Đứa trẻ sinh ra đã biết nói, điều gì ẩn chứa phía sau?
Có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ có thật mà khoa học chưa thể giải thích nổi. Chẳng hạn như có những đứa trẻ vừa sinh ra đã biết nói.
Trong tôn giáo thường nói về luân hồi chuyển thế; cho rằng khi con người đầu thai sang kiếp khác, thì tất cả ký ức của tiền kiếp sẽ bị xóa sạch. Điều này vốn là để tốt cho con người, để họ không bị luẩn quẩn, chấp mê vào những thứ của tiền kiếp. Các mối quan hệ kiếp trước, kiếp sau không bị ràng buộc, lẫn lộn. Có thể thản đãng sống trong hiện tại.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ; có người vẫn có thể nhớ được kiếp trước của mình. Bởi vậy mà có những đứa trẻ vừa sinh ra đã biết nói chuyện. Trường hợp kỳ lạ này từ xưa đến nay đều có. Hôm nay xin giới thiệu với các bạn ba trường hợp đặc biệt như vậy.
Nội dung chính
Con trai Bàng Lan thời nhà Minh, vừa chào đời đã biết nói
Theo “Nhĩ Đàm” của Vương Tông Cơ ghi chép lại, Bàng Lan là người Nhâm Khâu (nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Ông là tiến sĩ vào năm Gia Tĩnh thứ 38, thời nhà Minh (năm 1559 sau Công Nguyên). Ông có một cậu con trai rất đặc biệt, sinh ra đã biết nói. Lúc vừa chào đời liền nói với cha mẹ: “Con là cống sinh ở vùng Chiết Giang, vốn tới kinh thành để nhậm chức; lại đột nhiên cảm giác bị ai đó dùng chiếc kiệu nhỏ khiêng tới nơi này”. Cả nhà nghe xong không khỏi kinh ngạc.
Một hôm, khi bế đứa nhỏ ra trước cổng; đột nhiên nó gọi lớn một người đang đi trên đường, rồi nói: “Người kia là hàng xóm của con trong tiền kiếp”. Người đi đường vô cùng sửng sốt, kinh ngạc. Hai người còn nói chuyện với nhau về tình trạng thê tử trong kiếp trước; cả chuyện nhà cửa, thành thị, biển hiệu… tất cả đều đúng.
Tuy nhiên, khi đứa trẻ lên mười tuổi, ký ức về tiền kiếp dần dần phai nhạt.
Thủ Phủ Nội Các Hạ Ngôn từng chuyển sinh tới Thiểm Tây
Theo ghi chép của “Nhĩ đàm”, Hạ Ngôn tự là Công Cẩn, hiệu là Quế Châu; ông là một đại quan triều Minh, cũng là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Hạ Ngôn nổi tiếng là vị quan chính trực, thẳng thắn. Ông từng là Lễ Bộ Thượng thư, kiêm Thủ Phủ Nội Các đại học sĩ Võ Anh Điện. Sau đó còn được cất nhắc làm Đẩu Phụ Đại Thần, có thể nói là “dưới một người trên vạn người”. Ngoài ra, ông còn để lại tác phẩm “Châu quế tập” lưu truyền hậu thế.
Hạ Ngôn là người vô cùng cương trực nên thường đắc tội nhiều người. Bởi vậy mà ông ba lần bị Gia Tĩnh Đế miễn chức rồi lại ba lần phục chức. Cuối cùng bị gian thần Nghiêm Tung mưu hại, bị xử tử, trở thành Thủ Phụ Nội Các đầu tiên triều Minh bị xử tử. Mười chín năm sau, con trai Gia Tĩnh Đế là Minh Mục Tông kế vị, đã sửa lại bản án oan cho ông, truy phong thụy hiệu “Văn mẫn”.
Đứa trẻ sinh ra đã nói chuyện, tự xưng mình là Thủ Phủ Hạ Ngôn
Nhà thơ Khâu Thản thời Minh từng nói về một sự kiện kỳ lạ như sau:
Năm Gia Tĩnh thứ 27 (1548 sau CN), lúc Hạ Ngôn bị áp giải ra pháp trường xử tử; ở Thiểm Tây có một đứa trẻ ra đời, trong một gia đình bình dân. Đứa trẻ vừa chào đời liền nói: “Ta là thủ phủ Hạ Ngôn, Hạ Quế Châu, vì sao ta lại ở đây?”
Cả nhà nghe xong lời đó, thì đều kinh hãi không hiểu, không lâu sau thì đứa trẻ chết non.
Sau này, gia đình ở Thiểm Tây kia biết được tin về cái chết của Hạ Ngôn, suy tính tới thời gian mà đứa trẻ kia ra đời, quả đúng trùng khớp với thời điểm mà Hạ Ngôn bị xử tử. Nguyên nhân là do ông vừa mới bị giết oan đã chuyển sinh đến nhà họ; mang theo ký ức kiếp trước, trong lòng có nhiều uất ức mà chết non.
Kỳ lạ hơn, thai nhi biết trước tương lai, trò chuyện với mẹ
Theo “Bắc Mộng Tỏa Ngôn” ghi chép, lúc Hoàng đế Đường Minh Tông thời hậu Đường chưa đăng cơ, ông được cử đến hỗ trợ Lý Tồn Tín tuần tra vùng biên cương. Lúc đi qua một lữ quán ở Nhạn Môn Quan, bà chủ của lữ quán khi ấy đang mang thai; lúc đó chưa kịp chuẩn bị đồ ăn. Thai nhi trong bụng liền nói với mẹ: “Thiên tử tới rồi, mau mau chuẩn bị thức ăn”. Giọng nói nghe rất rõ ràng, bà cảm thấy rất kỳ quái; liền vội vàng đi chuẩn bị đồ ăn, hơn nữa còn vô cùng cung kính cẩn thận.
Lý Tự Nguyên (tức vua Đường Minh Tông lúc chưa lên ngôi), thấy bà chủ quán trước sau đều nhất mực cung kính mình, liền hỏi bà nguyên do. Bà chủ nói: “Ngài là bậc vô cùng tôn quý, tiểu dân không thể không cung kính”. Sau đó liền đem chuyện đứa nhỏ trong bụng nói ra.
Có thể thấy, đứa nhỏ trong bụng không chỉ có thể nói chuyện với mẹ của mình, mà còn có thể nhìn ra số mệnh Thiên tử của Lý Tự Nguyên; vì thế bèn nhắc nhở mẹ hậu đãi.
Sinh ra đã biết nói chuyện, lại còn nhớ được tiền kiếp. Thậm chí, đến cả thai nhi cũng biết nói, còn biết trước tương lai. Đúng là nhân gian kỳ sự vô số!
Theo Vision Times