

Họ phân ra nhà chứa nam và nhà chứa nữ. Mỗi nhà chỉ được chứa hoặc là toàn nam, hoặc là toàn là nữ. Lúc còn nhỏ, các quan họ nhí được học những bài cơ bản như mời nước, mời trầu, khách đến chơi nhà, buôn bấc buôn dầu, 36 thứ chim, lý cây đa, lý con sáo, 10 nhớ… Từ 16 tuổi trở lên phải học giọng lề lối: La rằng, Kim Lan đường bạn, Tình tang cây gạo… do các ông bà đã chơi lâu đời trong nghề chơi quan họ truyền dạy. 

Nhiều tuổi nhất trong làng quan họ hiện nay có cụ Bàn (là nghệ nhân quan họ). Và hầu hết các ông các bà chủ nhà chứa là các anh cả, chị cả chơi quan họ trước, họ có nhiều vốn, nhiều câu để truyền dạy.

Nhà chứa quan họ làng Diềm - cái nôi của văn hóa Kinh Bắc
Nghệ nhân quan họ Nguyễn Xuân Ký (thứ 2 từ trái sang) (ảnh: Thùy Linh)

Nhà chứa được dùng trong các dịp lễ tết, lệ làng, lễ hội, cưới xin, ma chay. Đó là nét văn hóa của người Việt cổ xưa được lưu truyền đến ngày nay. Đền thờ Vua Bà- thủy tổ quan họ có từ thời thuộc Pháp. Thời ấy nhà chứa là nơi tụ tập học hát; nơi này chỉ có nam thanh nữ tú- chưa lập gia đình sau khi tập xong được ngủ lại đó. 

Có những quy tắc nhất định

Chủ nhà chứa cung cấp nước nôi, chỗ ăn ở, nồi cháo lúc đêm khuya… cho họ. Sáng hôm sau lại ai về nhà nấy, lại đi cấy, đi cày và làm các công việc thường ngày. Khi làng có việc, quan họ kết chạ, tập trung ra lễ thánh, vào đình hoặc đền hát ca thờ thánh vài câu rồi về nhà chứa cầu vui (hát ca mừng hội). 

Nhà chứa quan họ làng Diềm - cái nôi của văn hóa Kinh Bắc
(ảnh: Thùy Linh)

Khi cầu vui ngồi hát cũng phải phân biệt như: Nam riêng, nữ riêng. Nam của làng này hát với nữ của làng kia (hát đối). Cứ như thế, trong 9 nhà chứa đều có bọn quan họ (nhóm chơi quan họ) tham gia hát trong ngày hội đám đó. Có thể họ ca hát trong 3 ngày 3 đêm. Mọi chi phí do bọn quan họ làng đó lo. Nhà chứa góp công đức được bao nhiêu thì tùy; còn khách quan họ được mời đến chỉ có cơi trầu, hoa quả tùy tâm. 

Nhiều lứa tuổi tham gia hát quan họ

Thời xưa là như vậy nhưng vài chục năm sau thì mai một đi do người người nhà nhà mải mê làm kinh tế. Dần dần trong làng chỉ còn vài ba bọn chơi quan họ. Hiện nay trong làng chỉ còn một nhà chứa duy nhất truyền từ 7 đến 8 đời đó là nhà cụ Khô (cụ bà) được phong là nghệ nhân nhà chứa. 

Để theo kịp xã hội hiện đại, trước đây 1 bọn quan họ chỉ khoảng 10 người, nhưng ngày nay các câu lạc bộ phát triển gồm khá nhiều thế hệ và nhiều lứa tuổi.

Thế hệ thứ 1 là từ 10 tuổi đến 18 tuổi.

Thế hệ thứ 2 là từ 19 tuổi đến 35 tuổi.

Thế hệ thứ 3 là từ 36 tuổi đến 65 tuổi.

Thế hệ thứ 4 là từ 66 tuổi trở lên.

Nhà chứa quan họ làng Diềm – cái nôi của quan họ Bắc Ninh

Hiện nay ở khu phố Viêm Xá có 120 thành viên quan họ ở trong làng thuộc 4 thế hệ. Vì đông người nối tiếp qua các thế hệ mà du khách hàng năm tham quan du lịch nhiều nên không thể dùng nhà chứa tư nhân được nữa. Sở văn hóa du lịch tỉnh và bộ văn hóa đã rót kinh phí về xây dựng nhà chứa quan họ cho các làng quan họ cổ. Từ đó làng Diềm mới có nơi để sinh hoạt cộng đồng cho người quan họ đón khách thập phương đến tham quan và giao lưu. 

Nhà chứa quan họ làng Diềm - cái nôi của văn hóa Kinh Bắc
(ảnh: Thùy Linh)

Đây cũng là nơi sinh hoạt thường kỳ của câu lạc bộ quan họ của làng. Tỉnh Bắc Ninh hiện cũng có 6 làng cổ nữa cũng có nhà chứa quan họ như ở làng Diềm: Vạn An, Thị Cầu, làng Lim, Bồ Sơn, Tam Tảo, Lũng Giang. 

Vào mỗi tối chủ nhật của tuần, từ 8 đến 10 giờ, đi đến đầu làng đã nghe những câu ca quan họ ngân nga, trong trẻo như mời chào khách đến câu lạc bộ quan họ đang sinh hoạt thường kỳ. Hiện giờ học sinh đang nghỉ hè nên các cháu đang say sưa đón nhận những làn điệu quan họ trữ tình do các nghệ nhân làng Diềm (cái nôi của quan họ Bắc Ninh) truyền dạy. 

Mời bạn hãy ghé thăm nơi đây- “Nhà chứa quan họ làng Diềm”.