Cúng dường phải chăng cứ phải là tiền nghìn bạc vạn, lập trai đàn thật lớn thì mới có tác dụng? Vậy người nghèo biết lấy gì để cúng dường?

Có một bé gái vừa sinh ra, tay phải liền nắm chặt thành quả đấm nhỏ, nhất định không mở ra. Mãi cho đến khi 5 tuổi, người cha mới mở tay của bé ra, phát hiện trong lòng bàn tay bé nhỏ lại có một đồng tiền vàng sáng choang.

Người cha kinh ngạc, cầm lấy đồng tiền vàng từ trong tay của bé. Điều kỳ diệu lại xảy ra, dường như ngay lập tức, trong tay của bé lại xuất hiện một đồng tiền vàng mới. Khi vừa lấy đồng tiền vàng mới này đi, lại thấy xuất hiện thêm một đồng nữa. Cứ lấy đi lại xuất hiện thêm, mãi mà không hết; chỉ trong một lát mà tiền vàng đã chất đầy căn phòng…

Cô bé này chính là con gái của vua A Dục thời Ấn Độ cổ đại. Vua A Dục cảm thấy việc này vô cùng thần kỳ, vì vậy đã đi thỉnh cầu trưởng lão Gia Xa khai thị. Trưởng lão vì vậy đã nói ra nhân duyên của việc này.

Duyên lành bắt đầu nhờ một thiện niệm

Thời Đức Phật tại Ấn Độ truyền Pháp, cùng với các tỳ kheo vào thành Vương Xá hóa duyên. Khi đang đi trên đường phố, thì nhìn thấy 2 đứa bé đang nghịch cát ở bên đường. Chúng dùng cát xây thành lâu đài, nhà cửa, kho lương; lại đem cát làm thành gạo và lương khô, và để vào trong kho lương. Hai đứa bé, một đứa tên là Đức Thắng, một đứa tên là Vô Thắng.

Khi Đức Phật chậm rãi đến gần, hai đứa bé bất giác ngừng chơi; trong tâm khởi lên lòng cung kính vô hạn, bởi vì hào quang thần thánh của Đức Phật đã chiếu sáng khắp thân chúng. Hai đứa bé đã cảm nhận được lực lượng trang nghiêm từ bi này. 

Cúng dường là gì; Cúng dường tam bảo; Cúng dường trai tăng
Đức Thắng lấy cát cúng dường cho Đức Phật (ảnh minh họa Kknews)

Đức Thắng ngây thơ, liền lấy tay bốc lấy một nắm cát ở trong “kho lương” vừa xây xong, coi như là “gạo” và dâng lên Đức Phật, cũng thành kính phát nguyện: “Tương lai con nhất định sẽ thiết lập cúng dường thật nhiều trong thiên hạ. Tạo thuận lợi cho người tu luyện hóa duyên trai thực”.

Thệ nguyện hồn nhiên và tốt đẹp này đã gieo phúc đức cho kiếp sau. Sau khi Đức Phật nhập niết bàn 100 năm, Đức Thắng chuyển sinh làm vua của Thiệm Bộ Châu, phía Nam của núi Tu Di, ở tại thành Hoa Thị bên bờ sông Hằng, tên là vua A Dục. Vua A Dục đã xây dựng 84000 bảo tháp và thu thập xá lợi Phật ở khắp nơi; hơn nữa thường ở trong cung cúng dường cho rất nhiều tăng nhân.

Tỳ nữ cúng dường đồng tiền nhặt được trong đống rác

Trong cung có một tỳ nữ nghèo khổ, thấy vua A Dục giàu có và thiện lành như vậy, trong lòng thường xuyên khen ngợi và ngưỡng mộ: “Kiếp trước vua nhất định là một người lễ Phật hành thiện, nên kiếp này mới được quả báo. Mình kiếp trước tạo nghiệp, kiếp này mới nghèo khổ. Nếu như không tu thiện hạnh, tương lai không biết sẽ như thế nào đây”.

Cứ nghĩ về điều đó, người tỳ nữ bất giác đau thương rơi lệ. Bỗng nhiên cô thấy trong đống rác có một đồng tiền, liền cẩn thận nhặt lên; cũng dùng ống tay áo của mình lau chùi cho thật sạch. Đúng vào lúc này, cô gặp được các tăng nhân đang ăn chay; lòng đầy vui mừng, cô mang đồng tiền này bố thí cho họ. Không lâu sau tỳ nữ bị bệnh và qua đời.

Cúng dường chư tăng; Tu tại tâm là gì; Tu trong tâm
Phật chỉ nhìn nhân tâm, không coi trọng hình thức bề ngoài (ảnh minh họa Pinterest)

Phu nhân vua A Dục sau một thời gian mang thai thì sinh con. Bà sinh hạ được một bé gái, tướng mạo đoan trang, cử chỉ dịu dàng; quả thực là có một không hai trên đời. Điều kỳ lạ là, nắm tay của bé từ khi sinh ra cứ mãi nắm chặt không chịu xòe ra.

Trưởng lão Gia Xa nói, bé gái này chính là tỳ nữ chuyển sinh. Bởi vì cô chỉ có một đồng tiền mà lại cúng dường cho các tăng nhân, cho nên đắc được phúc báo. Cô không chỉ đầu thai vào nhà đế vương, tướng mạo đoan trang hiền thục; hơn nữa tài sản từ lúc sinh đã tự nhiên đến, vô cùng vô tận, cuồn cuộn không ngừng.

Phật chỉ xét nhân tâm

Có thể thấy, cúng dường thực sự, dù là tiền nghìn bạc vạn cũng không bằng một nắm cát của đứa bé; dâng hương hết nén này nén khác cũng không bằng một đồng tiền trong đống rác. Đức Phật không có yêu thích tài vật như con người; điều ngài muốn chỉ là tâm thành kính và lòng tín Phật của chúng sanh mà thôi!

Cúng dường thực sự không phải là càng nhiều tài vật càng tốt, mà càng thành kính càng tốt, Phật chỉ xét nhân tâm chứ không phải hình thức bề ngoài.

Theo Vision Times