Cầu vồng đôi ở Điện Buckingham là điềm lành hay dữ?
Khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II vừa qua đời thì bên ngoài Điện Buckingham ở London bất ngờ xuất hiện cầu vồng đôi. Đây là điềm lành hay dữ?
Nội dung chính
Cầu vồng đôi xuất hiện thường là báo hiệu điềm dữ
Đa số mọi người đều tin rằng sự xuất hiện của cầu vồng đôi sẽ mang đến điềm lành. Tuy nhiên trong con mắt của người xưa, cầu vồng đôi thường là báo hiệu của những điều không may mắn. Các nhà phong thủy cũng cho rằng, cầu vồng đôi xuất hiện nghĩa là Trời cao rút kiếm, giương cung; họa vô đơn chí, tai họa sẽ liên tục giáng xuống.
Ngũ Hoài Phác, nhà huyền học người Hồng Kông đã từng căn cứ theo sách cổ mà viết một bài báo về hiện tượng “cầu vồng đôi”, nói rằng cầu vồng đôi xuất hiện là báo hiệu nhân loại sẽ phát sinh 4 sự kiện lớn: Dân oán khắp nơi; quân thần bất hòa; thiên tai nhân họa; quý nhân ra đời (thời Tiên Tần, cầu vồng xuất hiện là báo hiệu của bậc đế vương đản sinh).
“Song thải hồng” (cầu vồng đôi) vào thời xưa được gọi là “Hồng Nghê”, hoặc là “Đế Mộc” (螮蚞). Trong “Nhĩ nhã . Thích thiên” có chép: “Hồng song xuất, sắc tiên thịnh giả vi hùng, hùng viết hồng; ám giả vi thư, thư viết nghê”. Ý là cầu vồng có màu tươi sáng thì gọi là “Hồng”, là chỉ tính đực; mà màu hơi tối hơn một chút thì gọi là “Nghê”, là chỉ tính cái. Vậy nên cả 2 hợp lại mới gọi là “Hồng nghê”.
Trong mắt người xưa, “Hồng nghê” còn là “Rồng hai đầu” có thể uống nước; cũng cho rằng sự xuất hiện của thiên tượng này là báo hiệu cho dân oán khắp nơi, địa phương tạo phản, bề tôi phản loạn, chính biến vô thường, chiến loạn liên miên…
Ghi chép liên quan đến “Hồng nghê” trong sách cổ
Sách “Hoài nam tử . thiên văn huấn” chép: “Cầu vồng, sao chổi trên trời là điều đáng sợ”.
Sách “Xuân thu sấm” chép: “Trên trời có cầu vồng, thiên hạ oán, trong nước nổi loạn”.
Trong “Đối tai dị” chép: “Cầu vồng đôi gần đây, gian thần mưu mô; sắp tới đây, khách thay chủ”.
“Tấn thư” viết: “Tháng giêng năm Kiến Hưng thứ 5 thời Mẫn Đế, vua tại Bình Dương, cầu vồng đôi trải trên bầu trời. Mấy năm sau vua bị Lưu Thông giết”.
Ngoài ra, cầu vồng đôi còn bị gọi là “khí bất chính”, “yêu khí”, tượng trưng cho việc nam nữ vượt quá lễ, quân chủ thất đức…
Từ xưa còn có câu tục ngữ: “Cầu vồng xuất hiện ở phương Đông thì không được dùng tay chỉ vào nó, nếu không sẽ gặp xui xẻo”.
Cầu vồng trong ngạn ngữ cổ dự báo trước tai ương
Trong ngạn ngữ dân gian, sự xuất hiện của cầu vồng theo các hướng khác nhau cũng báo hiệu sẽ phát sinh các tai họa khác nhau.
Nông dân ở Hà Bắc có câu tục ngữ: “Cầu vồng phía Đông thì sấm vang; cầu vồng phía Tây thì mưa; cầu vồng phía Nam thì bán con gái; cầu vồng phía Bắc thì sắp có chiến tranh”.
Còn có một câu ngạn ngữ nói: “Cầu vồng phía Đông thì nhỏ từng giọt; cầu vồng phía Tây thì mưa; cầu vồng phía Nam thì bán con gái; cầu vồng phía Bắc thì động binh đao; cầu vồng đôi xuất hiện thì trời đất chuyển dời”.
Vì cầu vồng hiếm khi thấy xuất hiện ở phía Nam và Bắc, cho nên coi đây là điềm chẳng lành, nếu xuất hiện hiện tượng này thì sẽ là một năm mất mùa, phát sinh thiên tai khá lớn, khiến dân chúng lầm than, dẫn đến hiện tượng phải bán con gái.
Cầu vồng đôi cũng báo hiệu cho điềm lành
Đa số cầu vồng đôi bị người xưa coi là tai ương, điềm dữ. Vậy cầu vồng đôi có bao giờ là tượng trưng cho điềm lành không?
Trong một số sách cổ cũng có ghi chép về cầu vồng đôi mang tới điềm lành. Ví dụ như trong “Giới am lão nhân mạn bút” có nói tới chuyện thư sinh Đường Ưng Đức tham gia khoa cử. Trước khi thi nhìn thấy trước cửa có cầu vồng đôi. Kết quả năm đó thi Hương đỗ; mùa xuân năm Kỷ Sửu thi Hội lại đỗ đầu.
Trong “Thái bình quảng ký” có chép, danh thần Vi Cao thời nhà Đường, lúc đang trấn giữ Tứ Xuyên, từng cùng khách khứa bày tiệc tại quận Tây Đình. Giữa buổi tiệc, bỗng thấy cầu vồng đôi từ trên không trung rơi thẳng xuống phủ, rất lâu sau mới tản đi.
Vi Cao đối với việc này cảm thấy rất sợ hãi, vì vậy đã ngừng buổi tiệc. Đậu Lư Thự, từng là Thiếu doãn Hà Nam, hiện tạm trú ở Tứ Xuyên, cũng có mặt ở bữa tiệc; ông đứng dậy hỏi Vi Cao vì sao mà sắc mặt có vẻ lo lắng vậy.
Vi Cao nói: “Tôi nghe nói cầu vồng đôi xuất hiện là khí yêu tà. Hôm nay ngay lúc chúng ta đang uống rượu thỏa thích thì lại có khí yêu tà này đến; chẳng lẽ không kỳ quái sao?”
Cầu vồng đôi xuất hiện ở nơi tà là dữ, xuất hiện ở nơi chính là lành
Đậu Lư Thự nghe vậy mới đáp: “[cầu vồng đôi] xuất hiện ở nơi tà thì sẽ báo hiệu cho điều bạo ác tàn khốc; mà xuất hiện ở nơi chính thì sẽ báo hiệu cho điều may mắn. Ngài là người chính trực, phải vì điềm lành mà ăn mừng, chứ vì sao mà lại lo lắng như vậy?”
Hơn 10 ngày sau, Hoàng đế bổ nhiệm Vi Cao làm Trung thư lệnh. Như vậy có thể thấy, lời nói của Đậu Lư Thự rất có đạo lý.
Vậy theo bạn, với tình hình hiện tại của Vương Quốc Anh, thì cầu vồng đôi ở Điện Buckingham sẽ là báo hiệu cho điềm lành hay dữ?
Theo Vision Times