Tâm thái tĩnh xác định sự thành bại trong cuộc đời, bạn biết không?
Chỉ cần xem một người có thể giữ tâm thái tĩnh đến đâu trong các mối quan hệ, thì cơ bản có thể biết được sự thành bại trong cuộc đời người đó.
Nội dung chính
Thành bại một đời người chủ yếu là do tĩnh khí quyết định
Danh ngôn có câu rất hay: “Nếu như bạn đúng, bạn không cần thiết phải tức giận với họ, còn nếu như bạn sai, vậy lại càng không có tư cách để nổi giận”. Nội hàm của tĩnh là có được qua quá trình tu dưỡng, tiếc thay nhiều người không thông suốt vấn đề này.
Người xưa cũng từng nói: “Người có tĩnh khí tốt, phàm làm việc gì cũng tốt. Người thì cần học làm người, học làm người, đó là việc cả đời không hết, không có cách nào tốt nghiệp được”. Làm người thì bất cứ giai cấp hay tầng lớp nào, nếu luôn trau dồi học hỏi thì không lo không thể tiến bộ.
Người “tĩnh” mới có thể nhận sai
Con người bình thường không mấy khi tự nhận mình sai. Phàm việc gì cũng đều cho rằng người khác không đúng. Kỳ thực, không nhận sai cũng chính là một cái sai.
Một người có thể nhận sai với người khác, thậm chí với người dưới như con cái, nhân viên, với những người đối xử không tốt với mình, họ vốn chẳng mất đi hay thua thiệt điều gì. Bởi nhận lỗi là thể hiện của khả năng nhận thức và sự độ lượng của một con người.
Học cách nhận sai và nói lời xin lỗi, đó là một đức tính tốt mà nếu không đủ “tĩnh” thì không thể làm được. Người biết nhận sai sẽ có khả năng học hỏi, bởi vậy tương lai của người này chắc chắn sẽ có được những thành công nhất định.
Biểu hiện của nhẫn
“Nhẫn một lúc sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Người có nhẫn sẽ giải quyết được mọi việc. Họ có năng lực nhưng lại dùng trí huệ mà nhượng bộ; việc lớn vì thế hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không.
Khi nhẫn được, tức là có thể bình hoà tiếp nhận, nhờ đó họ có thể nhận biết được đúng sai, tốt xấu, thị phi…
Nhẫn mà nhu hòa
Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử có viết: “Kiên cường xử hạ, nhu nhược xử thượng”. Nghĩa là cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn. Làm người cần học cách nhu hòa, được như vậy các mối quan hệ mới duy trì dài lâu. Cứng rắn quá thì thô tháo, đôi khi làm mất lòng người khác.
Có người dùng lời bào chữa: “tôi không ngọt ngào nhưng tâm địa của tôi tốt”. Tâm địa đã tốt vì sao không cố gắng thêm chút nữa về thái độ? Chỉ khi đối phương tiếp nhận lời nói thì cuộc giao tiếp mới thực sự có được kết quả tích cực nhất. Nếu mềm mỏng từ trong tâm địa thì biểu hiện ra ắt nhu hoà.
Thấu hiểu
Giữa người với người mà không có sự thấu hiểu để đồng cảm lẫn nhau thì sẽ sản sinh ra những hiểu nhầm. Từ hiểu nhầm dẫn đến các vấn đề thị phi, tranh chấp đúng sai.
Để thấu hiểu được người khác đòi hỏi con người có năng lực nhận thức sự việc một cách đúng đắn. Thấu hiểu để bảo trì được tâm thái từ bi lương thiện khi đối diện với người và sự việc. Một người đủ tĩnh để có thể thấu hiểu người khác thì họ không lo thất bại trong đối nhân xử thế.
Tĩnh lại và buông bỏ
Cuộc sống cũng như một sợi dây chun, khi cần dùng thì căng ra, khi không dùng thì cần chùng lại. Những điều cần buông xuống mà không buông thì cũng như ta kéo căng sợi dây chun, căng quá thì dễ đứt. Một người phải ôm giữ áp lực thì không thể ung dung tự tại.
Đời người hữu hạn, điều gì thuộc về mình thì sẽ không mất, điều không thuộc về mình có nắm giữ cũng trôi đi; biết buông bỏ là biểu hiện của sự dũng cảm; chỉ những người dũng cảm mới có thể vững bước tiến về phía trước.
Tâm thái tĩnh thì liên quan gì đến cảm động?
Bạn nghĩ xem, một người luôn bận rộn với những suy tính cho bản thân, họ làm gì có thời gian để nghĩ cho người khác. Một người khi nhìn thấy người khác được hưởng sự tốt đẹp mà biết cảm động, họ sẽ mừng vui như chính bản thân đang được nhận. Nhưng không phải ai sinh ra cũng biết cảm động.
Người biết cảm động cũng thường nỗ lực làm những việc có thể khiến người khác cảm động. Cuộc sống của họ vì vậy mà chan chứa yêu thương, đầy ắp ý nghĩa.
Ngược lại, xung quanh người vô cảm toả ra trường lãnh đạm, lạnh lùng. Một người vô cảm dễ khiến người khác hụt hẫng bởi vậy họ khó có được những mối quan hệ thân thiết tốt đẹp.
Cảm động cũng cần phải học sao? Đúng là như vậy! Người có thể cảm động luôn sống trong sự biết ơn; khi biết ơn con người mới có thể sẵn sàng cho đi mà không cảm thấy hối tiếc.
Giữu tâm thái tĩnh để sinh tồn
Để tồn tại, chúng ta cần duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh, không những có lợi cho bản thân mà còn giúp ích cho người khác.
Trước hết, sức khỏe tốt khiến cho gia đình an tâm; không để cha mẹ lo lắng cũng là một hành vi hiếu thảo. Khoẻ mạnh làm chỗ dựa cho bạn đời, con trẻ; đây cũng là biểu hiện của người có tinh thần trách nhiệm.
Theo kết quả nghiên cứu của nhà tâm lý học David R. Hawkins, cảm xúc có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Bởi vậy, để duy trì một thân thể khỏe mạnh thì tinh thần mỗi người cũng phải bảo trì ở trạng thái bình ổn.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng ta cần nhìn nhận lại rằng, ngày hôm nay mình có tức giận hay không?
Tâm thái tĩnh là biểu hiện của trí huệ, người càng có tu dưỡng lại càng tĩnh tại.
Theo Chungta