Một con chó ngao dữ nhất thì cả đời không sủa tiếng nào, lại còn tỏ ra chậm chạp, nhưng thực ra nó đang ẩn giấu một sức mạnh khủng khiếp. 

Một con chiến ngao thực thụ

Trong tập 2 của bộ tiểu thuyết “Mật mã Tây Tạng” có nói về việc một con chiến ngao đạt tiêu chuẩn thì cả đời sẽ không sủa tiếng nào: 

“Chó ngao có thể hình khỏe mạnh cao lớn, chạy ào ào như gió, sức khoẻ như trâu, móng sắc như hổ báo sư tử. Vốn đã là giống chó xuất chúng trong các loại chó. Chỉ với ưu thế về thân thể, người ta cũng có thể liệt nó vào hàng đại sư chiến đấu rồi. 

Có điều, một con chiến ngao đạt tiêu chuẩn, tuyệt đối không giống như vị tướng quân chiến thắng trở về, hay võ sĩ quyền Anh vừa vô địch, bước đi huênh hoang cao ngạo, điệu bộ như coi thường cả thiên hạ đâu. Thực tế hoàn toàn ngược lại.

Con chó dữ nhất; Con chó dữ nhất thế giới; Con chó hung dữ
Một con chiến ngao thực thụ lại có bề ngoài rất hiền lành (ảnh minh họa Reddit)

Chiến ngao được huấn luyện thành thục, nó sẽ thu mình lại, ẩn giấu nanh vuốt, ánh mắt cũng không hung ác tàn bạo. Nó sẽ cúi gằm đầu xuống, tai cụp che mắt, trông như một con chó bình thường hoàn toàn không có gì nguy hiểm vậy. Thậm chí khi kẻ thù lại gần, nó còn làm ra vẻ mệt mỏi lười nhác, nằm ườn ra đất ngủ khò khò; kỳ thực là đang ngấm ngầm tính toán khoảng cách giữa mình và kẻ địch. Chỉ cần kẻ đó bước vào phạm vi công kích, chiến ngao sẽ như một con rắn độc…”

Hai lần con Lu không sủa

Lúc tôi đọc được đoạn này thì cũng bán tin bán nghi. Vì trước nay nuôi cũng nhiều chó, thấy con nào dữ và khôn chút thì đều sủa rất nhiều; còn im lặng không sủa thì toàn mấy con nhút nhát, gặp khách là lẩn mất. Nhưng về sau nhờ nuôi được một con chó này (tạm gọi tên nó là Lu) mà tôi có phần tin hơn một chút.

Con Lu chỉ là giống chó cỏ bình thường nhưng rất khôn; việc gì tôi cũng chỉ cần nói 1, 2 lần là nó hiểu ra ngay, không cần dạy bảo nhiều. Nó thì không phải im lặng như con chiến ngao miêu tả ở trên, mà thường sủa rất nhiều. Nhưng tôi để ý có 2 lần mà nó không sủa.

Một lần khi 2 thanh niên to cao đến nhà tôi chuyển đồ. Con Lu lại thấy lẩn đi đâu mất, im lặng không sủa gì. Một lúc sau khi 2 người này đang bê đồ ra thì nó lao tới cắn ngay vào bắp chân; mọi người đều hoảng hồn. Lần đó tôi cũng không để ý lắm tới thái độ khác thường của nó.

Con chó hung dữ nhất thế giới; Những con chó dữ nhất thế giới; Con chó hung dữ nhất
Con Lu không sủa nhưng lại lao ra cắn (ảnh minh họa Moviee)

Lần thứ 2 là có chị hàng xóm qua chơi. Con Lu cũng im lặng không sủa gì, tôi cũng không thấy có gì khác thường. Vậy mà khi chị này đang ngồi trên ghế nói chuyện, nó bất ngờ lao tới cắn ngay vào chân.

Im lặng mới là báo hiệu cho sự nguy hiểm thực sự

Lúc này tôi mới hiểu ra, là hễ con Lu đã nhắm cắn ai thì nó sẽ không sủa. Còn nó sủa chính là để cảnh báo đối phương mau tránh ra xa. Từ đó cứ thấy con Lu sủa tôi còn thấy yên tâm, chứ nó cứ im im thì lại phải đề phòng.

Vậy nên một con chiến ngao thực thụ, một con chó dũng mãnh nhất trong những con chó dũng mãnh mà cả đời không sủa tiếng nào thì cũng có thể hiểu được.

Kiếm sĩ cả đời chưa từng chém ai

Sở dĩ tôi nhớ lại chuyện này, cũng là vì vừa đọc được một bài viết của dịch giả Nguyễn Quốc Vương, có kể về 2 kiếm sĩ Nhật Bản cả đời chưa từng chém ai.

Đầu tiên là Katsu Kaishu, một đại võ sĩ của Nhật Bản thời cận đại. Ông là một anh hùng trí dũng song toàn và vô cùng giỏi kiếm thuật. Trong tay có quyền lực lớn lại võ thuật cao cường nhưng ông tự hào cả đời chưa từng tự tay rút kiếm chém ai.

Bí quyết của ông là hết sức kiềm chế, tôn trọng đối thủ và…buộc kiếm thật chặt để khi ông nổi nóng sẽ mất thời gian rút kiếm và khi rút được kiếm thì…hết giận!

Thứ hai là Fukuzawa Yukichi, một võ sĩ. Ít người biết ông cũng là một kiếm sĩ chuyên luyện một tuyệt chiêu chém từ dưới lên trên mà một khi thi triển thì đối thủ sẽ mất mạng. Ông khỏe, cao lớn, biết kiếm thuật nhưng cả đời chưa từng đánh nhau với ai và cũng là người đầu tiên trong giới võ sĩ nhận thức rằng thời đại võ sĩ dùng sức mạnh của kiếm để “bình thiên hạ” đã chấm dứt. Ông bán sạch kiếm trong nhà và khuyên các võ sĩ khác bỏ kiếm!    

Những con chó dữ dằn; Chó không sủa người lạ; Cháo ngao tây tạng
Kiếm sĩ tài giỏi nhưng cả đời chưa từng chém ai (ảnh minh họa Fun Japan)

Có câu “Nước chưa sôi thì réo rắt, nước sôi rồi lại lặng im”, người càng lợi hại lại càng trầm ổn, không cần ồn ào nhưng khí thế lại tựa như chúa sơn lâm đang rình mồi.

Một cảnh giới của người trưởng thành

Một người quản lý tài giỏi không phải là luôn thể hiện uy quyền với nhân viên, mà phải dần hướng tới vô vi; quản cũng như không quản, nhưng nhân viên vẫn luôn cảm thấy sự hiện hữu của người quản lý. Lão Tử giảng: “Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua; thấp hơn một bực thì dân yêu quý và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn”. Đạo lý chính là như vậy.

Bậc cha mẹ tốt không cần lúc nào cũng phải đánh mắng; không cần phải sát sao trong từng việc. Điều quan trọng hơn là dạy con ý thức tự giác; để khi không có cha mẹ ở đó thì chúng vẫn có thể tự câu thúc mình.

Bạn bè thân thiết không cần lúc nào cũng phải đi kề bên nhau. Quan trọng là khi có việc, chỉ cần nhờ một tiếng là bạn có mặt ngay; đó mới là bạn thân thực sự. Quân tử kết giao nhạt như nước, không cần náo nhiệt bề ngoài, chỉ cần đạo nghĩa trong tâm.

Có thể thấy đạo lý này thông thấu khắp nơi, cũng là một cảnh giới mà người trưởng thành cần đạt tới.