Thời xưa, mỗi khi đào xong một cái giếng, theo phong tục người ta sẽ thả hai con rùa vào trong. Điều này có ý nghĩa gì? Chúng ta thử cùng tìm hiểu nhé!

Nguồn gốc của giếng nước

Trong truyền thuyết Trung Hoa, người phát minh ra giếng nước chính là Bá Ích, hậu duệ của Hiên Viên Hoàng Đế. Trong Kinh Dịch có nói: “Cải ấp bất cải tỉnh”, ý nghĩa là sửa ấp không thay đổi giếng. Khổng Dĩnh Đạt, một nhà nghiên cứu Kinh dịch nói: “Người xưa đào đất lấy nước, múc lên cho vào bình chứa thì gọi là giếng”.

Trước khi có hệ thống cấp nước như ngày nay, thì giếng là nơi cung cấp nước quan trọng nhất của con người. Bởi vậy trong lịch sử dài đằng đẵng, có không ít truyền thuyết và các phong tục liên quan đến giếng.

Phong tục tập quán; phong tục truyền thống; văn hóa truyền thống
Có rất nhiều truyền thuyết và các phong tục liên quan đến giếng (ảnh: Phohen)

Thời xưa không có hệ thống cung cấp nước như bây giờ, người dân may mắn sống ven sông có thể dùng trực tiếp nước sông, hoặc nước suối. Nhưng những nơi không gần nguồn nước, thì phải đào giếng lấy nước sạch để dùng.

Trước đây, khi đào xong một chiếc giếng, người ta có phong tục thả hai con rùa xuống.

Đến nay, nhiều nơi người ta đã tìm thấy rùa ở những chiếc giếng cổ. Rốt cục là vì sao lại có phong tục này? 

Phong tục thả rùa trong giếng

Đã có rất nhiều lời giải thích về phong tục này, trong đó có một cách nói dựa theo khoa học thì chính là vì để kiểm tra chất lượng nước.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, thời cổ đại không có các thiết bị kiểm tra, đánh giá chất lượng nước sạch; chỉ có thể dùng rùa để thử nước trước. Nếu rùa có thể sống vô tư trong giếng, thì nước này có thể dùng để uống được. 

Vào thời cổ đại, mỗi thôn trang chỉ có một đến hai chiếc giếng mà thôi. Nước giếng có sạch và an toàn hay không, sẽ liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân địa phương.

Vậy nên để tránh việc có kẻ đầu độc nước giếng, người ta thả rùa để thử nước, và cảnh báo các nguy hiểm.

Cách dự đoán thời tiết và điều kiện môi trường của người xưa

Thực ra, ngoài việc dùng rùa để thử nước giếng, người ta còn dùng phản ứng đặc biệt của một số loài động vật khác, để phán đoán điều kiện môi trường có an toàn hay không.

Có người khi xây nhà, nếu thấy ổ rắn; sẽ không giết hại mà dùng pháo đuổi đi, giữ lại hang ổ. Đợi cho nhà đã xây xong, rắn sẽ tự quay trở lại ổ. Vì sao mọi người lại không đuổi rắn đi?

Họ dùng rắn để dò xét xem ngôi nhà có an toàn hay không; nếu nền móng không vững chắc và nhà có thể bị sập thì rắn sẽ chui ra, chạy tứ tán.

Trong dân gian còn lưu truyền những câu tục ngữ như “chim én bay xuống trời sẽ mưa”, “trời mưa con kiến chuyển nhà”. Hoặc khi thấy nhiều chuồn chuồn đỏ bay thấp tà tà, liền biết rằng trời sắp mưa. Điều này chứng tỏ người xưa thường quan sát những dấu hiệu đặc thù của động vật, để dự đoán về thời tiết và điều kiện môi sinh. Đây là trí tuệ được tích lũy trong cuộc sống của người xưa. 

Một giải thích khác cho phong tục thả rùa trong giếng

Thanh Long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ, là tứ đại thần thú trong truyền thuyết. Trong đó, Huyền Vũ là sự kết hợp giữa rùa và rắn; vì không có sinh vật nào có hình dáng như vậy, nên rùa được coi là vật thay thế cho Huyền Vũ.

Phong tục tập quán; phong tục truyền thống; văn hóa truyền thống
Rùa được coi là vật thay thế cho thần thú Huyền Vũ (ảnh: Aboluowang)

Trong thuyết âm dương ngũ hành, Huyền Vũ chủ về thủy, mang tính âm; được coi là chân thân của Huyền Thiên Trấn Vũ nổi tiếng trong Đạo giáo. Bởi vậy mà mai rùa thường dùng để bói toán.

Trong Lễ Ký có ghi lại: “Huyền Vũ, cũng là rùa, rùa có giáp, có thể chống lại ngoại xâm”. Cho nên cổ nhân thả rùa vào trong nước, còn có dụng ý dùng để trấn thủ và cầu nguyện. Hy vọng được thần linh phù hộ thông qua rùa. Mặt khác, rùa tượng trưng cho sự trường thọ; thả rùa cũng là gởi gắm mong muốn được bình an, trường thọ.

Truyền thuyết thả rùa để tưởng nhớ thần Cổn

Tương truyền, Cổn vốn là một thiên thần. Vì thương chúng sinh khốn khổ trong trận đại hồng thủy, liền xin thượng đế ban cho “đất sinh trưởng” để trị thủy, nhưng thượng đế không cho. Cổn bèn nhờ Xi Điểu tìm nơi chứa đất, sau đó nhờ rùa thần cõng đất; đem đất đó ném xuống hạ giới để chặn dòng nước lũ. 

Thượng đế biết chuyện thì nổi giận, không những thu lại đất, còn hạ lệnh giết Cổn. Cổn chết, linh hồn không tiêu tán, chuyển sinh thành Đại Vũ tiếp tục trị thủy cứu dân. 

Phong tục tập quán; phong tục truyền thống; văn hóa truyền thống
Đại Vũ trị thủy (ảnh: Aboluowang)

Đại Vũ dùng hết sức mình trị thủy, ba năm không bước vào nhà; cuối cùng cũng thành công, được hậu nhân tôn xưng là Thủy Quan Đại Đế.

Người đời sau cảm kích những cống hiến và hy sinh của ông, nên thả rùa vào giếng để tưởng nhớ.

Trong nhận thức của người hiện đại, đây chỉ là một truyền thuyết cổ xưa. Cho rằng, truyền thuyết thì thường phóng đại, không đáng tin. Tuy nhiên, nếu dùng tri thức hạn hẹp mà nhận định là mê tín thì cũng quá tùy tiện rồi.

Trong chiều dài lịch sử, các loại phong tục, tập quán được lưu truyền cho đến ngày nay cũng là một loại văn hóa. Tìm hiểu, nghiên cứu chúng giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống của người xưa ở nhiều góc độ; đồng thời làm cho lịch sử trở nên sống động, cụ thể hơn.

Trong lịch sử dài đằng đẵng, cuộc sống con người đã hình thành nên rất nhiều các loại phong tục tập quán; mà đằng sau đều ẩn chứa nhiều điều huyền bí.

Theo Aboluowang