Cổ nhân vẫn thường nói: “nữ sắc không bỏ, khó thành nghiệp lớn”. Làm một bậc sĩ phu chân chính thì cần phải học cách khắc chế dục vọng của mình.

Ngạn ngữ có câu: “Rượu là độc dược thấm vào ruột, nữ sắc là dao thép gọt xương tủy”. Từ xưa đến nay, có rất nhiều bậc quân vương có công lao lớn; nhưng chỉ bởi một chữ “sắc” mà mất đi giang sơn.

Ví như vua Kiệt thời kỳ nhà Hạ, còn có Chu U Vương vì nụ cười của Bao Tự mà đốt lửa đùa giỡn chư hầu. Bọn họ đều là trầm mê trong mỹ sắc mà ý chí tiêu tan; rồi trở thành những ông vua mất nước.

Từ xưa đến nay, anh hùng vốn khó qua ải mỹ nhân. Nhưng nếu muốn thành tựu nghiệp lớn, thì nhất định phải học cách khắc chế dục vọng. Nếu không thì thân thể bất an, vận thế bất đạt, sự nghiệp bất thành. Về việc dứt trừ sắc tâm này, trong lịch sự có một tấm gương nổi tiếng, đó chính là Tăng Quốc Phiên. Ông được ca tụng là “thiên cổ đệ nhất hoàn nhân”. Ý nghĩa là “người hoàn hảo nhất mọi thời đại”.

Công khai thừa nhận bản thân có tâm háo sắc

Tăng Quốc Phiên cả đời nghiên cứu và thực hành Nho giáo. Nỗ lực tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, chăm chỉ không ngừng. Cố gắng thực hiện chí hướng cao cả của một bậc sĩ phu là “lập đức, lập công, lập ngôn”. Nhân gian có cách nói: “Muốn làm chính trị học Tăng Quốc Phiên, muốn học kinh doanh học Hồ Tuyết Nham”. 

Ông là một người biết tu dưỡng và tiết chế cao độ; nhưng trong nhật ký của mình, ông không ngại thừa nhận bản thân có tâm háo sắc.

Lúc làm quan ở Kinh đô, sau mỗi lần bãi triều, vì để xây dựng mối quan hệ, ông thường lui tới các quán rượu hí kịch; thậm chí cả những nơi phong nguyệt thanh lâu.

khống chế dục vọng; khắc chế sắc dục; kiềm chế dục vọng; dứt trừ sắc niệm
Tăng Quốc Phiên từng lui tới các quán rượu hý kịch (ảnh minh họa Pinterest)

Vài năm sau, ông dần ý thức được việc đó không đúng, nên bắt đầu lảng tránh. Nhưng cũng không ít lần vẫn phải đi cùng quan trên hoặc bạn bè đồng hữu. 

Tuy lúc này ông đã có ý định muốn dứt bỏ sắc tâm; nhưng khi thấy mỹ nhân, vẫn là khó mà khắc chế, còn đưa mắt liếc trộm vài lần.

Hai cách khắc chế dục vọng của Tăng Quốc Phiên

Vậy phải làm sao mới có thể tự khống chế tâm sắc dục? Tăng Quốc Phiên đã nghĩ ra hai cách:

Cách thứ nhất: Viết nhật ký

Trong Tăng Quốc Phiên gia huấn có nói: “Người trẻ nhất định phải nghiêm khắc kiềm chế bản thân, trước tiên phải dứt trừ nữ sắc . Nếu có thể dứt trừ được loại tâm ấy, thì nhất định có thể thành tựu đại nghiệp”.

Tăng Quốc Phiên tự chế ra ba loại giới cấm cho mình: giới cấm sắc, giới cấm hút thuốc, giới cấm vọng ngữ. Giới cấm sắc đứng đầu trong ba giới. Bởi ông cho rằng, sắc tâm không bỏ đại sự khó thành. Vì để thành tựu nghiệp lớn, ông lập chí phải đoạn trừ sắc niệm. Mỗi ngày đều ghi chép lại những hành vi háo sắc của mình. 

Trong nhật ký có đoạn ông đau khổ tự mắng chửi bản thân: “Năm trước, ta đã thề phải từ bỏ điều ác này. Hôm nay lại tái phạm, thật là đáng xấu hổ, thật đáng hận! Lâu như vậy rồi vẫn không thể khắc chế được dục vọng, đối mặt với bằng hữu thật là xấu hổ”. Sau đó, cứ cách một khoảng thời gian ông lại mở ra xem lại, lấy đó để đốc thúc chính mình sửa đổi, kiên quyết thực hành giới cấm sắc.

Cách thứ hai: Tự làm cho cuộc sống thật bận rộn 

Làm cho cuộc sống của mình trở nên thật bận rộn, bận tới nỗi không có lòng dạ nào mà nghĩ tới sắc dục.

Công việc của Tăng Quốc Phiên rất nhiều, nhưng chỉ cần rảnh rỗi ông sẽ luyện tập thư pháp. Vừa giúp tu thân dưỡng tính, đồng thời cũng phân tán sự chú ý với sắc dục.

Cứ như vậy, ông đã khắc chế được dục vọng của mình, nỗ lực “giới cấm sắc” cũng thành công. Sau này, bởi vì một đời đã chuyên tâm đọc sách, luyện chữ, tu dưỡng phẩm hạnh mà ông đã trở thành một bậc thánh hiền.

Trên đây là hai cách khắc chế dục vọng của Tăng Quốc Phiên. Trong xã hội hiện nay, nếu ai muốn thành tựu sự nghiệp, thì nên dụng tâm để học hỏi.

Theo Vision Times