Một trong những mỹ đức mà cha mẹ nên dạy cho con đó là lòng bao dung, để phát triển được điều này ở con thì cũng có một vài phương pháp.

Đồng cảm nghĩa là chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của đối phương mà suy nghĩ vấn đề, hoặc là có thể cảm nhận được tâm cảnh nào đó của đối phương, sau đó dùng một phương thức hợp lý để quan tâm, giúp đỡ. Người có lòng bao dung, đồng cảm, thông thường sẽ biết quan tâm và thiện đãi người khác. Một số người sinh ra với lòng bao dung, đồng cảm; một số khác lại cần phải bồi dưỡng từng ngày.

Trẻ em học cách xây dựng và duy trì tình bạn khi chúng lớn lên; và trẻ em ở các độ tuổi khác nhau cư xử khác nhau. Trong quá trình giao tiếp, việc trẻ nhỏ gây gổ với nhau một chút cũng là việc bình thường; đây chính là quá trình trẻ phải trải qua để trưởng thành. Tuy nhiên khi trẻ vô tình làm tổn thương người khác, cha mẹ và thầy cô nên giáo dục trẻ, dẫn dắt trẻ đặt mình vào vị trí của người khác, giúp trẻ cảm nhận được nỗi đau của người khác, từ đó giúp bồi dưỡng sự đồng cảm cho trẻ.

Để giúp trẻ phát triển lòng bao dung và sự đồng cảm, dưới đây là 5 mẹo để cha mẹ chủ động bồi dưỡng kỹ năng xã giao cho trẻ:

1. Hãy chú ý đến cảm xúc của trẻ

Bước đầu tiên là giúp trẻ nhận biết cảm xúc của mình đến từ đâu và nguyên nhân gây ra chúng. Cha mẹ có thể dạy trẻ sử dụng các từ như vui, buồn, tò mò, thất vọng, … để mô tả cảm xúc của trẻ trong ngày. Nhất là khi cảm xúc của trẻ và thân thể có sự đối ứng với nhau. Ví dụ như khi trẻ lo lắng thì sẽ cảm thấy đau bụng; hãy để cho trẻ thông qua phương pháp này biểu đạt cảm xúc ra ngoài.

Phát triển lòng bao dung; Lòng bao dung là gì; Lòng bao dung và vị tha
(ảnh: Adobestock)

Khi trẻ em có khả năng xác định, xử lý và điều chỉnh cảm xúc của chính mình tốt hơn, chúng cũng trải nghiệm cảm xúc của những người khác trong môi trường của chúng; điều này có thể giúp chúng phát triển sự đồng cảm khi tương tác với bạn bè cùng trang lứa.

2. Tự thể nghiệm lòng bao dung

Trẻ em có khả năng bắt chước rất mau. Khi cha mẹ nỗ lực bao dung và giúp đỡ người khác, đứa trẻ cũng sẽ noi theo. Khi cha mẹ chỉ cho trẻ làm thế nào để bao dung người khác, làm sao để giúp đỡ người khác, làm sao để xoa dịu nỗi đau của người khác, đứa trẻ cũng sẽ học theo và làm giống như vậy.

3. Đừng vội đưa ra kết luận về lời nói và việc làm của trẻ

Bắt nạt được coi là một loại hành vi có tính công kích không được hoan nghênh. Trong đó bao gồm quyền lực không cân bằng, và ý định làm hại một đứa trẻ khác về thể chất và tình cảm. Mặc dù trêu chọc hoặc gây hấn về thể chất (xô đẩy, kéo) có thể giống như là đang bắt nạt người khác; nhưng rất có thể đó chỉ là một ví dụ của việc giao tiếp xã hội chưa trưởng thành hoặc thiếu nhẫn nại. 

Lòng bao dung nghĩa là gì; Lòng bao dung và vị tha là gì; Sự đồng cảm là gì
(ảnh: Adobestock)

Khi cha mẹ vội vàng gọi những đứa trẻ khác là “bắt nạt” hoặc “xấu tính”, con trẻ sẽ theo thế mà học theo. Nhưng nếu cha mẹ có thể bình tĩnh và giúp con cái của họ sử dụng sự đồng cảm để đối phó với những khoảnh khắc khó chịu này, như vậy thì trẻ sẽ suy nghĩ rộng lượng và cảm thông hơn cho người khác.

4. Dạy trẻ sử dụng ngôn ngữ bao dung

Đối với một số trẻ, việc tìm bạn chơi cùng rất đơn giản. Ví như trẻ có thể nói “Bạn có thể chơi với mình được không?” Tuy nhiên, có nhiều trẻ, việc tham gia một nhóm không phải là điều dễ dàng. Tham gia và rời khỏi một nhóm là một kỹ năng xã hội khá “cao cấp”; và trẻ nhỏ không phải tự nhiên mà có thể biết được việc này.

Cha mẹ có thể dạy con quan sát căn phòng hoặc khu vực tiếp khách, tìm những đứa trẻ có thể đã bị nhóm này bỏ qua và mời chúng tham gia bằng một lời mời thân thiện. Trẻ em có thể được dạy để nói:

– Bạn muốn ăn trưa với chúng mình không?

– Bạn thích chơi đá bóng không? Bạn có thể tham gia nhóm với chúng mình.

– Bạn có muốn chơi chung với chúng mình không?

Sự đồng cảm trong cuộc sống; Sự đồng cảm sẻ chia của con người trong cuộc sống; Sự đồng cảm và sẻ chia
(ảnh: Adobestock)

Tuy những câu nói ở trên nghe có vẻ đơn giản, nhưng trước khi trẻ học cách giúp đỡ người khác, trẻ có xu hướng nghĩ rằng những đứa trẻ khác sẽ tham gia khi chúng cần. Khi bạn sử dụng ngôn ngữ bao dung ở nhà, ví dụ như: “Con có muốn đi dạo với mẹ không?” Con bạn cũng sẽ học theo và làm như vậy với những đứa trẻ khác.

5. Kịp thời khích lệ những hành động thiện lương của trẻ

Trẻ em nhận được quá nhiều phản hồi có tính uốn nắn khi chúng mắc lỗi và thường không nhận được phản hồi tích cực cho những hành động tử tế của chúng. Cha mẹ lưu ý, khi con cái làm được việc tốt ở nhà, ở trường, ở cộng đồng, hãy nói với con rằng cha mẹ tự hào về con.

Nếu cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển lòng bao dung và sự đồng cảm từ nhỏ thì đó chính là hành trang quý giá nhất để con mang vào đời.

Theo Epoch Times