Văn hóa thưởng trà của người Anh
Nước Anh không sản xuất trà, nhưng người Anh lại rất yêu thích trà. Văn hóa thưởng trà của người Anh cũng có nhiều nét rất độc đáo.
Trà được các thương nhân Hà Lan và Bồ Đào Nha mang tới Anh từ thế kỷ 17. Lúc đầu, người ta chỉ coi nó như một thức uống tốt cho sức khỏe. Tới thế kỷ 18, nhiều quán cà phê của Luân Đôn mang trà ra quảng bá. Từ đó thưởng thức trà trở thành một trào lưu thời thượng. Giữa thế kỷ thứ 19, giới thượng lưu ở Anh bắt đầu thịnh hành với những buổi tiệc “trà chiều”.
Nội dung chính
Nguồn gốc của văn hóa thưởng trà tại Anh
Nghe nói năm đó, nữ công tước thứ 7 cuả xứ Bedford là phu nhân Anna; vì thói quen dùng bữa tối lúc 8h giờ, nên chiều nào phu nhân cũng đói bụng lúc 4h. Vì thế bà dặn nhà bếp chuẩn bị trà, bánh mì và một chút điểm tâm để ăn nhẹ vào giờ này. Ban đầu bà chỉ mời một ít bạn bè tới tham gia, dần dần đông lên; lan truyền trong khắp giới thượng lưu, xuống cả tầng lớp trung lưu, thành một loại trào lưu thời thượng. Cho tới tận ngày nay, “tiệc trà chiều” trở thành một loại văn hóa biểu tượng của người Anh.
Thuận theo trào lưu và sự phổ biến rộng rãi của trà tại Anh quốc mà dụng cụ pha trà, như ấm, chén bằng gốm sứ cũng được truyền nhập vào. Thời đó, trà và đồ gốm sứ đều rất đắt đỏ, nên tất nhiên mọi người cũng chú trọng đến độ tinh xảo của nó. Hiện nay, nếu có dịp nào đó được thưởng thức một buổi “trà chiều” của người Anh, bạn sẽ thấy đồ pha trà của họ rất tinh mỹ.
Tuy nhiên, họ lại không quá chú trọng trong việc lựa chọn trà. Trà ở Anh thường được nhập từ Ấn Độ, Sri Lanka, Châu Phi và Trung Quốc.
Bữa trà sáng kiểu anh (English breakfast tea)
Người Anh có thói quen uống nước trà được pha cùng sữa vào buổi sáng. Theo truyền thống thì họ thường dùng hồng trà. Hồng trà là cách gọi của người Trung Quốc, vì nước trà có màu đỏ. Người Anh lại gọi là trà đen, vì lá trà có màu đen.
Tại sao họ lại có thói quen uống hồng trà? Là vì ở thế kỷ 17, vận chuyển đường biển mất thời gian dài. Công nghệ đóng gói rất đơn sơ. Dẫu là trà xanh tươi mới mẻ, mà vận chuyển đường biển từ Trung Quốc tới Luân Đôn cũng sẽ chẳng còn tươi xanh nữa. Trong khi đó, hồng trà là loại trà đã trải qua quá trình lên men, nên dù để lâu cũng không ảnh hưởng tới chất lượng. Vì thế mà các thương nhân Châu Âu thường lựa chọn hồng trà, người Anh cũng vì thế mà có thói quen dùng hồng trà.
Hồng trà phổ biến nhất ở Anh là một loại trà được pha trộn từ hai hoặc ba loại trà. Nước trà đậm đà và người ta thường cho thêm sữa và đường khi uống. Nghe nói, vào thời Victoria, một thương nhân người Scotland đã cung cấp loại trà được coi là cao cấp cho khách hàng ở New York. Đó chính là loại trà được trộn từ hai đến ba loại trà mà thành. Hiện nay mỗi thương nhân trà đều có công thức trà của riêng mình. Đương nhiên mỗi người mỗi cách trộn, nên hương vị và khẩu vị cũng khác nhau.
Trà “chính sơn tiểu chủng” của Trung Quốc rất được ưa chuộng ở Anh
Còn một loại hồng trà nữa rất được đón nhận ở Anh, đó là trà “chính sơn tiểu chủng” đến từ Trung Quốc; nhưng chính Trung Hoa lại không biết nhiều về nó. Loại hồng trà này ở vùng Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến, đã có lịch sử rất lâu đời.
Tương truyền, vào triều Minh có một đạo quân tình cờ đi ngang qua đây. Đúng lúc vào mùa thu hoạch trà, người dân chưa từng thấy nhiều binh lính như vậy, nên sợ quá bèn trốn đi. Đợi tới khi mang được trà về nhà, thì trà đã lên men. Để giảm bớt tổn thất, họ đã nghĩ ra một cách: dùng cành, lá cây tùng để hun trà.
Kết quả loại trà đã qua xử lý này lại rất được ưa chuộng. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao theo từng năm, làm nên thương hiệu hồng trà “chính sơn tiểu chủng”. Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, nó thường được xuất khẩu sang Châu Âu, trở thành loại trà rất có giá trị trên thị trường trà ở Châu Âu lúc bấy giờ.
Văn hóa thưởng trà bắt nguồn từ Trung Quốc
Ở Anh, Tiệc trà nổi tiếng nhất có lẽ là của Nữ Hoàng Anh tổ chức. Khách mời lên đến hơn vạn người, tại cung điện Buckingham và sân của Cung điện Hallirud. Những người được mời chủ yếu là những người có cống hiến cho đất nước. Chẳng hạn như cựu chiến binh, các nhà từ thiện và tình nguyện viên.
Theo hồ sơ ghi chép của Hoàng gia Anh, tiệc trà lần thứ nhất là năm 1887, mừng đại lễ vàng kỷ niệm ngày đăng cơ của nữ Hoàng Victoria. Tiệc trà lần thứ 2 là vào đại lễ kim cương, kỷ niệm ngày đăng cơ năm 1897.
Năm xưa Thần Nông đã lấy thân mình thử nghiệm tất cả thảo mộc, phát hiện ra trà, truyền lại cho con cháu Viêm Hoàng. Sau này lại được truyền tới tận Anh Quốc, tạo ra thành một loại văn hóa biểu tượng tại nơi đó. Vậy nên có thể nói, văn hóa thưởng trà được bắt nguồn từ Trung Quốc.
Đương nhiên, không chỉ riêng Anh Quốc, nguồn gốc của trà từ khắp các quốc gia trên thế giới đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Có người nói, văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thần truyền, là do Thần truyền cấp cho con người.
Nếu thật sự là Thần đã truyền văn hóa thưởng trà xuống cho con người, thì ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa Trung Hoa đối với thế giới cũng là do Thần sắp đặt?
Theo Sound Of Hope