Là con người, ai cũng có các mối quan hệ để kết nối với mọi người và xã hội. Những mối quan hệ lành mạnh có thể có ảnh hưởng tốt tới cuộc sống của chúng ta.

Dưới cái nhìn của tâm lý học mà nói, có một số mối quan hệ sẽ có ảnh hưởng tốt tới thể chất và tinh thần; có lợi cho sự phát triển bản thân. Nhưng cũng có những mối quan hệ lại không như vậy, nó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Cho nên, chúng ta cần biết phân biệt, nhận thức nó.

Bởi đằng sau một mối quan hệ, thường là một loại khuynh hướng tâm lý. Đó là lý do tại sao khi kết giao với ai, người ta hay vì một loại tâm lý nào đó. Cho nên các nhà tâm lý học thường hiểu được trạng thái tâm lý của một người thông qua các mối quan hệ của họ. Từ đó giúp họ cải biến mức độ cảm xúc và trải nghiệm của mình thông qua việc thay đổi các mối quan hệ. 

Theo báo cáo tổng kết từ nhiều bệnh án tâm lý khác nhau, các nhà tâm lý học kết luận rằng: Người mà tâm lý càng yếu đuối, càng dễ thiết lập những mối quan hệ không lành mạnh. 

Đương nhiên, bạn có thể nhận thức phân biệt thông qua sự quan sát, nhận thức bản thân và tình trạng tâm lý của đối phương; để cả hai bên đều cùng trưởng thành và phát triển tốt hơn.

Không nên thiết lập mối quan hệ với người ích kỷ, tự phụ

Trong một mối quan hệ, mà có người luôn cho rằng: “Tôi có thể, còn bạn thì không thể”; người như vậy thuộc loại người rất ích kỷ.

Họ tự phụ và luôn thích hạ thấp đối phương; thích dạy đời, thích kiểm soát, toàn là những điều như thế. Có thể đôi khi chúng ta đã quen với điều đó, nên không nhận thức được. Nhưng miễn là bạn chú ý một chút, bạn sẽ hiểu được kết giao với người như vậy thật không tốt chút nào.

Bất luận là mối quan hệ bình thường hay tình cảm thân thiết, những người quá tự phụ thích xây dựng các mối quan hệ theo kiểu: “Tôi có thể, còn bạn thì không thể.”

Có một nhà tâm lý học, từng tư vấn cho một cô gái đang trong một mối quan hệ tình cảm vô cùng đau khổ. Bạn trai cô ấy thường nói rằng: “Anh làm được, em thì không được. Tốt hơn hết là em hãy nghe lời anh”.

Để chứng minh điều đó, bạn trai của cô thường xuyên nói những lời hạ thấp cô. Chẳng hạn như chê bai ngoại hình: “Em béo quá, đừng mặc váy nữa, rất xấu”; hoặc là coi thường nhận thức của cô: “Em thật ngốc quá! Chưa từng thấy ai ngốc như em”.

Mối quan hệ tốt đẹp; mối quan hệ bình đẳng; bạn bè tốt
Khi ở cạnh một người quá tự phụ, sẽ khiến chúng ta dần trở nên tự ti (ảnh minh họa Adobe Stock)

Qua thời gian lâu, cô dần mất đi sự tự tin, cảm thấy mình không tốt. Nếu rời khỏi bạn trai sẽ rất khó để tìm được một người có thể chấp nhận mình.

Muốn có mối quan hệ lành mạnh thì đừng tự ti

Khi mà chúng ta xuất hiện tư tưởng “bạn có thể, còn mình thì không thể”; sẽ khiến chúng ta trở nên tự ti. Vì trong lòng tự ti nên luôn cảm thấy bản thân yếu đuối. 

Có những người luôn cảm thấy rằng họ không tốt; mọi người đều coi thường mình, cười nhạo mình. Mặc dù bạn bè của họ đều cho rằng từ ngoại hình, học vấn, thu nhập cùng nhiều phương diện khác, họ đều rất tốt. Nhưng họ vẫn thấy mình chưa đủ tốt, mình thật kém cỏi.

Có một người đàn ông, trong các mối quan hệ của mình, anh luôn cảm thấy người khác coi thường mình; cười nhạo mình vì ngoại hình, hoặc một hành vi nào đó; hoặc nói sau lưng mình. Vì vậy anh từ chối nhiều sự giao thiệp; điều này cũng dẫn đến các mối quan hệ rất hạn hẹp. Ban đầu, anh cùng một người bạn đồng sáng lập một công ty; nhưng vì luôn gặp khó khăn trong việc xử lý các mối quan hệ, nên anh đã rời đi.

Mối quan hệ tốt đẹp; mối quan hệ bình đẳng; bạn bè tốt
Sự tự ti khiến thế giới của chúng ta thu nhỏ lại, ảnh hưởng tiêu cực tới công việc và cuộc sống (ảnh minh họa Kknews)

Có vài người bạn chân thành nói với anh ấy rằng: “Không ai coi thường bạn cả. Ngược lại, ai cũng thấy bạn rất chăm chỉ và quyết đoán. Bạn nên tự tin giao lưu với mọi người, để có thêm nhiều mối quan hệ tốt và phát triển công việc.

Anh cũng hiểu được điều đó, nhưng trong tâm vẫn không thay đổi được. Sau đó, lại có những cảm xúc và hành vi như trước; điều này khiến anh và những người xung quanh rất khổ não.

Thế nào là một mối quan hệ lành mạnh?

Trên đây là hai loại trạng thái tâm lý không tốt. Thứ nhất người rất ích kỷ, thứ hai là người vô cùng tự ti. Bất luận là loại người nào, cũng sẽ khiến các mối quan hệ của họ không có những cảm xúc và trải nghiệm tốt.

Vậy thế nào là một mối quan hệ lành mạnh? Mối quan hệ lành mạnh là sự bình đẳng về tâm lý, “bạn làm được, tôi cũng vậy”. Kiểu quan hệ này có lợi cho sự phát triển bản thân và sức khỏe tinh thần của cả hai.

Còn mối quan hệ không lành mạnh sẽ gây ảnh hưởng xấu tới tinh thần và thể chất của đôi bên. Nó cũng không bền qua thời gian, tới lúc sẽ rạn nứt mà thôi; bởi vì nó đi ngược với quy luật tự nhiên.

Tránh xa những mối quan hệ không lành mạnh là tiền đề của việc có một tâm hồn lành mạnh. Nhưng lành mạnh hay không lại nằm ở ý thức tâm lý của mỗi người khi kết giao. 

Muốn có những mối quan hệ lành mạnh, thì đừng quá tự phụ, cũng đừng tự ti. Chúc mọi người có một nội tâm vững vàng, an nhiên trong hành trình cuộc sống.

Theo Soundofhope